26/12/2024

Xăng dầu đang ‘ế’, có cần bắt buộc dự trữ 30 ngày?

Xăng dầu đang ‘ế’, có cần bắt buộc dự trữ 30 ngày?

Quy định doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông bắt buộc tối thiểu bằng 30 ngày đang là điểm gây nhiều ý kiến trái chiều khi việc sửa Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang đi đến khâu cuối.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang tồn kho lớn /// Ảnh Chí Hiếu
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang tồn kho lớn  ẢNH CHÍ HIẾU
Bộ Công thương sắp đi đến những khâu cuối sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu khi giữa tháng này đang hoàn thiện dự thảo lần thứ 4, tuy nhiên, điểm đang “gây nóng” nhất với các doanh nghiệp (DN), chuyên gia và cả ban soạn thảo lại không nằm trong dự thảo Nghị định sửa đổi là quy định dự trữ bắt buộc 30 ngày.
Quy định này có từ năm 2007 tại Nghị định 55, rồi tiếp tục được kế thừa tại Nghị định số 84 năm 2009 và Nghị định số 83 năm 2014. Theo đó, bắt buộc thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng.
Lãnh đạo một DN đầu mới lớn tại TP.HCM cho hay, với tổng nhu cầu xã hội về mặt xăng, dầu khoảng gần 19 triệu mét khối (hoặc tấn)/năm thì việc tiếp tục quy định này sẽ khiến một lượng vốn rất lớn phải “chôn” cho lượng hàng dự trữ, làm gia tăng chi phí vốn, giảm hiệu quả kinh doanh của DN.
“Quy định này có từ 13 năm trước, trong bối cảnh xăng dầu chúng ta hầu hết nhập ngoại thì rất đúng, để đảm bảo an ninh năng lượng. Nhưng giờ, chỉ tính riêng 2 nhà máy lọc dầu trong nước thôi cũng đã tồn kho rất lớn, có thời điểm tồn kho dầu thô tại nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn lên gần cả triệu mét khối, tồn kho xăng hơn 80% thì việc quy định vẫn giữ nguyên 30 ngày liệu có còn phù hợp?”, vị này đặt vấn đề.
Trong khi đó, tổng giám đốc một “ông lớn” ngành xăng dầu phía Bắc thì cho rằng, việc chu kỳ điều hành giá 15 ngày, trong khi quy định dự trữ lưu thông 30 ngày, dẫn đến giá thực hàng tồn kho của các đầu mối không bám sát với giá cơ sở. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong quá trình điều hành sản xuất kinh doanh của các DN đầu mối và được DN phản ánh suốt cả quá trình lấy ý kiến sửa đổi nghị định.
Chia sẻ với Thanh Niên, PGS Ngô Trí Long, chuyên gia về giá cả, cho rằng hiện nay, nhu cầu xăng dầu trong nước đã được 2 nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn (khánh thành 2012) và lọc hóa dầu Nghi Sơn (năm 2018) đáp ứng được khoảng 75%, thì việc vẫn giữ nguyên dự trữ lưu thông 30 ngày đối với các thương nhân đầu mối sẽ không còn hợp lý và có thể lãng phí xã hội.
“Đã đến lúc chúng ta nên xem xét giảm quy định ngày dự trữ lưu thông xuống còn 15 – 20 ngày. Như thế sẽ sát với với chu kỳ điều chỉnh giá 15 ngày và giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN”, ông Long đề xuất.
Cùng với đó, chuyên gia này kiến nghị cần bổ sung quy định số ngày dự trữ lưu thông bắt buộc đối với cả thương nhân phân phối và tổng đại lý từ 5 – 7 ngày, để đảm bảo công bằng giữa các thương nhân kinh doanh xăng dầu.

Cần cơ chế khi Quỹ bình ổn âm

Ngoài ra, PGS Ngô Trí Long kiến nghị việc dự thảo bổ sung quy định số dư tài khoản tiền gửi Quỹ bình ổn giá được tính lãi suất theo mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng cũng là điểm chưa hợp lý và minh bạch với tính chất Quỹ bình ổn.
Lý do, theo ông Long, Quỹ là dự phòng phát sinh tại bất kỳ thời điểm nào có nhu cầu. Do đó, việc gửi không kỳ hạn là phù hợp, mặc dù gửi không kỳ hạn thì lãi suất thấp, nhưng phản ánh chính xác tính chất quỹ.
“Chu kỳ điều chỉnh giá là 15 ngày thì cần phải xem xét quy định về việc trích/chi, hạch toán và chuyển tiền vào quỹ cùng thời điểm này, có như vậy mới minh bạch. Tài khoản quỹ sẽ là tài khoản thanh toán, do việc trích lập và sử dụng thường xuyên, không đảm bảo kỳ hạn gửi 1 tháng”, ông Long phân tích.
Tương tự, theo chuyên gia này, quy định mới cho phép thương nhân đầu mối được vay vốn để bù đắp và được tính lãi suất tối đa bằng mức lãi suất áp dụng cho tài khoản tiền gửi 1 tháng của ngân hàng thương mại, nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản tiền gửi Quỹ bình ổn giá khi Quỹ bình ổn bị âm, cũng không hợp lý. Bởi Quỹ bình ổn là quỹ ngoài ngân sách và DN đầu mối chỉ quản lý hộ (không phải là chủ sở hữu), khi làm hợp đồng vay quỹ âm thì phải có mục đích sử dụng, nguồn trả nợ, tài sản thế chấp, thời hạn trả nợ…
“Những yêu cầu này thì DN không chủ động được mà do điều hành của nhà nước và ngân hàng sẽ không cho vay. Như vậy, cần nghiên cứu khi âm quỹ phải có chính sách cụ thể và thực tế để DN đầu mối chủ động, và đồng nhất trong các DN xăng dầu đầu mối vay, hạch toán, hoàn trả.
Trả lời Thanh Niên hôm nay, 18.5, một đại diện của Bộ Công thương tham gia Tổ điều hành giá xăng dầu, đồng thời thành viên Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, thừa nhận quy định về 30 ngày dự trữ là điểm mà chính các thành viên ban soạn thảo cũng đang có ý kiến trái chiều.
“Ngay trong cuộc họp mới nhất tuần trước, có lãnh đạo nói nên cân nhắc giảm để chia sẻ với khó khăn của DN khi tồn kho gia tăng, nhưng cũng có thành viên của ban soạn thảo cho rằng nên giữ nguyên. Nếu vẫn còn ý kiến trái chiều thì trong Ban soạn thảo Nghị định sẽ bỏ phiếu để quyết định”, vị này cho hay.
CHÍ HIẾU
TNO