24/01/2025

Sẽ không còn ‘học sinh yếu’

Sẽ không còn ‘học sinh yếu’

Bỏ xếp loại học sinh yếu, giảm số đầu điểm, đa dạng hoá hình thức kiểm tra; xem ngoại ngữ là môn có tầm quan trọng như toán, văn trong xếp loại học sinh…
Học sinh sẽ được cho điểm qua các hoạt động giáo dục chứ không chỉ qua hình thức làm bài trên giấy /// Ảnh: Tuyết Mai
Học sinh sẽ được cho điểm qua các hoạt động giáo dục chứ không chỉ qua hình thức làm bài trên giấy  ẢNH: TUYẾT MAI
Đó là những thay đổi quan trọng trong dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh (HS) THCS và THPT theo Thông tư số 58 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố.
Dự thảo này bổ sung quy định: Nếu HS không đủ điều kiện để đạt danh hiệu HS giỏi, HS khá nhưng đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện thì được hiệu trưởng nhà trường tặng giấy khen. Dự thảo cũng sẽ bỏ việc đánh giá, xếp loại “HS yếu” tại quy định hiện hành, thay vào đó là cụm từ “cần rèn luyện thêm” đối với HS có điểm số, hạnh kiểm chưa đạt yêu cầu xếp loại từ trung bình trở lên.

Giáo viên có thể kiểm tra nhiều lần nhưng chỉ lấy điểm chính thức theo số lần quy định và lấy điểm cao nhất trong các lần kiểm tra để đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh

Ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), giải thích: “Việc sửa đổi quy định về đánh giá HS THCS, THPT nhằm bãi bỏ hoặc chỉnh sửa những quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp; bổ sung những quy định mới gần với mục tiêu kiểm tra, đánh giá năng lực của người học mà chương trình giáo dục phổ thông mới đang hướng tới.

Kết hợp đánh giá bằng nhận xét và cho điểm

Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo thông tư này là sẽ kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số với hầu hết các môn học thay vì có môn chỉ cho điểm, có môn chỉ đánh giá bằng nhận xét như hiện nay.
Cụ thể, nếu Thông tư 58 quy định chỉ đánh giá bằng nhận xét kết quả học tập đối với các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục; kết hợp giữa đánh giá bằng cho điểm và nhận xét kết quả học tập đối với môn giáo dục công dân (thay vì chỉ nhận xét như thông tư hiện hành); đánh giá bằng cho điểm đối với các môn học còn lại thì dự thảo thông tư Bộ GD-ĐT vừa công bố thay bằng “kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số đối với các môn học còn lại”.
Đối với các môn học kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số, dự thảo quy định nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập môn học sau mỗi học kỳ, cả năm học. Đối với hình thức kiểm tra đánh giá bằng hỏi – đáp, giáo viên phải nhận xét, góp ý kết quả trả lời của HS trước lớp, nếu quyết định cho điểm hoặc ghi nhận xét (đối với các môn đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá HS thì phải thực hiện ngay sau đó.

Áp dụng từ năm học tới

Sau khi lấy ý kiến góp ý, thông tư sửa đổi này sẽ được chỉnh sửa và ban hành chính thức để có thể áp dụng ngay từ năm học tới (2020 – 2021). Sau khi chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức được triển khai thực hiện ở cấp THCS và THPT (từ năm học 2021 – 2022 bắt đầu với lớp 6 và lớp 10), Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy định mới hoàn toàn về kiểm tra, đánh giá, xếp loại HS ở cấp học này gắn với mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đối với HS ở khối lớp vẫn học theo chương trình hiện hành sẽ được đánh giá bằng thông tư sửa đổi. Như vậy, từ năm 2020 – 2024 sẽ phải thực hiện song song 2 quy định về kiểm tra, đánh giá (tương ứng với chương trình hiện hành và chương trình mới) đối với HS trung học.
Theo ông Sái Công Hồng, bằng thay đổi này thì tất cả các môn học sẽ được bổ sung đánh giá bằng nhận xét thay vì chỉ cho điểm như trước kia. Điều này giúp giáo viên quan tâm sát sao hơn đến từng HS, đánh giá vì sự tiến bộ của các em thay vì chỉ cho điểm mà bản thân HS cũng chưa biết mình cần phải cố gắng hoặc điều chỉnh ra sao để việc học tập hiệu quả hơn.
Theo ông Hồng, việc đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của HS trong quá trình học tập môn học tại dự thảo sửa đổi này nhằm tiếp cận với quy định trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành.

