23/01/2025

Bác sĩ lo ngại số ca COVID-19 ở Mỹ có thể lên tới 3,5 triệu

Bác sĩ lo ngại số ca COVID-19 ở Mỹ có thể lên tới 3,5 triệu

Một kỹ thuật test với độ chính xác 90% vẫn sẽ bỏ sót 50% số ca nhiễm, một bác sĩ người Mỹ dẫn chứng. Do đó, giới chuyên gia cho rằng số người Mỹ thật sự nhiễm virus corona ít nhất gấp đôi con số báo cáo hiện nay, tức khoảng 3,5 triệu ca.

 

Bác sĩ lo ngại số ca COVID-19 ở Mỹ có thể lên tới 3,5 triệu - Ảnh 1.

Thống kê tỉ lệ người nhiễm virus corona trong cộng đồng là một nhiệm vụ khó khăn – Ảnh: REUTERS

Tính đến chiều 27-5 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận 1.725.275 ca nhiễm chính thức, bao gồm 100.572 người chết, theo trang thống kê Worldonmeter.

Xét nghiệm nhiều lần mới phát hiện dương tính

Người đàn ông trẻ cấp cứu ở Bệnh viện Newton Wellesley (bang Massachusetts, Mỹ) trông tơi tả đến mức cần phải có máy trợ hô hấp mới thở được.

Các bác sĩ điều trị chắc ăn bệnh nhân này đã nhiễm virus corona chủng mới, vì ngoài khó thở anh còn những triệu chứng khác tiêu biểu của bệnh. Lúc đó là giữa tháng 4, cao điểm của đợt bùng phát dịch ở thành phố Boston, Massachusetts.

Nhưng xét nghiệm dịch hầu họng lần đầu cho kết quả âm tính. Xét nghiệm thứ hai, 24 giờ sau, cũng vẫn âm tính. Họ quyết định thử cách khác.

“Nhóm lâm sàng nhờ tôi giúp đỡ thực hiện xét nghiệm hút khí quản”, bác sĩ Michael Misialek, chuyên gia bệnh lý học của Bệnh viện Newton Wellesley, kể lại với phóng viên Đài CNN.

Đây là kỹ thuật xét nghiệm dùng mẫu lấy từ vị trí sâu trong hệ hô hấp, phức tạp hơn nhưng các bác sĩ ngày càng ghi nhận nhiều trường hợp không thể phát hiện COVID-19 trừ khi thực hiện kỹ thuật này. Quả thật kết quả lần này là dương tính.

Ở New York, nhiều bệnh nhân trẻ em bộc phát hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) – biến chứng hiếm gặp nhưng đáng lo gây ra do phản ứng của hệ miễn dịch trước virus corona.

Chỉ sau vài lần xét nghiệm mẫu phế quản và thậm chí phân, nhiều bệnh nhi mới được khẳng định nhiễm COVID-19. Một số khác chỉ dương tính khi xét nghiệm kháng thể, tức đã vào giai đoạn cơ thể phản ứng liên tục với viêm nhiễm.

“Tất cả trẻ em mắc hội chứng MIS-C chúng tôi phải xét nghiệm ít nhất 2 lần. Kỹ thuật PCR không phải lúc nào cũng chính xác”, bác sĩ James Schneider ở New York nói.

Bác sĩ nào cũng muốn chẩn đoán chính xác cho bệnh nhân để điều trị đúng, nhưng trên thực tế đa số người nghi nhiễm corona chỉ được xét nghiệm một lần, và đó là kết quả cuối cùng dùng cho thống kê.

“Đó là một mớ bòng bong. Các dữ liệu đều loạn xạ hết”, bác sĩ Mike Osterholm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách thuộc Đại học Minnesota (Mỹ), nhận xét.

Bác sĩ lo ngại số ca COVID-19 ở Mỹ có thể lên tới 3,5 triệu - Ảnh 2.

Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 100.000 người đã thiệt mạng – Ảnh: TIME

Khó phát hiện người nhiễm

Theo CNN, một vài nghiên cứu bắt đầu chỉ ra khi bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nặng, virus corona chủng mới sinh sản sâu trong hệ hô hấp của họ, nằm ngoài tầm với của kỹ thuật xét nghiệm dịch hầu họng.

“Cách chẩn đoán truyền thống là dùng mẫu dịch vòm họng, nhưng nếu virus không sinh sản ở đó thì sao? Xét nghiệm có thể cho kết quả một người không có virus dù thực tế virus đang sinh sôi trong phổi hoặc trong ruột.

Nó tùy vào giai đoạn bệnh. Virus dễ phát hiện nhất khoảng 1-2 ngày trước khi phát triệu chứng, và 4 ngày sau đó. Một tuần ‘cửa sổ’ này là lúc phải tóm được nó”, bác sĩ Misialek giải thích.

“Rất khó để nắm bắt được tỉ lệ hiện diện của virus. Chúng tôi biết ở một vài thành phố lây nhiễm cao hơn báo cáo, nhất là những nơi người chết nhiều. Chúng tôi không biết gì nhiều về các bang xét nghiệm ít”, bác sĩ Eric Schneider cho biết.

Còn theo bác sĩ Osterholm, độ chính xác của các kit xét nghiệm hiện tại thấp hơn nhiều so với mức nhạy 85-99% như quảng cáo.

Ngoài ra, trong một nhóm dân số nhất định, xét nghiệm chỉ cho kết quả tương đối nếu căn bệnh đã lây lan phổ biến. Nhưng nếu bệnh chỉ mới ảnh hưởng một tỉ lệ nhỏ như trường hợp COVID-19, một sai số rất nhỏ sẽ bị phóng đại lên nhiều lần.

Ví dụ, nếu 5% dân số Mỹ nhiễm virus (16/328 triệu người), thậm chí một kỹ thuật test với độ chính xác 90% vẫn sẽ bỏ sót 50% số ca nhiễm, bác sĩ Osterholm dẫn chứng.

Xét nghiệm thiếu chính xác không chỉ làm khó bác sĩ, à còn có thể khiến các nhà quản lý đưa ra quyết định sai liên quan đến chống dịch.

Tuần trước Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố dữ liệu cho thấy khoảng 35% người nhiễm corona không triệu chứng nhưng vẫn có thể lây như người có triệu chứng.

“Nhưng dữ liệu có ích gì nếu không ai tin tưởng được nó?”, bác sĩ Osterholm đặt câu hỏi.

PHÚC LONG
TTO