Bà bán phở ‘ngồi cùng mâm’ với doanh nghiệp tỉ USD?
Bà bán phở ‘ngồi cùng mâm’ với doanh nghiệp tỉ USD?
Thảo luận về luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đa số các đại biểu đều nhất trí rằng việc để các hộ kinh doanh (bà bán phở, cửa hàng tạp hoá, quán nhậu…) cùng khung pháp lý như các tập đoàn, doanh nghiệp lớn là không phù hợp.
“Số phận” 5 triệu hộ kinh doanh vẫn chưa ngã ngũ, khi Chính phủ đề xuất đưa vào luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để xác lập địa vị pháp lý, trong khi đa số đại biểu cho rằng số này phần lớn nhỏ lẻ, năng động (bán phở, tạp hóa…) cần phải có luật riêng điều chỉnh.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội (QH) khóa 14, hôm qua (21.5) các đại biểu (ĐB) thảo luận trực tuyến tại hội trường về dự thảo luật Doanh nghiệp (DN) 2014 (sửa đổi). Nội dung nhận được nhiều ý kiến nhất xoay quanh việc đưa hay không đưa các hộ kinh doanh vào trong dự thảo. Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ, luật sửa đổi sẽ có 1 chương riêng quy định về hộ kinh doanh bên cạnh các thành phần kinh tế khác như công ty cổ phần, DN nhà nước…
Nhỏ lẻ, năng động cần 1 “sân” riêng?
Dẫn số liệu cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, giải quyết hơn 7,9 triệu lao động, tạo ra 2,2 triệu tỉ đồng doanh thu, chiếm khoảng 30% GDP, tuy nhiên theo ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu), đa số hộ kinh doanh hoạt động theo kiểu truyền thống gia đình, quy mô nhỏ nên cần có luật phù hợp để điều chỉnh, tách hộ kinh doanh thành luật riêng để quản lý sẽ chặt chẽ hơn. Việc đưa hộ kinh doanh vào luật DN sẽ không bao hàm hết nội dung hướng dẫn riêng để quản lý.
Đa số các ĐB đều nhất trí rằng việc để các hộ kinh doanh (bà bán phở, cửa hàng tạp hóa, quán nhậu…) cùng khung pháp lý như các tập đoàn, DN lớn là không phù hợp. “Hộ kinh doanh chủ yếu nhỏ lẻ, khác biệt với DN tư nhân, công ty cổ phần. Vì vậy, để tránh tình trạng DN manh mún, siêu nhỏ, thiếu tính bền vững, tôi đề nghị cần cân nhắc và không nên đưa đối tượng hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của luật DN (sửa đổi)”, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nêu ý kiến.
Hiện nay, đã có hộ kinh doanh sử dụng đến hàng trăm lao động, doanh thu đến hàng nghìn tỉ nhưng hoạt động theo luật Hợp tác xã, thuế khoán. Do đó, chúng tôi cho rằng đưa vào luật sẽ thúc đẩy được rất nhiều các hộ đủ điều kiện để chuyển sang DN ngay
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng
Quan điểm duy nhất ủng hộ phương án đưa các hộ kinh doanh vào dự thảo luật lần này là của ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo ông Lộc, hộ kinh doanh đã trở thành cứu tinh của những người kinh doanh nhỏ và đã đóng góp rất lớn vào tăng trưởng giải quyết công ăn việc làm, bảo đảm an sinh. Trong khi đó, với quy định trong bộ luật Dân sự 2015, hiện nay các cá nhân trong hộ kinh doanh chỉ có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh thông qua vai trò đại diện và các hộ không có tư cách pháp nhân để triển khai các hoạt động kinh doanh. Nếu vẫn cứ tiếp tục duy trì vai trò chủ thể hộ kinh doanh nguyên trạng như vậy sẽ không còn hợp lý.
“Nếu chờ đợi hộ kinh doanh được xác lập vị trí pháp lý của mình trong bộ luật riêng thì với chương trình xây dựng pháp luật dày đặc của QH như thế này ít nhất phải 2 – 3 năm chúng ta mới có thể ra được bộ luật này. Trong thời gian 2 – 3 năm nữa thì hàng triệu hộ kinh doanh sẽ trông cậy vào đâu, không có cơ sở pháp lý để bảo vệ họ, điều chỉnh hoạt động của họ, bởi vì luật Dân sự đã bác tư cách chủ thể của họ rồi”, ông Lộc bày tỏ quan điểm.
