23/12/2024

Sau tranh cãi, Trung Quốc – Nepal đo lại độ cao ‘nóc nhà thế giới’ Everest

Sau tranh cãi, Trung Quốc – Nepal đo lại độ cao ‘nóc nhà thế giới’ Everest

Trung Quốc và Nepal dự kiến sẽ ra tuyên bố chung về số liệu đo đạc mới nhất đối với đỉnh Everest đang được các chuyên gia khảo sát.
Các nhà leo núi tiến lên đỉnh Everest từ Nepal vào năm 2019 /// Reuters
Các nhà leo núi tiến lên đỉnh Everest từ Nepal vào năm 2019  REUTERS
Hãng AFP ngày 27.5 đưa tin một nhóm các nhà khảo sát Trung Quốc trở thành nhóm đầu tiên trong năm nay đang tiến lên đỉnh Everest nhằm xác định chính xác độ cao của “nóc nhà thế giới”.
Cuộc thám hiểm do nhà nước tài trợ được tiến hành sau khi Trung Quốc và Nepal tạm ngưng hoạt động leo núi từ tháng 3 vì đại dịch Covid-19.
Ngọn núi được cho là cao nhất thế giới này đến nay vẫn đang gây nhiều tranh cãi về độ cao chính xác.
Lần khảo sát chính thức gần đây nhất vào năm 2005 xác định Everest cao 8.844,43 m, không bao gồm lớp băng tuyết trên đỉnh. Trong khi đó, số liệu chính thức của Nepal lại cao hơn 4 m và bao gồm cả phần băng tuyết trên đỉnh.

Bên cạnh đó, có nhận định cho rằng những hoạt động địa chất gần đây đã ảnh hưởng đến độ cao của đỉnh Everest, như trận động đất ở Nepal vào năm 2015.

Tân Hoa xã cho rằng chuyến thám hiểm mới nhất là cơ hội đạt được số đo chính xác cao vì các thiết bị sẽ dùng tín hiệu từ vệ tinh cùng với “các dụng cụ khảo sát và vẽ bản đồ nội địa tân tiến”.
Chưa rõ khi nào kết quả khảo sát sẽ được công bố, nhưng Trung Quốc và Nepal năm ngoái đồng ý sẽ cùng công bố kết quả bằng tuyên bố chung. Cuộc khảo sát trước đó định tiến hành vào ngày 30.4 nhưng bị hoãn 2 lần do thời tiết xấu.
Những nhà leo núi chỉ có thể lên đỉnh Everest trong một khoảng thời gian ngắn vào mùa xuân trước khi mùa mưa đến kèm theo thời tiết nguy hiểm. Năm ngoái, ít nhất 11 người leo núi tử vong ngay cả trước khi lên đến đỉnh vì thiếu ô xy.
KHÁNH AN
TNO