25/12/2024

Dạy học trực tuyến: từ ngại đến thích

Dạy học trực tuyến: từ ngại đến thích

Sau đợt dạy trực tuyến, các trường đều bất ngờ vì thầy cô, sinh viên từ chỗ phàn nàn, không hào hứng nay cho biết muốn tiếp tục sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến.

 

Dạy học trực tuyến: từ ngại đến thích - Ảnh 1.

Một giờ dạy – học trực tuyến ở Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) – Ảnh: N.V.

“Tôi thực sự stress giai đoạn đầu dạy trực tuyến, khối lượng công việc nặng hơn rất nhiều”, “Dạy học online rất phiền toái, chỉ tiện mỗi cái là không phải chọn quần áo lên giảng đường thôi”, “Đến khổ”…

Đó là tâm trạng của nhiều thầy cô ĐH ở giai đoạn đầu giảng dạy online, khi dịch COVID-19 buộc ngành giáo dục phải chuyển đổi số cấp tốc. Còn giờ, khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát, tình hình lại khác…

Đào tạo trực tuyến không đơn thuần là một giải pháp kỹ thuật mà nó cần có một triết lý riêng để phát triển. Đây là phương án sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với phương thức dạy học truyền thống.

TS Trần Ngọc Hiếu

Miễn cưỡng

Chuyển đổi số vốn nằm trong kế hoạch của nhiều trường đại học, nhưng chỉ khi dịch COVID-19 xảy ra, đào tạo trực tuyến mới thực sự được triển khai mạnh mẽ.

TS Trần Ngọc Hiếu – khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – thú nhận giai đoạn đầu ông bị stress nặng: “Trường triển khai dạy online rất sớm, trước khi có ca bệnh thứ 17. Đa phần giảng viên khoa ngữ văn miễn cưỡng đi tập huấn, vì nghĩ đây chỉ là giải pháp tình thế. Không ai nghĩ việc dạy online sẽ duy trì đến hết học kỳ. Cá nhân tôi rất stress vì phải thích nghi với các loại phần mềm, nghĩ cách để sao cho bài giảng không buồn chán”.

ĐH Quốc gia Hà Nội đã phải cung cấp tài liệu hỗ trợ tâm lý cho cả giảng viên và sinh viên, cho thấy mức độ nghiêm trọng của giai đoạn này. TS Trương Thị Bích Hạnh – giảng viên khoa sử Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) – cho biết: “Những tuần đầu cả thầy và trò đều loạng choạng vì chưa quen với phương thức dạy – học mới. Ngoài ra, đường truyền chưa ổn định, phương tiện học thiếu, nên cả thầy và trò đều bị áp lực. Rồi dạy môn xã hội mà chỉ nhìn thấy học trò qua màn hình, rất khó biết sinh viên có hiểu bài hay không, nên giảng viên phải cho bài tập liên tục”.

Dù là người đã được trải nghiệm dạy – học trực tuyến, TS Ngô Bích Ngọc – giảng viên Chương trình PR, quảng cáo và thương hiệu ĐH Middlesex (Anh Quốc), Học viện Báo chí và tuyên truyền – cho biết mấy tuần đầu cô phải mất rất nhiều thời gian hỗ trợ sinh viên. Cô trò phải sử dụng đủ các loại phần mềm, ứng dụng kiểu “đông tây y kết hợp” mới có thể khắc phục được những trục trặc kỹ thuật.

Cơ hội trong thách thức

Ở cấp độ quản lý, lãnh đạo các trường ĐH đều cảm thấy COVID-19 đã mang đến khía cạnh tích cực vì đã khiến tiến trình đào tạo trực tuyến từ kế hoạch đã trở thành hiện thực nhanh hơn.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn – phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV (Hà Nội) – cho biết: “Trường triển khai dạy trực tuyến trên tinh thần tự nguyện của người dạy và học, chứ không dồn ép, bắt giảng viên đốt cháy giai đoạn. Ban đầu khi mở lớp đào tạo, chúng tôi nghĩ chỉ 30 thầy cô tham gia, nhưng tuần học đầu tiên đã có 150 người tham gia. Đến nay có tới 350 giảng viên tham gia (tương đương 95% giảng viên của trường)”.

Còn TS Trần Ngọc Hiếu thừa nhận ban đầu ông không hào hứng với đào tạo trực tuyến, nhưng sau một thời gian dạy mới thấy ưu điểm của phương thức này. “Khi cho bài kiểm tra, tôi mới nhận ra trong lớp có nhiều bạn rất lặng lẽ, nhưng khi phản hồi thầy dưới dạng viết lại rất hay. Còn những bạn trên lớp phát biểu rất sôi nổi thì lại trả lời sai”.

Theo TS Trương Bích Hạnh, trước đây trường cô đã hướng dẫn giảng viên làm web riêng để đăng tải tài liệu, thi trắc nghiệm nhưng ít thầy cô chú ý: “Sau khi dạy online, tôi mới thấy có quá nhiều ứng dụng hỗ trợ cho việc giảng dạy. Ví dụ tôi có thể cài đặt giờ nộp bài cho sinh viên. Bài được máy tính chấm rất chính xác, công bằng, minh bạch. Chắc sau đợt này tôi sẽ tận dụng những tiện ích đó”.

Sau đợt dạy trực tuyến, các trường đều bất ngờ vì thầy cô, sinh viên từ chỗ phàn nàn, không hào hứng nay cho biết muốn tiếp tục sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến. Theo khảo sát của Trường ĐH KHXH&NV (Hà Nội), 75% thầy cô tiếp tục muốn dạy online, đến cuối kỳ sẽ dành ra khoảng 1 – 2 tuần lên giảng đường hệ thống lại kiến thức cho sinh viên.

“Trước kia các trường dự kiến đào tạo trực tuyến chiếm 20%, nhưng sau đợt này tôi nghĩ các trường có xu hướng tăng phần trăm số giờ cho đào tạo trực tuyến” – GS.TS Hoàng Anh Tuấn nhận định.

Không còn là giải pháp tình thế

Thạc sĩ Đinh Ngọc Sơn – phó trưởng khoa phát thanh truyền hình Học viện Báo chí và tuyên truyền – cho rằng đào tạo trực tuyến không phải là một giải pháp tình thế của ĐH Việt Nam mà sẽ là một phương thức chạy song song với đào tạo truyền thống.

“Đào tạo trực tuyến đã khiến cả giảng viên, sinh viên, thậm chí phụ huynh, nhận thấy tầm quan trọng của công nghệ đối với giáo dục. Các thầy cô cũng sẽ phải ý thức hơn về việc nâng cao chất lượng bài giảng. Học viên chọn phương thức đào tạo này cũng sẽ chủ động, tự giác học hơn” – ông Sơn nói.

NGỌC DIỆP
TTO