Đội sao đỏ trong trường có cần thiết?
Đội sao đỏ trong trường có cần thiết?
Là giáo viên từng được nhà trường phân công trực ban cùng sao đỏ chấm điểm thi đua nhiều năm tôi xin có ý kiến sau về đội sao đỏ (cờ đỏ).
Vào đầu năm học theo yêu cầu của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm mỗi lớp chọn 3-5 em học sinh có học lực và hạnh kiểm từ khá trở lên tham gia vào đội sao đỏ của trường để chấm điểm thi đua của các lớp. Sao đỏ các lớp được thầy, cô tổng phụ trách đội trực tiếp quản lý, phân công nhiệm vụ. Thường các sao đỏ phải đi trực chấm thi đua các lớp theo phân công.
Cũng tùy theo mỗi trường nội dung chấm thi đua cũng khác nhau, không theo quy định nào. Thông thường có hai nội dung chấm thi đua là học tập và nề nếp. Học tập bao gồm việc: đi học trễ, nghỉ học có phép hay không. Còn nề nếp gồm tác phong (đồng phục, khăn quàng, bảng tên, logô, nói tục, chửi thề, đánh nhau…) xếp hàng ra vào lớp, truy bài, hát đầu giờ, vệ sinh lớp, khu vực… Tất cả đều đưa vào thi đua để trừ điểm nên học sinh và thầy cô chủ nhiệm luôn lo sợ sao đỏ trừ điểm là vậy.
Thế nhưng rất tiếc việc trừ điểm thi đua có công bằng hay không là tùy vào sao đỏ. Có em thực hiện đúng, có em chấm không chính xác nên có nhiều khiếu nại việc trừ điểm của lớp xảy ra thường xuyên.
Kết thúc tuần học, đội sao đỏ dưới sự hướng dẫn của thầy cô trực ban tổng kết xếp loại thi đua các lớp. Ngày đầu tuần thứ Hai chào cờ thông báo xếp loại vị thứ thi đua của các lớp và căn cứ vào kết quả thi đua tuần , tháng, học kỳ, cả năm và ban giám hiệu đánh giá công tác chủ nhiệm lớp của giáo viên chủ nhiệm, tập thể lớp vào cuối năm học.
Phải nói đội sao đỏ hiện nay là một “thế lực” trong nhà trường. Học sinh không được “chống lại sao đỏ” ngay cả giáo viên cũng phải dè chừng nếu không muốn lớp phải bị trừ điểm thi đua.
Theo ý kiến nhiều thầy cô, chính chúng ta đã sai lầm khi dùng đội “cảnh sát” này để trừ điểm các vi phạm nội quy. Vì việc làm này gây ra sự kỳ thị, thiên vị trong học sinh, tạo tâm lý “có chức – quyền” trong học sinh.
Giáo viên NGUYỄN VĂN LỰC
Nội quy trường học cần phải có để hướng dẫn học sinh thực hiện tốt nề nếp, nếu có học sinh vi phạm nội quy thầy cô chỉ nhắc nhở trường hợp cá biệt nên có bộ phận tâm lý tư vấn học đường làm nhiệm vụ “hóa giải” cho các em chứ không phải dùng đội sao đỏ để đi “bắt tội” rồi trừ điểm là cách làm thiếu tính sư phạm, giáo dục nhân văn trong trường học.
Nhiều phụ huynh tâm sự không muốn con em mình vào đội sao đỏ vì phải đi trực mất thời gian. Nhiều em lợi dụng việc đi trực để đến trường chơi ảnh hưởng đến việc học, rồi bị bạn bè ghét, xa lánh thậm chí có trường hợp đánh lại sao đỏ.
Nếu không cẩn thận việc thi đua trở thành ganh đua trong giáo viên và học sinh, giữa các lớp với nhau như thi đua trở thành con dao hai lưỡi rất nguy hiểm.
Mong hiệu trưởng các trường nên xem xét nhiệm vụ của đội sao đỏ vai trò của đội sao đỏ trong trường học là gì, có cần thiết không cần phải xem lại? Đừng vì thi đua, thành tích mà làm hoen ố hình ảnh thơ ngây của học sinh trong mắt mọi người.