24/12/2024

Trung Quốc đầu tư vào năng lượng: Cảnh giác tác động xấu

Trung Quốc đầu tư vào năng lượng: Cảnh giác tác động xấu

Nhà đầu tư Trung Quốc rót mạnh vốn vào các lĩnh vực năng lượng, điện trong lúc Việt Nam đang kêu gọi vốn ngoài nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng ở một số dự án cần điều kiện ràng buộc để đảm bảo an toàn hệ thống và cảnh giác các tác động xấu.

 

 

Trung Quốc đầu tư vào năng lượng: Cảnh giác tác động xấu - Ảnh 1.

Tại một dự án có vốn đầu tư Trung Quốc ở phía Nam – Ảnh: ĐỨC TRONG

Vốn đầu tư của Trung Quốc “nhạy cảm” nên ít công bố

Theo báo cáo nghiên cứu một số nhận định về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam, nguồn vốn ngoài nhà nước xây dựng các nhà máy điện than được tổ chức GreenID tổng hợp đến năm 2017, vốn Trung Quốc chiếm tới 50%, tiếp đến là Nhật Bản và Hàn Quốc. Các định chế tài chính tài trợ cho các dự án nhiệt điện tại Việt Nam phần nhiều là các ngân hàng Trung Quốc.

Bộ Công thương cho hay hiện có 19 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT, trong đó một số dự án có sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc. Đơn cử như Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được thành lập bởi 3 đơn vị là China Souther Power Grid Co.Ltd, China Power International Holding Limited (CPIH) và Tổng công ty Điện lực TKV với tổng vốn đầu tư 2 tỉ USD (TKV chỉ chiếm 5% vốn). Dự án này đã đi vào vận hành sớm theo tiến độ trước 7 tháng.

Đáng chú ý là trong lĩnh vực nhiệt điện, các nhà đầu tư Trung Quốc không chỉ trực tiếp rót vốn vào dự án BOT mà còn đóng vai trò nhà thầu xây dựng, như ở hàng loạt nhà máy: nhiệt điện Duyên Hải 3, nhiệt điện Hải Dương, nhiệt điện Cẩm Phả, nhiệt điện Hải Phòng, nhiệt điện Vĩnh Tân 2…

Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng chỉ ra có những bất cập trong triển khai xây dựng các dự án do Trung Quốc làm nhà thầu liên quan đến vấn đề kỹ thuật, vận hành, môi trường. Trong khi đó, việc tiếp cận thông tin về vốn đầu tư của Trung Quốc thường được xem là “nhạy cảm” nên ít công bố.

Hoạt động đầu tư bình thường?

Một lãnh đạo Bộ Công thương cho biết đến ngày 11-5 đã có 92 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời, 10 dự án điện gió với tổng công suất 6.000 MW vận hành thương mại. Trong đó, có tình trạng một số dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần… cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore, Saudi Arabia…

“Bộ Công thương thấy rằng việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định trong Luật đầu tư. Quy định của pháp luật cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư thuộc ngành nghề có điều kiện” – lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh.

Cảnh báo an toàn hệ thống

Ông Nguyễn Văn Bình, viện trưởng Viện Khoa học năng lượng, cho rằng việc các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, rót vốn vào ngành năng lượng là tất yếu bởi quy định pháp luật cho phép. Đặc biệt với nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng, tới đây việc thu hút đầu tư ngoài nhà nước vào lĩnh vực điện sẽ ngày càng sôi động.

Tuy nhiên, nhìn từ bài học của Mỹ, mới đây ngày 1-5 Tổng thống Donald Trump vừa ban hành sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về các mối đe dọa đối với hệ thống điện năng của Mỹ, ông Bình cho rằng cần rất thận trọng. Đặc biệt, cần có cơ chế cấm hoặc kiểm soát các điều kiện đầu tư hoặc mua lại với những tổ chức, cá nhân được kiểm soát bởi hoặc chịu sự quản lý của đối thủ nước ngoài.

Còn theo một chuyên gia ngành điện, cần phải có hàng rào kỹ thuật để yêu cầu các nhà đầu tư Trung Quốc phải tuân thủ các hàng rào kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu công nghệ. Tùy từng dự án có thể ràng buộc cơ cấu tỉ lệ sở hữu.

Cẩn trọng ở những dự án nhạy cảm

Chủ đầu tư một dự án điện gió ở phía Nam cho biết việc nhà đầu tư chọn hợp tác từ đầu hoặc sau này chuyển nhượng cho đối tác, kể cả đối tác Trung Quốc, là quyền của nhà đầu tư. Tuy vậy, vị này cho biết cũng có những vấn đề “tế nhị” như dự án của doanh nghiệp này đặt trên biển nên bản thân ông chủ động chọn hợp tác với một nhà đầu tư có năng lực trong ngành năng lượng thay vì Trung Quốc.

Do đó, vị này cho rằng tùy theo từng dự án, nếu không nằm ở những vùng nhạy cảm, không gần biên giới thì các nhà đầu tư VN có thể chọn bước đi cuối cùng là bán cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Còn với những nơi nhạy cảm, vị này cho rằng ngay cả khi chủ đầu tư muốn bán, các cơ quan có thẩm quyền cần có ý kiến.

Theo vị này, hiện có “phong trào” nhiều nhà đầu tư cứ lập quy hoạch, có giấy phép dự án điện xong lại chuyển nhượng. Với những dự án này, cần phải xác định ngay từ đầu nơi nào, lĩnh vực nào không thể sang nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài để tránh những hệ lụy sau này cho an ninh quốc gia.

N.HIỂN

Nhiều quốc gia đã cảnh báo tác động xấu

Mới đây, giới đầu tư chứng kiến hàng loạt thương vụ mua bán sáp nhập trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Như Công ty Super Energy (Thái Lan) bỏ 456 triệu USD để mua lại cổ phần 4 dự án điện mặt trời tại Bình Phước gồm Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW). Bên cạnh đó, Công ty CP Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh bán 55% cổ phần dự án điện mặt trời tại hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh cho Tập đoàn BGrimm (Thái Lan)…

Số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch – đầu tư công bố cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2020 các nhà đầu tư nước ngoài đã rót khoảng 2,47 tỉ USD, thực hiện 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp, dự án trong nước.

Ông Nguyễn Văn Toàn – một chuyên gia về đầu tư nước ngoài – cho rằng hiện có một làn sóng nhà đầu tư Trung Quốc bỏ vốn mua cổ phần doanh nghiệp, nhiều quốc gia đã cảnh báo những tác động xấu của làn sóng này. Điều các quốc gia lo ngại là các nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm được các doanh nghiệp, dự án ở vị trí quan trọng sẽ ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng hay chi phối những ngành nghề quan trọng.

BẢO NGỌC

NGỌC AN
TTO