Không chỉ làm bài kiểm tra trên giấy

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm tra đánh giá HS THCS và THPT, hình thức kiểm tra đánh giá gồm kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ. Hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên gồm: hỏi – đáp, thuyết trình, viết ngắn (trên giấy hoặc trên máy tính), thực hành, sản phẩm học tập.
Hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ gồm: bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính; thuyết trình; thực hành; sản phẩm học tập. Ông Sái Công Hồng nêu ví dụ, bằng thay đổi này thì HS sẽ được cho điểm qua các hoạt động giáo dục chứ không nhất thiết chỉ qua hình thức làm bài trên giấy như quy định hiện hành.
Ví dụ, với môn văn, HS có thể làm bài kiểm tra và được cho điểm qua hình thức “sân khấu hóa” thay vì bài viết trên giấy. Mỗi hình thức kiểm tra đánh giá phải có hướng dẫn cụ thể và được thông báo công khai trước khi thực hiện.
Sẽ không còn 'học sinh yếu' - ảnh 1

Khống chế số đầu điểm kiểm tra

Theo thông tư hiện hành, số lần kiểm tra đánh giá với môn học có 1 tiết/tuần trở xuống, HS phải có: “ít nhất 2 lần” kiểm tra đánh giá định kỳ trong mỗi học kỳ; với môn học có từ trên 1 tiết đến dưới 3 tiết/tuần, số lần kiểm tra là “ít nhất 3 lần”; môn học có từ 3 tiết/tuần trở lên, số lần kiểm tra là “ít nhất 4 lần”.
Dự thảo sửa đổi dù vẫn giữ số đầu điểm kiểm tra định kỳ như quy định nhưng bỏ từ “ít nhất” trước số đầu điểm. Theo ông Sái Công Hồng, việc sửa đổi này nhằm khống chế cụ thể số đầu điểm kiểm tra, ví dụ quy định là số điểm kiểm tra là 2 thì các trường chỉ thực hiện lấy đúng 2 với môn học đó, tránh việc quy định “ít nhất” khiến nhiều nhà trường yêu cầu HS làm bài kiểm tra quá nhiều, dẫn tới việc quá tải và áp lực không cần thiết.

Bổ sung ngoại ngữ vào môn điều kiện để xếp loại học sinh

Theo quy định hiện hành về tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và xếp loại cả năm học, HS được xếp loại HS giỏi nếu điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn toán, ngữ văn từ 8,0 trở lên; tương tự, HS được xếp loại khá phải có điểm trung bình các môn học từ 6,5 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn toán, ngữ văn từ 6,5 trở lên. Dự thảo sửa đổi đã thêm môn ngoại ngữ với quy định trở thành điều kiện để xếp loại HS giỏi hoặc khá thì phải có điểm của 1 trong 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ từ 8,0 hoặc 6,5 trở lên với từng danh hiệu.
Xung quanh quy định mới này, ông Sái Công Hồng cho biết, việc bổ sung môn ngoại ngữ là phù hợp vì trong các kỳ thi, như thi THPT thì toán, văn, ngoại ngữ cũng đều là những môn thi bắt buộc. Quy định này cũng nhằm khuyến khích, tiếp thêm động lực cho HS và các nhà trường tập trung và đầu tư tốt hơn cho môn ngoại ngữ.
“Giáo viên có thể kiểm tra nhiều lần nhưng chỉ lấy điểm chính thức theo số lần quy định và lấy điểm cao nhất trong các lần kiểm tra để đánh giá vì sự tiến bộ của HS”, ông Hồng nói.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về thời gian cụ thể đối với bài kiểm tra đánh giá bằng điểm số theo hình thức bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính. Cụ thể: Môn học có dưới 70 tiết/năm học: bài kiểm tra đánh giá giữa kỳ không quá 45 phút, bài kiểm tra đánh giá cuối kỳ không quá 60 phút. Môn học có trên 70 tiết/năm học: bài kiểm tra đánh giá giữa kỳ không quá 45 phút, bài kiểm tra đánh giá cuối kỳ không quá 90 phút.
TUỆ NGUYỄN
TNO