Nhiều hộ “nghìn tỉ” không lên doanh nghiệp
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng “ý nào cũng có cái hay riêng”, còn lý do mà Chính phủ trình xin QH đưa ngay vào luật lần này nhằm định danh cho loại hình hộ kinh doanh; bảo vệ được quyền lợi cho các hộ kinh doanh và có thể áp dụng được các chương trình hỗ trợ của Chính phủ; ngoài ra, sẽ bãi bỏ được một số vướng mắc đang cản trở hoạt động của hộ kinh doanh. “Nếu chúng ta tháo bỏ được việc này thì hộ kinh doanh sẽ hoạt động có hiệu quả hơn, chúng ta sẽ giải phóng nhiều nguồn lực hơn và sẽ đảm bảo được mục tiêu là phát triển khu vực kinh tế tư nhân tốt hơn”, ông Dũng nhấn mạnh.
Vẫn theo Bộ trưởng KH-ĐT, đưa hộ kinh doanh vào luật không làm phát sinh các thủ tục hành chính, không phải đăng ký lại và không có tác động tiêu cực, mặt khác còn tạo điều kiện, tạo động lực để thúc đẩy các hộ kinh doanh có đủ điều kiện chuyển sang hoạt động theo loại hình DN. “Hiện nay, có rất nhiều hộ kinh doanh có quy mô rất lớn. Chúng ta khống chế chỉ được sử dụng dưới 10 lao động nhưng đã có hộ kinh doanh sử dụng đến hàng trăm lao động, doanh thu đến hàng nghìn tỉ nhưng lại hoạt động theo luật Hợp tác xã, thuế khoán. Do đó, chúng tôi cho rằng đưa vào luật sẽ thúc đẩy được rất nhiều các hộ đủ điều kiện để chuyển sang DN ngay”, ông Dũng nói.
Vấn đề cuối cùng, theo Bộ trưởng Dũng, nếu xây dựng luật Hộ kinh doanh mới sẽ mất ít nhất 3 năm. “Chúng tôi cho rằng những gì mà có lợi chúng ta có thể làm ngay. Khi nào chúng ta làm được luật riêng thì chuyển toàn bộ phần quy định của hộ kinh doanh sang luật mới là xong, nó vẫn nối tiếp, kế thừa. Còn trước mắt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các hộ hoạt động một cách tốt nhất cho nền kinh tế, đóng góp được nhiều nhất”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đề xuất.
Tranh luận việc thêm quyền giám định âm thanh, hình ảnh cho Viện KSND tối cao
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giám định tư pháp tại QH chiều 21.5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho biết dù còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao vào dự thảo luật.
Nhiều ý kiến ĐB tán thành với phương án này vì cho rằng từ 1.1.2020, các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can trên toàn quốc, nên yêu cầu giám định loại việc trên ngày càng tăng; trong khi hiện chỉ có một số đơn vị thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định loại việc nói trên, dẫn đến quá tải.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), nguyên Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách thủ tục hành chính, tư pháp (Bộ Công an), Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh QH, cho rằng các cơ quan giám định hiện có đã đáp ứng nhu cầu giám định, đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng, tổng kết luật Giám định tư pháp cũng không thấy nêu khó khăn của Viện KSND trong việc trưng cầu giám định âm thanh, hình ảnh. Do đó, việc bổ sung, yêu cầu thực tế chưa phải cấp thiết. Việc bổ sung nhiệm vụ này cho Viện KSND tối cao sẽ tạo nên sự xung đột của hệ thống pháp luật, nguy cơ không đảm bảo tính khách quan và dễ làm tăng biên chế, bộ máy.
Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), thiếu tướng quân đội, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh QH, khẳng định mục tiêu việc bổ sung chức năng giám định cho Viện KSND tối cao là để tránh oan sai trong hoạt động điều tra, xét xử. “Tôi đặt giả định trong giám định âm thanh, hình ảnh mà đã được cơ quan công an giám định nay mới phát hiện ra có vấn đề mà giao lại cho công an giám định thì sẽ ra kết quả như thế nào?”, ĐB Bộ nêu.
Tranh luận với ĐB Bộ, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho rằng từ trước đến nay không có việc Viện KSND có yêu cầu giám định mà cơ quan giám định không thực hiện yêu cầu; đồng thời phủ nhận lập luận của ĐB Bộ cho rằng việc giao Viện KSND tối cao giám định âm thanh, hình ảnh là để phát hiện oan sai. “Các đồng chí đòi như vậy thì Viện KSND có nên thành lập các trại tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra của Viện KSND không?”, ĐB Cầu đặt câu hỏi trước khi kết thúc phần tranh luận của mình.
Do các ĐB còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ QH quyết định sẽ lấy phiếu xin ý kiến ĐB QH về vấn đề này trước khi thông qua dự án luật tại kỳ họp này.
Lê Hiệp
ANH VŨ
TNO