25/12/2024

Tự chủ ‘theo quy định của bộ’ là trói đại học quốc gia?

Tự chủ ‘theo quy định của bộ’ là trói đại học quốc gia?

Nhiều chuyên gia nhận định dự thảo nghị định quy định về đại học quốc gia vừa được Bộ GD-ĐT công bố để lấy ý kiến góp ý có nhiều nội dung có thể đi ngược lại với chủ trương tự chủ ĐH.

Tự chủ theo quy định của bộ là trói đại học quốc gia? - Ảnh 1.

Cán bộ nghiên cứu Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) làm việc trong phòng thí nghiệm – Ảnh: TRẦN HUỲNH

Qua 25 năm xây dựng và phát triển, đã có mấy nghị định về đại học quốc gia (ĐHQG), nhiều người kỳ vọng nghị định lần này tiến bộ hơn trước, tạo điều kiện thúc đẩy tự chủ đại học.

“Theo quy định của bộ” sẽ không thể tự chủ

Theo dự thảo, nhiệm vụ và quyền hạn của ĐHQG thực hiện theo quy định Luật giáo dục ĐH, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH và các quy định với 20 điểm (nhiều hơn 10 điểm so với nghị định hiện hành).

Lãnh đạo một trường thành viên ĐHQG TP.HCM nhận định: “Trong khi nghị định hiện hành nêu rõ ĐHQG “thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật”, thì trong dự thảo này Bộ Giáo dục và Đào tạo lại “vẽ” ra thêm nhiều quy định rất chi tiết.

Chỉ riêng quy định về tuyển sinh, dự thảo nêu ĐHQG được xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh nhưng phải “theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Trong khi Luật giáo dục ĐH hiện đã cho phép các trường tự chủ về chuyên môn, trong đó có quyền tự chủ tuyển sinh.

Khi nói tự chủ tuyển sinh nhưng phải thực hiện theo quy định của bộ thì còn gì là tự chủ? Rõ ràng chính cái “quy định của bộ” kia đã “trói” các ĐH không còn được tự chủ – quyền đương nhiên của ĐH đã được pháp luật cho phép”.

Lãnh đạo một ban của ĐHQG TP.HCM cũng cho rằng hiện nay ĐHQG còn được tự chủ trong tổ chức thực hiện, đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo; thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát, quản lý văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật.

“Vậy lẽ nào những việc trên không quan trọng bằng việc tuyển sinh, nên bắt buộc phải theo quy định của bộ? Rõ ràng dự thảo này thật sự là bước thụt lùi, không theo xu hướng quốc tế và “trói chân trói tay” ĐHQG” – vị này nói.

Hiệu trưởng một trường ĐH thành viên cũng băn khoăn: “Nghị định này cần phải nói cụ thể ĐHQG được tự chủ tuyển sinh là thế nào, có được xây dựng quy chế tuyển sinh riêng không? Nghị định cao hơn thông tư, quy chế tuyển sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành qua thông tư. Với dự thảo nghị định ràng buộc như vậy có phải là nghị định nói phải làm theo thông tư cấp thấp hơn không?”.

Không phải “xin phép”, chỉ “báo cáo”

Hiện nay, cả nước có hai ĐHQG (Hà Nội và TP.HCM). Ngay trong phần đầu nghị định hiện hành (186/2013/NĐ-CP) và cả dự thảo nghị định trên đều nhấn mạnh: ĐHQG có tư cách pháp nhân, có con dấu hình quốc huy và tài khoản riêng; là đầu mối được giao các chỉ tiêu về ngân sách và kế hoạch… được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.

Từ trước đến nay, hai ĐHQG hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao; chịu chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng; được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ…

Điểm cốt lõi và quan trọng nhất của nghị định này là nội dung về nhiệm vụ và quyền hạn của ĐHQG, quy định cụ thể việc tự chủ toàn diện và khác biệt. Hiện nay, ĐHQG không phải “xin phép”, mà chỉ “báo cáo” Thủ tướng và các bộ ngành liên quan, đồng thời chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ, các bộ ngành có liên quan và UBND cấp tỉnh nơi ĐHQG đặt trụ sở…

Một lãnh đạo ĐHQG TP.HCM cho rằng nghị định là văn bản hướng dẫn luật. Luật giáo dục ĐH đã nêu rõ ĐHQG, ĐH vùng là ĐH thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước; ĐHQG có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy.

“Tuy nhiên, dự thảo nghị định này có đến 6 cụm từ được lặp lại là phù hợp với hoặc “theo quy định của pháp luật”. Tôi nghĩ nghị định có lẽ cần nêu rõ Đảng và Nhà nước đã cụ thể hóa sứ mệnh của ĐHQG trong luật và đã được Quốc hội thông qua, đó là “thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia”.

Chiến lược phát triển quốc gia thường do Chính phủ ban hành. Luật ghi rõ hội đồng ĐH công lập có trách nhiệm và quyền hạn quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hằng năm của ĐH…

Như vậy sẽ hợp lý hơn nếu quy định hội đồng ĐHQG quyết định phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia. Thành viên của hội đồng ĐHQG sẽ bao gồm đại diện của Chính phủ, các bộ ngành để thực hiện việc giám sát” – vị này nói.

Theo một cán bộ Ban sau ĐH – ĐHQG TP.HCM, nhiệm vụ và quyền hạn của ĐHQG đã quy định rất rõ trong Luật giáo dục ĐH. Chính vì điều đó ĐHQG có đầy đủ thẩm quyền để tự chủ cao trong đào tạo. “Chúng tôi đã gửi văn bản về Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị giữ lại những nội dung trên ở nghị định hiện hành nhưng dự thảo này vẫn bỏ hết. Việc nghị định đưa vào những cụm từ “thực hiện trên cơ sở có đủ điều kiện theo quy định” như vậy ĐHQG không thể có tự chủ cao được” – vị này nói.

Nghị định không cần quá chi tiết

Ngay trong dự thảo nghị định này cũng đã nêu “ĐHQG được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển”, nhưng nghị định cần thể hiện rõ hơn, thuyết phục hơn về “quyền tự chủ cao” là như thế nào, “đầu tư phát triển” cụ thể ra sao. Ở đây đầu tư không chỉ là đầu tư về mặt kinh phí, cơ sở vật chất, mà còn là đầu tư về chỉ đạo, cơ chế, về xây dựng mô hình ĐH mới tiên tiến, hiện đại, hội nhập được với giáo dục ĐH thế giới; và quan trọng là điều kiện bảo đảm thực hiện được sứ mạng đối với các nhiệm vụ chiến lược quốc gia. Dưới nghị định còn có quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các đơn vị thành viên, do vậy nghị định không cần quá chi tiết.

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa (nguyên phó giám đốc ĐHQG TP.HCM)

Đại học quốc gia được tự chủ tuyển sinh nhưng phải theo quy định của Bộ GD-ĐTĐại học quốc gia được tự chủ tuyển sinh nhưng phải theo quy định của Bộ GD-ĐT

TTO – Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo nghị định quy định về Đại học quốc gia để lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành

TRẦN HUỲNH
TTO