23/01/2025

Khó khăn hậu dịch là ‘thời cơ vàng’ cho băng đảng tội phạm

Khó khăn hậu dịch là ‘thời cơ vàng’ cho băng đảng tội phạm

Trong lúc dịch hoành hành, bọn tội phạm ở Ý đã tiến hành hoạt động phục vụ ý đồ riêng, từ cho vay tiền đến mua lại doanh nghiệp. Tiến sĩ Elisabetta Bucolo đã cảnh báo hiện tượng này.

 

 

 

Khó khăn hậu dịch là thời cơ vàng cho băng đảng tội phạm - Ảnh 1.

Một tên mafia cộm cán ở Ý bị bắt giữ – Ảnh: AFP

Công tố viên quốc gia Cafiero De Raho người Ý từng cảnh báo: “Các băng nhóm tội phạm sẽ tận dụng thời kỳ này để nổi lên gặm nhấm nền kinh tế”.

Mục tiêu của chúng là các lĩnh vực kinh tế có tiềm năng mang lại thu nhập cao.

Ba lợi thế của bọn mafia 

Tiến sĩ xã hội học người Pháp Elisabetta Bucolo – thành viên Phòng thí nghiệm liên môn về xã hội học kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), nhận định trên trang web The Conversation: “Trong các vùng xám của thỏa thuận ngầm và đồng lõa, bọn tội phạm, các nhà chính trị, các doanh nhân và công chức nhà nước đã hình thành liên minh và trao đổi lợi ích tại ranh giới giữa hợp pháp và bất hợp pháp”.

Nhờ mạng lưới rộng đủ khả năng thu thập thông tin và tìm kiếm đối tác, bọn tội phạm ở Ý ra tay hành động như một tác nhân điều phối hoạt động kinh tế.

Chúng sử dụng ba lợi thế để bảo đảm mục tiêu giảm chi phí và tạo môi trường cạnh tranh: Không khuyến khích cạnh tranh bằng đe dọa và bạo lực, giảm chi phí lao động nhờ trốn thuế và sử dụng lao động lậu, dùng tiền mặt đầu tư thông qua hoạt động bất hợp pháp (buôn ma túy, cho vay nặng lãi, buôn súng).

Nguồn tiền bất hợp pháp sẽ dần dần xâm lấn nền kinh tế hợp pháp.

Vay nợ từ bọn mafia

Bọn tội phạm luôn hiện diện ổn định trên thị trường bằng cách sẵn sàng cung ứng tiền mặt cho các công ty vượt qua khủng hoảng và hoạt động trở lại sau thời gian phong tỏa.

Tại Ý, nhiều nhà hàng và khách sạn hạng sang ở Napoli đã chấp nhận vay tiền của băng đảng Camorra.

Chúng còn lăm le mua lại các công ty sắp phá sản, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đồng thời lợi dụng điều này để rửa tiền.

Ở Ý có khoảng 3,7 triệu lao động không giấy phép mất việc trong dịch trong khi kinh tế ngầm chiếm 211 tỉ euro, tương đương 12,1% GDP của Ý.

Trong bối cảnh đó, bọn mafia sẵn sàng hủy một số khoản nợ tới hạn và tổ chức cung cấp thực phẩm, thuốc men, thiết bị y tế.

Tại Palermo, Giuseppe Cusimano – anh em của trùm băng ma túy Cosa Nostra (đang ngồi tù) đã núp bóng hội từ thiện để phân phát thực phẩm miễn phí tại một số khu phố nghèo.

Nhà báo Salvo Palazzolo viết bài cảnh báo đăng trên báo La Repubblica đã bị đe dọa.

Thông qua các việc nho nhỏ này, bọn tội phạm có ý đồ tạo quan hệ phụ thuộc và thiết lập quyền kiểm soát lãnh thổ.

Khó khăn hậu dịch là thời cơ vàng cho băng đảng tội phạm - Ảnh 2.

“Giỏ đoàn kết” trước nhà ở Napoli – Ảnh: RADIO FRANCE

Đi kèm với tham nhũng

Một khi các công ty gặp khó khăn dễ dàng chấp nhận nguồn tiền bất hợp pháp cùng các hình thức bảo vệ và hợp tác, cuối cùng các thực thể kinh tế lành mạnh dần bị nuốt chửng.

Với nguồn tiền mặt, bọn tội phạm có thể kiểm soát hoặc mua lại các doanh nghiệp hợp pháp để giành giật hợp đồng cung cấp thiết bị y tế.

Hai thẩm phán Richard J. Goldstone người Nam Phi và American Mark L. Wolf người Mỹ khẳng định đại dịch COVID-19 là cơ hội làm giàu cho các nhà lãnh đạo tham nhũng ở nhiều nước.

Tại Ý, các công ty của hai doanh nhân đã bị buộc tội gian lận qua các hợp đồng cung cấp thiết bị bảo hộ cho cơ quan nhà nước trị giá tổng cộng 64 triệu euro.

Những trường hợp như vậy xảy ra khắp nơi vào thời điểm hệ thống chống tham nhũng bị buông lỏng và thủ tục hành chính được đơn giản hóa để tạo điều kiện đầu tư sản xuất trang thiết bị y tế.

Các biện pháp đối phó

Một khi hoạt động tội phạm xâm lấn, hậu quả xảy ra là nhiều người cảm thấy nhận dịch vụ bất hợp pháp từ bọn tội phạm là cần thiết.

Luật sư Enza Rando thuộc Hiệp hội chống mafia Libera ở Ý ghi nhận: “Vào thời điểm này, điều đáng báo động nhất là những người gặp khó khăn không còn tố cáo bọn cho vay nặng lãi mà họ lại đi tìm chúng”.

Tiến sĩ Elisabetta Bucolo ghi nhận có hai hình thức đối phó gồm trấn áp và phòng ngừa.

Trước tiên phải khoanh vùng các khu vực rủi ro bằng cách tăng cường tuần tra kiểm soát và mở rộng quyền hạn địa phương.

Các thẩm phán cũng kêu gọi thành lập tòa án quốc tế chống tham nhũng để thu hồi tài sản bất chính.

Ngoài ra, phải can thiệp phòng ngừa ở mọi cấp, đặc biệt là nhà nước cần trợ giúp dân, miễn thuế, lập các điểm tiếp nhận báo cáo cho vay nặng lãi, đơn giản hóa thủ tục vay tín dụng.

Thêm vào đó là huy động công dân đấu tranh chống bọn tội phạm bám trụ địa bàn.

Hiệp hội Libera đã thiết lập đường dây nóng để ghi nhận nạn cho vay nặng lãi.

Người dân ở Napoli đã treo “giỏ đoàn kết” trước nhà để mọi người tự do cho hoặc nhận thực phẩm.

Ngoài giúp đỡ bằng vật chất, cần có lực lượng hiện diện tại chỗ để hạn chế bọn tội phạm xâm nhập và tuyển dụng. Không để chúng hợp pháp hóa hoạt động tội phạm, nếu không sẽ dẫn đến hậu quả khó lường sau thời gian phong tỏa chống dịch.

HOÀNG DUY LONG
TTO