23/01/2025

Đòi nợ thuê sẽ bị khai tử?

Đòi nợ thuê sẽ bị khai tử?

“Không có doanh nghiệp nào mà người lao động chủ yếu là xăm trổ, ba trợn ba trạo, công cụ lao động là dao kiếm, thủ đoạn là vũ lực”, đại biểu Nguyễn Mai Bộ nêu lý lẽ đồng tình đề xuất bỏ dịch vụ đòi nợ thuê.

 

Đòi nợ thuê sẽ bị khai tử? - Ảnh 1.

Hàng chục giang hồ xăm trổ ngang nhiên đánh người, đòi nợ thuê tại Hải Dương – Ảnh cắt từ clip

Nửa ủng hộ cấm, nửa muốn tồn tại

Việc đưa kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục cấm của Luật đầu tư (sửa đổi) tiếp tục “bẻ đôi” ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội chiều 26-5. Nếu được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 17-6 tới, dịch vụ đòi nợ thuê sẽ chính thức bị “khai tử”.

Đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết nhiều ý kiến đề nghị không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, một số khác lại tán thành cấm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình 2 phương án để Quốc hội xem xét.

Phương án 1 là giữ quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.

Phương án 2 là quy định dịch vụ này tại danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật đầu tư hiện hành. Lý do cho phương án này là việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Để hạn chế tiêu cực phát sinh, ông Thanh đề nghị bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này.

Đòi nợ thuê sẽ bị khai tử? - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đầu tư (sửa đổi) – Ảnh: Quochoi.vn

Lý lẽ bên nào cũng thuyết phục

Nhiều đại biểu thảo luận cho rằng không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê mà nên đổi tên thành dịch vụ thu hồi nợ và trước mắt nên tạm dừng cấp phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ này để rà soát, chấn chỉnh những bất cập.

Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp Phạm Văn Hòa lập luận: “Thực hiện như phương án 1 là chưa thỏa đáng, không thể ngành nghề nào Nhà nước không quản được thì cấm”.

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, đại biểu tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng cấm chỉ nên là giải pháp cuối cùng khi không thể quản được, trong khi thời gian qua dịch vụ này gần như thả nổi.

Ông Đồng nhận định cần phải chuyển cho ngành công an quản lý việc đăng ký dịch vụ đòi nợ thuê bởi các nước trên thế giới đều không cấm.

Tương tự, đại biểu Mai Hồng Hải (TP Hải Phòng) cho rằng thực tế dịch vụ kinh doanh đòi nợ có biến tướng, ảnh hưởng đến an ninh, thậm chí mang màu sắc “xã hội đen” song không nên cấm mà cần phải có những chính sách cụ thể hơn, tăng cường quản lý các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Ngược lại, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đồng tình đưa đòi nợ vào danh mục cấm đầu tư vì gây bức xúc trong xã hội, song ông Tiến cho rằng cần có chính sách bù đắp, hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này khi xóa bỏ.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) tranh luận việc thay đổi tên gọi chưa hẳn thay đổi bản chất của dịch vụ đòi nợ thuê cũng như sự biến tướng của dịch vụ này.

“Tôi thấy rằng hiện nay trong hệ thống pháp luật của Việt Nam chúng ta đã quy định rất đầy đủ, rõ ràng, cụ thể để các cá nhân, tổ chức thực hiện quyền đòi nợ của mình và đây cũng là các thiết chế xử lý các tranh chấp. Tại sao chúng ta lại không hướng đến các thiết chế lành mạnh, văn minh theo đúng pháp luật của loại hình hoạt động đòi nợ này”, bà Xuân nói.

Ủng hộ “khai tử” dịch vụ này, thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (đại biểu An Giang) cho rằng hoạt động đòi nợ thuê nếu tồn tại sẽ dẫn tới sự an nguy cho xã hội, thể hiện sự bất lực của Nhà nước trong việc quản lý xã hội bằng pháp luật và gây ra hoang mang trong xã hội, mất niềm tin của nhân dân đối với lực lượng của chúng ta khi thực hiện việc quản lý xã hội.

Làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đề xuất cấm là có đầy đủ cơ sở, do đó đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án 1, tức là cấm dịch vụ này.

NGỌC HIỂN
TTO