19/11/2024

Châu Phi đang chống dịch COVID-19 giống kiểu Việt Nam?

Châu Phi đang chống dịch COVID-19 giống kiểu Việt Nam?

Kịch bản xấu nhất chưa thấy xảy ra ở châu Phi. Số ca tử vong tại khu vực châu Phi hạ Sahara rất thấp. Các nước đã sử dụng hiệu quả các công cụ chống dịch Ebola để đối phó với COVID-19.

 

Châu Phi đang chống dịch COVID-19 giống kiểu Việt Nam? - Ảnh 1.

Một số nhà dịch tễ học cho rằng nguyên nhân tử vong COVID-19 thấp ở khu vực châu Phi hạ Sahara là do khí hậu nóng, dân số trẻ, ít đi lại – Ảnh: KAFUNEL

Khi dịch COVID-19 lây nhiễm với tốc độ chóng mặt ở châu Âu hồi tháng 3-2020, nhiều chuyên gia lo ngại cho lục địa châu Phi. Thậm chí Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi châu Phi “chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”. Ấy vậy mà hai tháng sau, kịch bản xấu nhất không xảy ra ở châu Phi.

Một số giả thiết để giải thích

Khu vực châu Phi hạ Sahara là nơi thiếu thốn mạng lưới y tế. Theo tạp chí Jeune Afrique, Mali chỉ có 40 giường hồi sức và Burkina Faso chỉ có 15 giường.

Tuy nhiên, số tử vong do COVID-19 rất thấp so với châu Âu, Trung Quốc, Mỹ hoặc Brazil. Tính đến ngày 26-5, có 67 ca tử vong ở Mali, 62 ca ở Nigeria, 30 ca ở Bờ biển Ngà.

Một số nhà dịch tễ học cho rằng nguyên nhân do thời tiết nóng, dân số trẻ, mật độ dân số thấp, ít kết nối với  toàn cầu hoặc số liệu dịch bệnh chưa đầy đủ do xét nghiệm còn ít.

Ông Philippe Le Vaillant – phó giám đốc văn phòng tổ chức Thầy thuốc không biên giới ở Dakar và phụ trách hoạt động ở năm nước Tây Phi (Mali, Niger, Nigeria, Burkina Faso và Senegal), không đồng ý như vậy vì rõ ràng không có đợt lây nhiễm nghiêm trọng nào được ghi nhận trong mạng lưới y tế.

Kinh nghiệm từ thời chống Ebola

Theo tạp chí Slate, có một nguyên nhân tiềm ẩn là phản ứng tuyệt vời của nhiều nước khu vực hạ Sahara.

Sau nhiều năm đương đầu với dịch Ebola, khu vực này đã học được cách sử dụng nhuần nhuyễn các công cụ hiệu quả để khoanh vùng dịch.

Đến ngày 5-5, WHO ghi nhận có 3.317 ca nhiễm Ebola ở CHDC Congo, trong đó có đến 2.279 ca tử vong. Với tỉ lệ tử vong cao như thế, các nước trong khu vực buộc phải xây dựng mạng lưới giám sát tinh vi và thực hiện các chiến lược ngăn chặn.

Đến khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, các nước này bèn triển khai ngay các công cụ chống dịch đó.

Bà Catherine Kyobutungi – giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe và dân số châu Phi (APHRC), mô tả: “Các biện pháp can thiệp chủ yếu để kiểm soát virus Ebola đã được áp dụng tương tự với COVID-19. Các công cụ trong giai đoạn đầu dịch bệnh là xét nghiệm, cách ly và truy dấu người tiếp xúc”.

Châu Phi đang chống dịch COVID-19 giống kiểu Việt Nam? - Ảnh 2.

Rwanda đóng cửa trường và cấm tụ tập đông người trước khi có ca nhiễm đầu tiên. Trong ảnh: hành khách đi xe buýt giãn cách ở Rwanda – Ảnh: AFP

Phong tỏa, xét nghiệm và cách ly

Biện pháp phong tỏa đã được thực hiện từ rất sớm. Uganda và Rwanda đóng cửa trường và cấm tụ tập đông người ngay trước khi có ca nhiễm đầu tiên.

