24/12/2024

Những rủi ro từ ‘tiền di động’: Nên mở rộng nhà cung cấp

Những rủi ro từ ‘tiền di động’: Nên mở rộng nhà cung cấp

Dịch vụ “tiền di động” (Mobile Money) được dự báo sẽ kéo theo cuộc cạnh tranh gay gắt trên thị trường tài chính ngân hàng trong tương lai.
Nên mở rộng cho nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ “tiền di động” /// Ảnh: Ngọc Dương
Nên mở rộng cho nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ “tiền di động”  ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Đầu tư tiền tỉ, thu tiền lẻ

Số lượng các tổ chức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tính đến cuối năm 2019 là 32 đơn vị. Đa số các doanh nghiệp này đều nhận được các khoản vốn đầu tư từ các tổ chức tài chính, công nghệ hay quỹ đầu tư mạo hiểm mới có thể duy trì phát triển thời gian qua, bởi đây là lĩnh vực đòi hỏi phải có tiềm lực tài chính mạnh để đầu tư cơ sở hạ tầng thanh toán, nguồn nhân lực, kết nối với các đơn vị chấp nhận thanh toán… chưa kể chi phí vận hành trong thời gian đầu đều rất tốn kém.
Lãnh đạo một doanh nghiệp trung gian thanh toán nói thẳng, nếu xác định đầu tư dưới vài trăm triệu USD sẽ không thể có chỗ đứng trong thị trường thanh toán điện tử. Đó là lý do, dù hoạt động thanh toán không tiền mặt (qua thẻ ngân hàng, ví điện tử…) đã gia tăng mạnh gần đây, nhưng hầu như chưa có công ty trung gian thanh toán nào công bố có lãi. Thậm chí, nhiều đơn vị liên tục báo lỗ kể từ khi ra đời.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, công ty sở hữu Zalo Pay báo lỗ lũy kế hơn 133 tỉ đồng; hay Momo, ví điện tử đang đứng đầu về số lượng người dùng tại Việt Nam – cũng lỗ lũy kế hơn 1.000 tỉ đồng…
Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, nhận định các nhà mạng có lẽ kỳ vọng lớn vào dịch vụ Mobile Money khi họ có sẵn lượng người dùng lớn. Tuy nhiên nếu chỉ chờ đợi vào doanh thu dự kiến từ các giao dịch thanh toán nhỏ lẻ, đặc biệt là trong các lĩnh vực thiết yếu như điện, nước dịch vụ công… dự kiến sẽ không nhiều.
Điều này giải thích tại sao trong khi các ví điện tử vẫn thua lỗ thì chỉ có ngân hàng mới báo lãi. Bởi lợi nhuận của các ngân hàng ở Việt Nam trên 80% vẫn đến từ hoạt động tín dụng (vay và cho vay) nhưng các công ty trung gian thanh toán hay nhà mạng không có được nguồn lợi này.
“Dù đã có sẵn lượng khách hàng lớn nhưng các nhà mạng cũng phải đầu tư thêm đáng kể trong giai đoạn đầu. Trong khi đó người dùng các phương tiện thanh toán không tiền mặt như ví điện tử, ngân hàng trực tuyến… tại Việt Nam vẫn còn khá ít so với người có thói quen sử dụng tiền mặt. Thậm chí ở Mỹ tôi thấy nhiều người cũng ưa chuộng dùng tiền mặt khi chi tiêu ít như ăn kem, hamburger nên thói quen đi ăn sáng, uống cà phê vỉa hè ở Việt Nam chắc cũng ít xài đến ví điện tử hay tiền di động. Vì vậy, nhà mạng cần tính toán chi tiết về hiệu quả đầu tư để không bị hụt hẫng hay có thể trở thành gánh nặng trong tương lai”, TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm.
Dịch vụ Mobile Money dự kiến chỉ cấp phép cho các nhà mạng thực hiện mà cả 3 “ông lớn” của ngành này là Viettel, Vinaphone và MobiFone đều là các doanh nghiệp nhà nước, vốn chịu các quy định chặt chẽ về việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Đó là cũng là thách thức rất lớn với các nhà mạng này khi đặt chân vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng khi triển khai Mobile Money.

Không nên giới hạn nhà cung cấp

Hiện số người sử dụng điện thoại di động tại VN đến hết quý 1/2020 có 125,5 triệu thuê bao nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tất cả đều sẽ dùng “tiền di động”. TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) phân tích, ứng dụng công nghệ trên điện thoại di động như dịch vụ ngân hàng, ví điện tử đã phát triển hàng loạt với nhiều công ty tham gia nhưng không phải đơn vị nào cũng có khách hàng sử dụng.
Ông Chí dẫn chứng, Công ty cổ phần giải pháp thanh toán điện lực và viễn thông ECPay thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam đã đưa vào ứng dụng ví điện tử tiền điện eDong (là tài khoản của khách hàng ở ECPay để thanh toán tiền điện) khá lâu nhưng hầu như rất ít người dùng. Thay vào đó, khách hàng ở các thành phố lớn hiện nay đều thực hiện chi trả điện, nước qua ngân hàng, qua Mobile Banking, Internet Banking hay qua các ví điện tử như MoMo, ZaloPay… Còn với người dân ở các vùng sâu, vùng xa thì vẫn chi trả tiền điện bằng tiền mặt hay thông qua các điểm giao dịch của ngân hàng. Do đó, ứng dụng công nghệ quan trọng nhất là trải nghiệm của người dùng vì ngoài sự tiện lợi còn mang tính thân thiện, bảo mật, chăm sóc khách hàng… Hơn nữa, “nếu chỉ giới hạn cho các nhà mạng cung cấp Mobile Money thì cơ quan quản lý đã đẩy các công ty trung gian thanh toán hiện nay vào thế kẹt, có thể bị sụp đổ, tác động đến hàng triệu lao động trong ngành này. Đồng thời dòng vốn đầu tư trong ngoài nước vào lĩnh vực Fintech (công nghệ tài chính) hiện khá lớn sẽ sụt giảm”, ông Chí khuyến cáo.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng về bản chất, “tiền di động” cũng là một dạng ví điện tử nên có thể xem xét mở rộng cho các đơn vị trung gian thanh toán tham gia. Điều đó cũng tận dụng được nguồn lực, nền tảng, tài chính của các đơn vị này và có thể thu hút thêm nguồn vốn đầu tư mới. Đồng thời, việc mở rộng đơn vị cung cấp dịch vụ “tiền di động” cũng góp phần thúc đẩy nhanh hoạt động thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam như các phương tiện thanh toán khác là ví điện tử, ngân hàng di động

Lo không đủ môi trường cạnh tranh, thúc đẩy cải tiến công nghệ

Ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), bình luận: “Các ứng dụng công nghệ luôn thay đổi nhanh chóng, nhất là trong ứng dụng trên điện thoại di động. Vì vậy, nếu chỉ hạn chế ở các nhà mạng thì e rằng không đủ tạo ra môi trường cạnh tranh để thúc đẩy việc cải tiến công nghệ trong lĩnh vực thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam”.
MAI PHƯƠNG
TNO