20/11/2024

Cửa hẹp cho hãng hàng không mới ?

Cửa hẹp cho hãng hàng không mới ?

Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ đề xuất tới năm 2022 sẽ tạm dừng thành lập hãng hàng không mới. Cơ hội bay cho các hãng hàng không mới đang bị thu hẹp lại.
Thị trường hàng không VN đang rơi vào khó khăn chung /// Ảnh: Ngọc Thắng
Thị trường hàng không VN đang rơi vào khó khăn chung  ẢNH: NGỌC THẮNG

Không còn là “trái ngọt”

Đến cuối năm 2019, khi “cơn bão” Covid-19 chưa quét qua, hàng không Việt Nam vẫn đang là một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực. Năm 2019 cũng ghi nhận kỷ lục khi có tới 4 hãng hàng không xếp hàng chờ bay gồm Vietstar Airlines, Vietravel Airlines, Kite Air và Vinpearl Air (tháng 1.2020, Vingroup bất ngờ tuyên bố dừng lập Vinpearl Air).
Tuy nhiên, mọi dự báo trên thị trường đã hoàn toàn đảo ngược từ đầu tháng 2 tới nay. Trong văn bản báo cáo Chính phủ cách đây vài ngày, Bộ GTVT cho biết: Tháng 11.2019, bộ này có Công văn 10376 góp ý hồ sơ dự án đầu tư thành lập Hãng hàng không Cánh Diều của Công ty CP hàng không Thiên Minh gửi Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam. Khi đó, Bộ GTVT đánh giá giai đoạn 2014 – 2018, thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn là 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hóa.
Dự báo tình hình phát triển thị trường vận tải hàng không, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt trên 60 triệu khách vào năm 2020 và đạt xấp xỉ 96 triệu khách vào năm 2025. Để vận chuyển lượng hành khách này, số lượng máy bay tương ứng của các hãng hàng không Việt Nam là 255 máy bay vào năm 2020 và 384 máy bay vào năm 2025 (số liệu được tính toán trên cơ sở thực tiễn khai thác của các hãng hàng không Việt Nam trung bình là 250.000 khách/máy bay/năm).
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường vận tải hàng không thế giới cũng như Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo nhu cầu thị trường sẽ giảm 80% trong thời gian tới, đe dọa mất 25 triệu việc làm trong lĩnh vực hàng không, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước có biện pháp trợ giúp các hãng hàng không.
Riêng Việt Nam, tổng thị trường vận chuyển năm 2020 ước đạt 42,7 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019 và bằng 50% so với dự báo trước đó. Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt 32,6 triệu khách, giảm 40,7% so với năm 2019, chỉ bằng 54% sản lượng dự báo.
Đến hết năm 2022, tổng thị trường vận chuyển Việt Nam dự báo đạt 78 triệu khách, bằng 74% so với dự báo, trong đó các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt hơn 57 triệu khách, bằng 75% so với dự báo. Theo kịch bản lạc quan nhất, các chỉ số về thị trường vận tải hàng không Việt Nam của năm 2022 chỉ xấp xỉ bằng 2019. Hiện tại, đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam là 214 máy bay, nhưng mới chỉ khai thác các đường bay nội địa và một số chuyến bay chở hàng quốc tế với tỷ lệ trọng tải cung ứng chưa tới 50% so với năng lực.
“Trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động. Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi, dự kiến năm 2022”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nêu.

Hãng bay, hãng dừng

Trước đó, giữa tháng 4 vừa qua, khi cho ý kiến về đề nghị của Bộ KH-ĐT về chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Kite Air, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT rà soát, xem xét chặt chẽ việc lập hãng hàng không mới, đảm bảo tốt nhất quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững. Với báo cáo này của Bộ GTVT, khả năng hãng hàng không Cánh Diều – Kite Air được cấp phép bay đã thu hẹp rất nhiều.
Trước đó, vào tháng 3, Công ty TNHH MTV hàng không Vietstar (Vietstar Airlines) đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho doanh nghiệp này. Vietstar cho rằng việc cấp giấy phép của hãng bị trì hoãn từ năm 2017 đến nay liên quan vấn đề mở rộng sân đỗ máy bay và sân bay Tân Sơn Nhất. Song, sân đỗ quân sự 21 ha tại Tân Sơn Nhất đã được Bộ Quốc phòng bàn giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư nâng cấp và đưa vào khai thác dân dụng, tăng đáng kể số vị trí đỗ máy bay ở Tân Sơn Nhất… Tuy nhiên, cơ hội để Vietstar gia nhập thị trường hiện nay không chỉ bị giới hạn do phải chờ đợi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất mà còn do đà sụt giảm của thị trường.
TS Trần Du Lịch lại có quan điểm khác khi nhìn nhận ngành hàng không thật sự còn khó khăn. Thị trường quốc tế chiếm thị phần lớn đối với các hãng hàng không, nhưng hiện nay không thể kiểm soát do phụ thuộc tình hình chống dịch của các nước.

“Quan trọng nhất là xây dựng chính sách, chiến lược làm sao để khai thác tối đa thị trường du lịch nội địa, giúp hàng không tăng cầu, tăng tần suất bay. Muốn như vậy, chỉ có cách liên kết chuỗi du lịch, các công ty lữ hành bắt tay cùng ngành vận tải, lưu trú, tạo ra các sản phẩm giá tốt nhất để kích cầu nội địa. Song song đó, bám sát diễn biến dịch bệnh để nghiên cứu mở dần lại thị trường quốc tế”, ông Lịch đề xuất.

Còn dự án vận tải hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, hãng này đang tập trung nguồn lực hoàn thiện giấy phép vận chuyển hàng không và chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC). Đây là giấy phép về mặt kỹ thuật như đội máy bay, phi công, tiếp viên… nên có thể nói Vietravel Airlines đã “chắc suất” bay.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines, cho biết quá trình này sẽ mất khoảng 9 tháng, Vietravel Airlines vẫn giữ kế hoạch cất cánh vào năm 2021 với số lượng tàu bay khai thác năm đầu tiên là 3 máy bay, tăng dần theo yêu cầu của thị trường và trong quy mô cho phép với chủng loại máy bay Airbus, Boeing hoặc tương đương.
Ông Kỳ tỏ ra lạc quan về sự phục hồi của ngành hàng không. Việt Nam đứng thứ 4 trong top 10 quốc gia lạc quan nhất toàn cầu (theo số liệu thống kê mới nhất của The Conference Board Global Consumer Confidence và Nielsen).
“Chúng ta cũng đã được cấp phép bay sang Mỹ, nghĩa là có nhiều cơ hội vươn ra các thị trường mà trước đây chưa từng nghĩ có thể bay được. Đây là cơ hội lớn mà ngành hàng không Việt Nam cần tận dụng và bứt lên”, ông Kỳ nói và cho hay Hãng hàng không quốc gia Thái Lan (Thai Airways) vừa tuyên bố phá sản. Đây là 1 trong 3 đối thủ nặng ký của Việt Nam tại thị trường hàng không trong khu vực, nên bớt được 1 đối thủ nghĩa là ta có thêm cơ hội và miếng bánh thị trường đang to lên.
“Việt Nam đang nắm trong tay nhiều lợi thế để vực dậy ngành du lịch mạnh mẽ hơn. Tất cả đều là những tín hiệu tích cực, ngành hàng không sẽ vực dậy nhanh hơn so với các dự báo”, lãnh đạo Vietravel Airlines đánh giá.
MAI HÀ
TNO