Trong khi đó, các biện pháp này chỉ được WHO khuyến cáo thực hiện cho giai đoạn hai của dịch (khi virus đã lây lan trong cộng đồng).

Hai ngày sau ca nhiễm đầu tiên, Uganda đóng cửa sân bay và áp dụng biện pháp phong tỏa trong khi vẫn còn trong giai đoạn 1 của dịch.

Một khuyến cáo khác của WHO đã nhanh chóng được thực hiện, đó là xét nghiệm du khách có nguy cơ lây nhiễm.

Tại Uganda, mỗi ngày khoảng 1.000 tài xế xe tải nặng đã được xét nghiệm để ngăn chặn các lao động xuyên biên giới này lây nhiễm.

Sau khi có ca nhiễm đầu tiên đến Uganda từ Dubai bằng đường hàng không, tất cả hành khách đến từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đều bị cách ly.

Đến ngày 20-5, chính thức không còn ca nhiễm COVID-19 nào ở Uganda.

Châu Phi đang chống dịch COVID-19 giống kiểu Việt Nam? - Ảnh 3.

Tài xế xe tải chờ xét nghiệm COVID-19 ở Malaba (Uganda) giáp biên giới Kenya – Ảnh: AFP

Huy động cộng đồng chống dịch

Tại Tây Phi, lực lượng can thiệp được thành lập để đối phó với dịch Ebola thì nay đã được huấn luyện lại để chống dịch COVID-19.

Với lực lượng ứng phó chống dịch Ebola có sẵn, rất dễ xoay chuyển định hướng mạng lưới giám sát COVID-19.

Tại Sierra Leone, để theo dõi dấu vết COVID-19, chính phủ đã khẩn trương huy động 14.000 nhân viên y tế cộng đồng, trong đó có 1.500 người  được đào tạo thành “người theo dõi các tiếp xúc”. Tính đến ngày 26-5, Sierra Leone chỉ có 44 ca tử vong.

Nhà nhân loại học Paul Richards ở Sierra Leone ghi nhận huy động cộng đồng là biện pháp chống dịch rất quan trọng ở Sierra Leone.

Ông giải thích: “Trong bất kỳ dịch bệnh nào mà huy động cộng đồng giữ vai trò quyết định, các hộ gia đình đã suy nghĩ như các nhà dịch tễ học và các nhà dịch tễ học cũng suy nghĩ như các hộ gia đình”.

Huy động cộng đồng đã giúp cách ly hiệu quả người nhiễm với gia đình họ.

Châu Phi đang chống dịch COVID-19 giống kiểu Việt Nam? - Ảnh 4.

Ngày 23-5, các tín đồ Hồi giáo ở Kano (Nigeria) cầu nguyện kết thúc tháng ăn chay ramadan gây lo ngại lây nhiễm COVID-19 – Ảnh: TWITTER

Coi chừng hiệu ứng domino

Dù vậy, bà Catherine Kyobutungi ghi nhận: “Do các nước châu Phi không đủ khả năng xét nghiệm đại trà nên rất khó áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Mỗi lần nới lỏng giãn cách lại xảy ra đợt lây nhiễm. Do đó, số ca nhiễm có thể bùng nổ trong đợt dịch thứ hai”.

Thành phố Kano (Nigeria) đang đối phó với số người chết tăng đột ngột. Ông Philippe Le Vaillant nhận xét: “Chúng tôi lo ngại Kano trở thành ổ dịch. Tình hình đáng lo ngại do mật độ dân số cao và nghèo đói. Trong tháng ramadan, buổi tối hay có tập trung đông người. Thật khó để phong tỏa cư dân ở đó”.

Nhiều khu vực khác cũng rất đáng quan tâm như thế. Chỉ cần một quốc gia buông lỏng chống dịch sẽ ảnh hưởng đến các nước láng giềng. Hiệu ứng domino sẽ là kịch bản tồi tệ nhất đối với lục địa đen châu Phi.

HOÀNG DUY LONG
TTO