23/01/2025

Phương Tây ‘giãn cách’ với Trung Quốc

Phương Tây ‘giãn cách’ với Trung Quốc

Bức tranh kinh tế và chính trị toàn cầu đang chứng kiến những thay đổi đáng chú ý, khi tình hình dịch bệnh ngày càng khiến các quốc gia phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, tìm cách ‘giãn cách xã hội’ với Trung Quốc.

 

Phương Tây giãn cách với Trung Quốc - Ảnh 1.

Ông Trump (trái) giữa tháng 5-2020 nói ông không muốn nói chuyện với ông Tập – Ảnh: Reuters

Bộ Giao thông Mỹ ngày 23-5 (giờ Việt Nam) cáo buộc Trung Quốc cản trở nhu cầu nối lại đường bay của hai hãng hàng không Mỹ, đồng thời yêu cầu bốn hãng hàng không Trung Quốc tới hạn chót 27-5 phải nộp lịch trình và các thông tin liên quan.

Đây là diễn biến mới nhất trong số rất nhiều khía cạnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung thời gian qua.

Xung đột lan rộng

Hồi đầu tháng 5, ông Trump tuyên bố tầm quan trọng của thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nay lùi xuống sau COVID-19, đồng thời đe dọa áp thêm các loại thuế mới đối với Bắc Kinh để trả đũa cho đại dịch hiện nay.

Căng thẳng Mỹ – Trung từ thương mại và an ninh đã lan ra các lĩnh vực tài chính và công nghệ.

Hôm 23-5, chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã rớt 5,6% – đánh dấu mốc thấp nhất trong 1 ngày giao dịch của chứng khoán Hong Kong trong gần 5 năm qua. Nguyên nhân xuất phát từ việc các nhà đầu tư phản ứng sau khi Bắc Kinh công bố dự thảo quyết định luật an ninh quốc gia mới dành cho đặc khu này.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cùng lên tiếng phản đối dự thảo trên của Bắc Kinh. Washington đã nhiều lần cảnh báo Bắc Kinh sẽ xóa bỏ các ưu đãi dành cho Hong Kong nếu tính tự trị của nơi này mất đi.

Trong động thái mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật có thể ngăn doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ hoặc huy động vốn từ nhà đầu tư Mỹ, trừ khi những công ty này tuân thủ các quy định và chuẩn mực kiểm toán của Mỹ.

Dù dự luật này có thể áp dụng cho bất cứ doanh nghiệp ngoại nào muốn gia nhập thị trường tài chính của Mỹ, các nhà làm luật của Washington đã khẳng định đây là động thái nhắm vào Bắc Kinh. Cổ phiếu được niêm yết tại Mỹ của “người khổng lồ” công nghệ Alibaba của Trung Quốc đã giảm hơn 2% vì thông tin trên.

Ở “đấu trường” công nghệ, cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung hiện đang xoay quanh mạng không dây 5G với Tập đoàn công nghệ Huawei rơi vào tâm điểm. Phía Mỹ đã liên tục áp đặt nhiều giới hạn với hãng công nghệ này vì lý do an ninh quốc gia.

Hôm 15-5, Bộ Thương mại Mỹ công bố tất cả các nhà sản xuất chip nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ sẽ phải đăng ký giấy phép trước khi bán hàng cho Huawei.

Quỹ Hinrich Foundation nhận định ngành công nghiệp vật liệu bán dẫn rất quan trọng cho công nghệ của tương lai, vì thế đóng vai trò không nhỏ trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Phương Tây giãn cách với Trung Quốc - Ảnh 2.

“Bão” sắp nổi lên

Cái gọi là chiến tranh thương mại đã thúc đẩy Mỹ kêu gọi đồng minh suy xét về mối quan hệ với Trung Quốc. Nhưng so với chiến tranh thương mại, có vẻ dịch COVID-19 là lúc các đồng minh của Mỹ thể hiện quan điểm rõ ràng, quyết đoán hơn. Anh, đồng minh đặc biệt của Mỹ, là một trong số đó.

Năm ngoái, khi Mỹ kêu gọi các đồng minh tẩy chay công nghệ 5G của Huawei, Thủ tướng Boris Johnson chỉ muốn giảm sự hiện diện của Huawei, dựa trên việc tình báo Anh khẳng định nguy cơ do thám từ thiết bị của Huawei là hoàn toàn có thể ngăn chặn.

Bản thân ông Johnson từng nhiều lần thể hiện thông điệp ủng hộ mối quan hệ Anh – Trung nồng ấm hơn. Khi còn là thị trưởng London, ông ủng hộ thủ tướng David Cameron tạo ra “thời đại vàng son” trong quan hệ hai nước. Khi làm ngoại trưởng, ông luôn nói với các vị khách Trung Quốc rằng con gái ông đang học tiếng Hoa.

Tuy nhiên, có một “cơn bão” sắp nổi lên trong chính trường Anh, theo truyền thông nước này. Guardian ngày 22-5 cho biết ông Johnson đang đứng trước áp lực phe Bảo thủ trong việc phải vạch ra kế hoạch giảm sự tham gia của Huawei vào hạ tầng 5G ở Anh còn 0% vào năm 2023.

Guardian vừa qua cũng bất ngờ đăng bài xã luận mang tên “Hậu COVID-19, Anh phải tìm một số người bạn dám lên tiếng chống Trung Quốc”. Tờ báo này nhìn nhận đại dịch đã thúc đẩy sức mạnh toàn cầu của Trung Quốc, nhưng sức mạnh ấy lại được dùng cho những màn khoe cơ bắp.

Ví dụ sau khi dùng 2 tỉ USD “trám” cho đóng góp mà Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới, Trung Quốc gặt hái uy tín và… tăng thuế lúa mạch Úc lên 80%, xem như đáp trả việc Canberra ủng hộ một cuộc điều tra độc lập, đầy đủ hơn về thủ phạm gây ra đại dịch.

Căng thẳng Úc – Trung Quốc cũng chính là một điểm nóng đáng chú ý hậu đại dịch. Căng thẳng này vốn dĩ khiến chính trường Úc vốn lâu nay nhạy cảm với Trung Quốc, nay có thêm động lực tìm cách “thoát Trung”, theo cách nói của BBC.

Chủ đề bầu cử tổng thống

Các nhà phân tích đầu tư của Ngân hàng China Renaissance hôm 21-5 cho biết trong những tháng vừa qua, các chính trị gia Mỹ đã đề xuất đẩy doanh nghiệp Trung Quốc khỏi các sàn chứng khoán Mỹ với nhiều tiêu chí khác nhau, cũng như giới hạn công ty Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc.

“Chúng tôi dự đoán cuộc tranh luận này sẽ nằm trong những chủ đề chính của cuộc bầu cử tổng thống 2020” – các chuyên gia cho biết.

NGUYÊN HẠNH – NHẬT ĐĂNG
TTO