19/11/2024

Trung Quốc tự đưa mình vào thế khó

Trung Quốc tự đưa mình vào thế khó

Trong bài bình luận độc quyền cho Thanh Niên, chuyên gia Brahma Chellaney phân tích tác dụng ngược từ các chính sách và động thái gần đây của Trung Quốc đối với chính họ.

Tự đổ thêm dầu vào lửa

Phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc liên quan đến việc để cho đại dịch Covid-19 lây lan trên phạm vi toàn cầu đã có những dấu hiệu dữ dội hơn trong những tuần gần đây. Trung Quốc đã ngầm cố gắng bù trừ bằng việc trở thành nơi cung cấp thiết bị bảo hộ y tế cho các quốc gia khác chống dịch, đồng thời bác bỏ một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của vi rút gây bệnh Covid-19. Giờ đây, việc đa số quốc gia ủng hộ cuộc điều tra đó khiến chiến lược của Trung Quốc bị lung lay.
Đáng lẽ ra, Trung Quốc nên tìm cách khắc phục thiệt hại do đại dịch gây ra đối với hình ảnh của mình bằng việc thể hiện sự cảm thông như hoãn hoặc xóa nợ cho các đối tác trong sáng kiến Vành đai, Con đường đang gặp nhiều khó khăn, hay cung cấp viện trợ y tế cho các nước nghèo hơn mà không đòi hỏi sự “báo đáp” trở lại bằng việc ủng hộ chuyện Trung Quốc xử lý đại dịch. Tuy nhiên, Trung Quốc thay vào đó chọn hướng tiếp cận khác và hành động theo cách đang làm suy yếu chính những lợi ích lâu dài của mình.
Trung Quốc chắc chắn đã tìm cách tận dụng tối đa đại dịch. Sau khi mua rất nhiều thiết bị bảo hộ y tế có sẵn trên thế giới vào tháng 1, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự trục lợi từ phía Trung Quốc. Và việc các nhà xuất khẩu Trung Quốc cung cấp trang thiết bị y tế kém chất lượng hay không đạt tiêu chuẩn chỉ khiến thế giới giận dữ hơn.
Vừa mới đây, chính Trung Quốc có thể đã tự đổ thêm dầu vào lửa với động thái pháp lý liên quan đến Hồng Kông trong kỳ họp quốc hội đang diễn ra. Việc đưa ra dự thảo luật an ninh quốc gia mới cho Hồng Kông dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ phương Tây. Rộng hơn nữa, đó có thể là giọt nước tràn ly sau hàng loạt động thái gây căng thẳng với các nước láng giềng và nhiều nơi khác. Khi thế giới đang phải chật vật chống chọi với đại dịch, Trung Quốc vẫn căng thẳng với Ấn Độ ở biên giới hay với Nhật Bản tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Đặc biệt, Trung Quốc gần đây còn ngang nhiên lập 2 đơn vị hành chính cấp quận – huyện trái phép ở Biển Đông, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động gây căng thẳng tại khu vực. Cụ thể, đầu tháng 4, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam hay những hành động nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Về khía cạnh kinh tế, Trung Quốc cũng gây quan ngại khi cấm 4 nhà xuất khẩu thịt bò lớn của Úc, sau đó là đánh thuế lên lúa mạch. Các nhà quan sát cho rằng đây là biện pháp cưỡng ép kinh tế mà Trung Quốc áp dụng sau khi Úc đề xuất ý tưởng một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc vi rút Corona chủng mới.

Thế giới đã cảnh giác

Trong khi Nhật Bản sẵn sàng cho phép Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế tiến hành cuộc điều tra đầy đủ về thảm họa hạt nhân Fukushima vào năm 2011 giúp nước này cải thiện quản trị an toàn, thì Trung Quốc lại phản đối mạnh mẽ việc điều tra về vi rút Corona chủng mới như thể có điều gì đó phải che giấu. Tuy vậy, đến khi nghị quyết kêu gọi một cuộc đánh giá toàn diện, độc lập và công bằng về phản ứng toàn cầu đối với Covid-19 nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia tại Đại hội đồng Y tế thế giới (cơ quan ra quyết định tối cao của Tổ chức Y tế thế giới – WHO), Trung Quốc lại quay 180 độ khi nói trước đại hội đồng rằng Bắc Kinh ủng hộ ý tưởng về việc xem xét toàn diện. Đến phút chót, Trung Quốc cũng tán thành nghị quyết, nhưng vẫn đề xuất nên để tới khi đại dịch được kiểm soát mới đánh giá.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này vốn đã làm cho thế giới cảnh giác hơn. Các nước đã thức tỉnh trước những mối đe dọa tiềm tàng xuất phát từ “sự kìm kẹp” của Trung Quốc đối với nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu và đã bắt đầu có động thái để dần thoát khỏi điều đó. Cách tiếp cận của Trung Quốc giờ đây khiến nhiều nhà đầu tư sợ hãi và tác động đến hình ảnh của nước này. Rõ ràng người Mỹ đang ngày càng có cái nhìn tiêu cực hơn về Trung Quốc. Nhiều nền kinh tế lớn như Nhật Bản hay Mỹ đã đề nghị các công ty dời chi nhánh như một biện pháp để chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Hay như Ấn Độ mới đây cũng đã đưa ra quy định yêu cầu phải có được sự đồng ý của chính phủ trước bất kỳ khoản đầu tư nào từ Trung Quốc.
Chính sách ngoại giao chiến lang và các động thái của Trung Quốc đối với láng giềng rõ ràng đã đánh động cộng đồng quốc tế. Trung Quốc hiện phải đối mặt môi trường quốc tế “khó chơi” nhất kể từ khi nước này bắt đầu mở cửa vào cuối những năm 1970. Và Trung Quốc giờ có nguy cơ phải gánh chịu thiệt hại lâu dài cả về hình ảnh, vị thế toàn cầu lẫn lợi ích mà xuất phát điểm lại là từ chính những hành động của họ.
(Ngọc Mai chuyển ngữ)
© Project Syndicate
NGỌC MAI
TNO