26/12/2024

Trung Quốc sẽ mạnh hơn hay yếu đi trong thế giới hậu COVID-19?

Trung Quốc sẽ mạnh hơn hay yếu đi trong thế giới hậu COVID-19?

Nhà phân tích Cary Huang của báo SCMP (Hong Kong) nhận định Trung Quốc sẽ trả một cái giá đắt sau dịch COVID-19 và đánh mất một phần sức ảnh hưởng trên toàn cầu.

 

Trung Quốc sẽ mạnh hơn hay yếu đi trong thế giới hậu COVID-19? - Ảnh 1.

Quan hệ Trung Quốc – phương Tây xấu đi nhanh trong đại dịch COVID-19 – Ảnh: ASIA TIMES

Giống như nhiều thảm họa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại, đại dịch COVID-19 sẽ tác động mạnh lên cục diện địa chính trị toàn cầu.

Nhiều thay đổi chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng câu hỏi quan trọng là Trung Quốc sẽ mạnh hơn hay yếu đi sau cuộc chiến quyền lực với Mỹ lần này?

Trung Quốc sớm tăng trưởng lại nhưng…

Cho đến giờ, Trung Quốc tỏ ra ổn hơn các nền kinh tế lớn khác nhờ khống chế dịch thành công. Dù mức suy giảm kinh tế trong quý 1-2020 cao hơn Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ (-6,8% so với -3,5% và -4,8%), Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi phần nào trong quý 2, trong khi Âu – Mỹ sẽ tệ hơn trong giai đoạn này.

Nhìn chung, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm -3% năm 2020 – cú suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ giai đoạn Đại khủng hoảng thập niên 1930. Trong 3 nền kinh tế lớn nhất, EU dự báo giảm -7,5%, Mỹ giảm -5,9%, và Trung Quốc tăng 1,2%.

GDP của Trung Quốc năm ngoái là 14.000 tỉ USD, tương đương 2/3 của Mỹ (21.000 tỉ USD), và khoảng cách này sẽ rút ngắn thêm… Nếu xu hướng kinh tế này duy trì, hai nền kinh tế sẽ đạt kích cỡ bằng nhau trong vòng một thập kỷ tới, sớm hơn nhiều so với dự báo trước đây.

Nhưng đó là một chữ “Nếu” rất lớn.

Thế giới hậu COVID-19 ẩn chứa đầy những bất trắc và thách thức dành cho Trung Quốc, có lẽ ở quy mô quốc gia này chưa từng gặp kể từ khi mở cửa với chủ nghĩa tư bản toàn cầu hồi thập niên 1970.

Đại dịch COVID-19, cùng với cuộc cạnh tranh kinh tế, thương mại Mỹ – Trung, xảy ra vào giai đoạn kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất. Xu hướng đi xuống này càng tăng tốc từ khi Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thuế quan với Bắc Kinh năm 2018.

Trung Quốc tăng trưởng 6,1% năm ngoái là mức thấp nhất kể từ năm 1990. Đặt trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ, con số năm nay sẽ còn thấp hơn dù không có dịch bệnh. Hiện tại Mỹ đang duy trì thuế trừng phạt đối với gần 2/3 hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

COVID-19 sẽ không trực tiếp lật ngược vận may của nền kinh tế Trung Quốc, nền địa chính trị hậu đại dịch sẽ làm điều đó.

Bắc Kinh sẽ nhận ra một thế giới rất khác – một thế giới thống trị bởi nghị trình kinh tế “thoát Trung”, những tranh cãi về nguồn gốc con virus và yêu cầu đòi bồi thường của Mỹ và các nước khác.

Trung Quốc sẽ mạnh hơn hay yếu đi trong thế giới hậu COVID-19? - Ảnh 2.

Hội nhập sớm với hệ thống kinh tế toàn cầu giúp Trung Quốc tăng trưởng thần tốc suốt mấy chục năm – Ảnh: AFP

Ông Trump quyết tâm “thoát Trung”

Dịch bệnh lần này chỉ càng củng cố thêm quyết tâm của chính quyền ông Trump và Quốc hội Mỹ trong việc tách rời nền kinh tế và liên kết công nghệ khỏi Trung Quốc. Bằng chứng mới nhất là ông Trump ra lệnh cho các hãng viễn thông tháo hết thiết bị “made in China” ra khỏi hệ thống mạng của họ.

Mỹ phát pháo trước, các đồng minh khác như Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand… cũng đã nối gót trên cơ sở quan ngại về sự lệ thuộc quá mức. Mỹ, EU và Nhật Bản thậm chí không giấu giếm ý định lôi kéo các công ty trong nước ra khỏi Trung Quốc.

Tất nhiên, xét mức độ liên kết, hội nhập quá sâu trong nhiều năm, quá trình “thoát Trung” sẽ rất đau đớn và tốn kém. Tuy nhiên, địa chính trị với những hệ quả chiến lược cuối cùng sẽ vượt qua (lợi ích) kinh tế.

Vấn đề của Trung Quốc nằm ở chỗ sự trỗi dậy của họ dựa trên sự hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, và sự chấp nhận trật tự quốc tế hiện hữu. Nếu làn sóng “thoát Trung” tăng tốc trong kỷ nguyên hậu COVID-19, phép mầu tăng trưởng của Trung Quốc cũng sẽ tắt.

Hơn chục năm qua, Bắc Kinh chây ỳ không chịu cải cách thị trường khiến tranh chấp thương mại với phương Tây mỗi lúc thêm căng thẳng. Hệ thống kinh tế do nhà nước chỉ huy của Trung Quốc cũng chính là thứ khiến ông Trump phát động thương chiến, yêu cầu phải thay đổi.

Nhưng các sự kiện cứ xảy ra dồn dập nằm ngoài mọi tính toán.

Bắc Kinh vừa mới đạt thỏa thuận giai đoạn 1 với Washington thì nổ ra dịch COVID-19. Cứ tưởng tranh thủ chống dịch thành công để qua mặt Mỹ, màn “ngoại giao khẩu trang” và tuyên truyền ngoại giao kiểu “Chiến Lang” của Trung Quốc bị thế giới lật tẩy và phản pháo dữ dội.

Các báo cáo của EU và mạng lưới tình báo Five Eyes (Úc, New Zealand, Anh, Canada, Mỹ) đều tố Trung Quốc tung hỏa mù về virus corona và phải chịu trách nhiệm về điều này.

Song song đó, các chiến dịch đòi Bắc Kinh bồi thường vì để virus lây lan có thể không hiệu quả về mặt pháp lý, nhưng sẽ làm xói mòn danh dự và ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Xét mối quan hệ với các đối tác thương mại lớn xấu đi nhanh chóng, Trung Quốc có thể đối mặt với một thế giới khắc nghiệt khi dịch bệnh trôi qua.

Ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, và cả Mỹ, sẽ suy giảm trong thế giới mới này, nhưng dù sao đó cũng là hệ quả hợp lý cho cuộc chiến cả hai đang phát động.

PHÚC LONG
TTO