25/12/2024

Căng thẳng biên giới Ấn Độ – Nepal vì bản đồ mới

Căng thẳng biên giới Ấn Độ – Nepal vì bản đồ mới

Hãng tin AFP ngày 20.5 cho hay Nepal đã công bố bản đồ mới trong đó bao gồm khu vực chiến lược đang tranh chấp với Ấn Độ, tín hiệu cho thấy biên giới hai nước tiếp tục nóng lên.

 

 

 

Lính Nepal từ đầu tháng 5 bắt đầu tuần tra gần khu vực tranh chấp /// Chụp từ The Wire
Lính Nepal từ đầu tháng 5 bắt đầu tuần tra gần khu vực tranh chấp  CHỤP TỪ THE WIRE
Nepal đang chứng kiến làn sóng biểu tình mới tại nước này, sau khi Ấn Độ hồi đầu tháng 5 tuyên bố khánh thành tuyến đường dài 80 km tại khu vực bang Uttarakhand dẫn đến chốt biên giới Lipu Lekh đang tranh chấp giữa hai nước.
Chính quyền Kathmandu dẫn nội dung một hiệp ước vào năm 1816 để tuyên bố chủ quyền đối với Lipu Lekh và thiết lập ranh giới với Ấn Độ dọc theo sông Kali. Tuy nhiên, hai quốc gia láng giềng liên tục tranh cãi vì không nhất trí được văn bản này.
Bộ trưởng Luật pháp Shiva Maya Tumbahangphe cho hay chính phủ Nepal đã tổ chức họp nội các vào ngày 18.5, theo đó quyết định công bố bản đồ mới bao gồm Lipu Lekh và các khu vực thuộc Kalapani và Limpiyadhura.
Căng thẳng biên giới Ấn Độ – Nepal vì bản đồ mới - ảnh 1

Bản đồ gây tranh cãi  AFP

Những khu vực được bổ sung chiếm diện tích hơn 300 km2, và được đánh giá cao về khía cạnh vị trí chiến lược vì đây là điểm giao biên giới giữa Nepal, Ấn Độ và Trung Quốc.
“Nepal sẽ ngay lập tức khởi động nỗ lực đối thoại với Ấn Độ để giải quyết tranh chấp biên giới thông qua các kênh ngoại giao”, theo bà Shiva.
Nepal lâu nay vẫn tuyên bố chủ quyền đối với vùng Kalapani, vốn tiếp giáp Lipu Lekh, dù Ấn Độ đã đóng quân tại đây kể từ cuộc chiến biên giới Ấn – Trung vào năm 1962.
Trước đó, Ấn Độ và Nepal đều thể hiện Kalapani và Lipu Lekh trong bản đồ, nhưng đây là lần đầu tiên Nepal quyết định bổ sung Limpiyadhura.
Nepal cũng lên án quyết định của Ấn Độ khi mở con đường gây tranh cãi, trong khi chính quyền New Delhi tuyên bố “con đường hoàn toàn nằm trên lãnh thổ của Ấn Độ”.
Kể từ đầu tháng, Nepal đã điều các lực lượng an ninh áp sát khu vực Kalapani.
Vào ngày 15.5, Tư lệnh lục quân Ấn Độ – tướng M.M. Naravane nhận định rằng phản ứng “quá khích” gần đây của Nepal về vấn đề biên giới có lẽ là do “sự tác động của một thế lực nào đó”, được cho là có hàm ý về sự can dự của Trung Quốc.
THUỴ MIÊN
TNO