Thủ tướng Canada: Trung Quốc không hiểu tư pháp độc lập là cái gì
Thủ tướng Canada: Trung Quốc không hiểu tư pháp độc lập là cái gì
Động thái chỉ trích Trung Quốc hiếm hoi của ông Justin Trudeau diễn ra rất lâu sau khi Trung Quốc bắt giữ hai công dân Canada để gây áp lực buộc Ottawa thả giám đốc tài chính toàn cầu Huawei Mạnh Vãn Chu.
Trung Quốc đã bắt giữ Michael Kovrig, một nhà cựu ngoại giao và doanh nhân Michael Spavor tháng 12-2018, chỉ 9 ngày sau khi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt tại Vancouver theo yêu cầu của Mỹ.
Con gái nhà sáng lập Tập đoàn Huawei của Trung Quốc bị cáo buộc đã lách luật trừng phạt của Mỹ để làm ăn với Iran và nói dối các ngân hàng Mỹ về những khoản giao dịch này.
“Chúng tôi đã thấy Trung Quốc liên kết hai sự việc này ngay từ đầu”, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định ngày 21-5 và cam kết sẽ tiếp tục thúc giục Bắc Kinh thả người.
Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu thả ngay lập tức bà Mạnh. Đáp lại, các quan chức Canada cũng nhiều lần khẳng định họ không thể can thiệp vào tiến trình quyết định có dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ hay không.
“Canada có một hệ thống tư pháp độc lập hoạt động mà không có sự can thiệp hay lạm quyền của các chính trị gia. Nhưng Trung Quốc không hoạt động theo cách đó và họ không hiểu sự độc lập của tư pháp Canada”, ông Trudeau lập luận.
Nhà lãnh đạo 49 tuổi của Canada đã bị gọi là “non nớt” và hành động thiếu tính toán khi đối đầu với Trung Quốc. Một số người đã chỉ trích chính phủ Canada hành động chậm chạp đồng thời so sánh điều kiện giam giữ của hai công dân Canada và “công chúa” Huawei Mạnh Vãn Chu.
Dù vẫn bị giám sát, bà Mạnh đang tận hưởng cuộc sống tại ngoại trong một căn biệt thự triệu đô ở Canada. Trong khi đó, hai công dân Canada bị bắt để gây sức ép lên Ottawa lại đang ở trong nhà tù Trung Quốc và có thông tin họ đã bị thẩm vấn liên tục, không được cho ngủ trong những ngày đầu.
Theo Hãng tin Reuters, những chỉ trích hiếm hoi của ông Trudeau được đưa ra trong bối cảnh phiên tòa quyết định bà Mạnh có được phóng thích hay không sắp sửa diễn ra.
Thẩm phán sẽ quyết định liệu hành vi lách lệnh trừng phạt của bà Mạnh có vi phạm cùng lúc luật Mỹ và Canada hay không. Các luật sư bảo vệ bà Mạnh biện hộ rằng tòa không cần thụ lý vụ này vì Canada đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran từ nhiều năm trước, do đó bà Mạnh phải được trả tự do.
Ngược lại, các công tố viên cho rằng bà Mạnh phải bị dẫn độ vì đã lừa dối các ngân hàng, một tội danh ở cả Mỹ và Canada. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27-5.