19/11/2024

5 điểm xung đột chính trong quan hệ Mỹ – Trung

5 điểm xung đột chính trong quan hệ Mỹ – Trung

Sau một thời gian hạ nhiệt xung đột với việc ký kết thoả thuận thương mại giai đoạn 1, quan hệ Mỹ – Trung đã xấu đi nhanh chóng trong vài tháng qua do dịch COVID-19 gây tổn hại quá lớn cho Mỹ.

 

5 điểm xung đột chính trong quan hệ Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc bắt tay sau khi ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Nhà Trắng, ngày 15-1-2020 – Ảnh: REUTERS

Trong tuần này, các nhà quan sát theo dõi cuộc họp Quốc hội kéo dài một tuần của Trung Quốc, nơi Thủ tướng Lý Khắc Cường và các quan chức cấp cao của Trung Quốc đưa ra các biện pháp ứng phó cho đất nước trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bao gồm xử lý quan hệ với Mỹ.

Sau đây là 5 lĩnh vực chính mà hai nước đang có xung đột, theo Hãng tin Bloomberg.

Thương mại

Việc ký kết thỏa thuận thương mại vào tháng 1 là khởi đầu mới cho hai quốc gia. Tổng thống Donald Trump tuyên bố quan hệ Mỹ với Trung Quốc đang “tốt đẹp nhất từ trước tới nay”.

Để thực hiện thỏa thuận, Trung Quốc đã dỡ bỏ các hạn chế với nhiều loại nông sản nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm thịt bò và gia cầm; tiếp tục mở cửa ngành tài chính và công bố hướng dẫn về bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Trọng tâm của thỏa thuận là Trung Quốc cam kết mua thêm hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Nhưng ngay cả trước khi dịch COVID-19 bùng phát, các nhà phân tích đã đặt câu hỏi về việc các mục tiêu vừa nêu có thực tế hay không.

Giờ đây, với việc nhu cầu của Trung Quốc và năng lực sản xuất – xuất khẩu của Mỹ đều giảm do dịch bệnh, những cam kết của Trung Quốc thậm chí còn nằm ngoài tầm với. Trung Quốc đang chậm chân so với mục tiêu của họ trong năm nay.

Ông Kevin Hassett – cố vấn kinh tế của ông Trump – nói với Đài CNBC hồi đầu tuần rằng trong khi Trung Quốc dường như đang tuân thủ thỏa thuận thương mại trước khi virus bùng phát thì đại dịch đã tái khởi động quan hệ Mỹ – Trung theo hướng căng thẳng cao. Nếu những căng thẳng này tiếp tục gia tăng, việc không đạt được các cam kết có thể khiến thỏa thuận thương mại sụp đổ.

Đài Loan, Hong Kong

5 điểm xung đột chính trong quan hệ Mỹ - Trung - Ảnh 2.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vừa đắc cử nhiệm kỳ 2. Bà bác bỏ chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc trong bài phát biểu nhậm chức – Ảnh: REUTERS

Sự bất đồng lâu dài giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan đã nóng lên trong vài tuần gần đây. Hai bên tranh cãi về việc Đài Loan có thể tham dự cuộc họp đại hội đồng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay không, và Trung Quốc chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo đã chúc mừng lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn khi bà nhậm chức nhiệm kỳ 2.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong tuần này cáo buộc động thái của ông Pompeo là “sai lầm và nguy hiểm”, và nói quân đội sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đe dọa trả đũa. Bắc Kinh luôn lên tiếng xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình.

Trong khi đó, các nhà lập pháp đối lập ở Hong Kong cảnh báo vị thế trung tâm tài chính quốc tế đang bị đe dọa sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia mới, trong đó có phần dành cho Hong Kong.

Đầu tháng này, ông Pompeo đã trì hoãn công bố báo cáo về quyền tự chủ của Hong Kong – cơ sở cho các đặc quyền thương mại giúp Hong Kong có được vị thế là trung tâm tài chính hàng đầu. Hong Kong đang chuẩn bị cho một mùa hè bất ổn trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống lại Trung Quốc đang nổ ra trở lại.

Công nghệ

5 điểm xung đột chính trong quan hệ Mỹ - Trung - Ảnh 3.

Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen với lý do đe dọa an ninh Mỹ – Ảnh: REUTERS

Trong vài năm qua, chính quyền Mỹ đã liên tục trừng phạt các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei hay ZTE, đưa vào danh sách đen và cáo buộc các công ty này là mối đe dọa đối với an ninh Mỹ.

Trong động thái mới nhất vào thứ sáu tuần trước (15-5), Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ yêu cầu bất kỳ công ty sản xuất chip nước ngoài nào sử dụng công nghệ Mỹ phải có giấy phép trước khi bán cho các công ty Trung Quốc.

Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc phản đối quy định mới và cho biết sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của các công ty Trung Quốc. Huawei cảnh báo những quy định mới sẽ gây ra “mức giá khủng khiếp” trên thị trường công nghệ toàn cầu.

COVID-19

Hai nước đã đấu khẩu qua lại về cách xử lý dịch COVID-19 vào lúc ban đầu ở Trung Quốc. Phát súng mới nhất là ông Trump gửi bức thư dài 4 trang tới tổng giám đốc WHO vào ngày 18-5, tuyên bố rằng ông Tedros có 30 ngày để “sửa sai”, nếu không muốn Mỹ vĩnh viễn cắt nguồn tài trợ và xem xét lại việc tham gia tổ chức này.

Các dòng đăng trên Twitter của ông Trump là một phần trong một loạt đòn tấn công gần đây của Mỹ, trong đó bao gồm ám chỉ virus đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở trung tâm thành phố Vũ Hán.

Các nhà ngoại giao và truyền thông Trung Quốc đã nhanh chóng tiến hành chiến dịch phản tuyên truyền với các cáo buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm về đại dịch đang gây hại cho toàn cầu. Đồng thời cố gắng làm dấy lên nghi ngờ về việc virus corona có lây nhiễm cho người ở Vũ Hán từ đầu hay không, thậm chí còn ám chỉ quân đội Mỹ đã mang virus vào Vũ Hán!

Tài chính

5 điểm xung đột chính trong quan hệ Mỹ - Trung - Ảnh 4.

Hãng bán dẫn Đài Loan TSMC tuyên bố xây dựng nhà máy 12 tỉ USD ở Arizona, Mỹ, chấn động mới nhất trong làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc mà Mỹ rất hăng hái – Ảnh: NIKKEI

Ngay cả khi thỏa thuận thương mại đã bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty Mỹ, Washington vẫn đang tìm cách tăng cường kiểm soát mối quan hệ kinh tế – tài chính giữa hai quốc gia.

Một quan chức của Mỹ nói với Hãng tin Reuters rằng Mỹ đang cố gắng giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào Trung Quốc.

Tuần này, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật có thể cấm công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Dự luật này có thể cấm các công ty niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch Mỹ cũng như huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ nếu các công ty đó không tuân thủ những quy định về quản lý cũng như tiêu chuẩn về kiểm soát do chính quyền Mỹ đặt ra.

MINH KHÔI
TTO