26/12/2024

Thời cơ vàng để Việt Nam có chân trong chuỗi giá trị mới toàn cầu

Thời cơ vàng để Việt Nam có chân trong chuỗi giá trị mới toàn cầu

Chính quyền Mỹ và cả các doanh nghiệp nước này đang muốn cấu trúc lại chuỗi giá trị để giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc – đây là thời cơ vàng để Việt Nam có chân trong chuỗi giá trị mới toàn cầu.
Nhà máy ô tô của Vingroup tại Hải Phòng /// Ảnh: D.H
Nhà máy ô tô của Vingroup tại Hải Phòng  ẢNH: D.H
Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ việc Mỹ có động thái muốn tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, trong cuộc trao đổi với Thanh Niên xung quanh vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm.

Không có chỗ cho kẻ chậm chân

Mỹ đang lên kế hoạch thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” bằng cuộc đối thoại nhóm “bộ tứ kim cương” (Nhóm QUAD) gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và mời thêm 3 quốc gia khác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand. Cái tên Việt Nam đứng cạnh “bộ tứ kim cương” có khiến bà bất ngờ?
Thời cơ vàng để Việt Nam có chân trong chuỗi giá trị mới toàn cầu - ảnh 1

Bà Phạm Chi Lan

ẢNH: HOÀNG LONG

Với tôi thì không quá bất ngờ. Việc Mỹ nghĩ tới mạng lưới kinh tế thịnh vượng trong đó có Việt Nam là hợp lý, bởi quy mô kinh tế của Việt Nam đang tăng lên đáng kể. Việt Nam cũng không phụ thuộc tới mức bị chi phối bởi bất kỳ nền kinh tế nào, và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới trong và ngoài khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương. Việt Nam có cùng lợi ích với các nền kinh tế phát triển lớn. Mỹ và các nước đó cũng coi Việt Nam là đối tác nhiều triển vọng.

Vậy còn chiều ngược, chúng ta sẽ có cơ hội gì trong vòng tròn này, theo bà?
Có mặt trong mạng lưới ấy, trước hết, chúng ta sẽ có cơ hội tăng cường mối quan hệ với Mỹ mà không cần chờ một FTA song phương – vốn tốn rất nhiều thời gian, công sức. Tôi nghĩ rằng sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) từ Mỹ vào Việt Nam. Chính quyền Mỹ và cả các doanh nghiệp (DN) nước này đang muốn cấu trúc lại chuỗi giá trị để giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Không chỉ Mỹ, rất nhiều nước đã thấy “đau” vì tình cảnh ấy, đặc biệt là qua đợt dịch bệnh vừa qua. Bởi thế, vốn đầu tư có thể sẽ đổ về từ nhiều khu vực khác như Nhật Bản, EU. Chúng ta có thể khai thác các quan hệ đa phương tốt hơn. Đây là thời cơ vàng cho Việt Nam.
Việt Nam đã từng nhiều lần bỏ lỡ cơ hội để chen chân vào vị thế tốt hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Lần này chúng ta nhất quyết không để điều đó lặp lại. Bởi, một khi chuỗi hình thành, các đối tác đã được lấp đầy, sẽ không còn chỗ trống cho Việt Nam
 Phạm Chi Lan

Từ năm 1975 đến nay, Việt Nam đã từng nhiều lần bỏ lỡ cơ hội để chen chân vào vị thế tốt hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Lần này chúng ta nhất quyết không để điều đó lặp lại. Bởi, một khi chuỗi hình thành, các đối tác đã được lấp đầy, sẽ không còn chỗ trống cho Việt Nam.

Nhưng Việt Nam không phải nước duy nhất, đường đua đón dòng vốn này hiện còn nhiều đối thủ nặng ký khác như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia… Đặt mình là một DN nước ngoài, thời điểm này, bà sẽ chọn Việt Nam vì lẽ gì?
Ngoài những điểm mạnh như vị trí địa lý, môi trường vĩ mô, chính trị ổn định, nhân lực dồi dào, hội nhập sâu rộng…; vừa qua chúng ta đã làm tốt việc chống dịch Covid-19. Có một điều tôi chia sẻ với vài bạn nước ngoài và họ rất thích thú là: cuộc chiến chống Covid-19 chứng tỏ Việt Nam đặt cái gì là ưu tiên số 1 và tập trung hết sức vào thì sẽ làm được. Việt Nam kém nhiều nước về trình độ, kinh tế, trang thiết bị y tế nhưng chúng ta chống Covid-19 được, vì Chính phủ đã chọn đúng ưu tiên và tập trung thực hiện, biết dựa vào các chuyên gia, các bộ ngành tham gia phối hợp tốt, từ đó tạo niềm tin và được người dân ủng hộ. Nếu về kinh tế Việt Nam cũng vận hành được như vậy thì không gì Việt Nam không làm được.

“Chọn người giỏi trong cuộc chơi mới”

Rất nhiều người đang lo lắng, nếu DN nội không chuẩn bị tốt, chính các DN nước ngoài mới là người được hưởng lợi trong cuộc chơi này, bà có lo ngại như vậy?
Đúng, DN trong nước sẽ phải gánh áp lực mạnh và rất có thể DN nước ngoài vẫn là người thắng lớn như lâu nay. Thế nên trước hết cần chấm dứt sự bất bình đẳng khi ta luôn ưu ái DN nhà nước và DN FDI hơn DN tư nhân nội. Cũng cần có chính sách khuyến khích liên doanh, hợp tác giữa DN nước ngoài và trong nước, không thể kéo dài mãi tình trạng phần lớn DN FDI là DN 100% vốn nước ngoài. Mặt khác, chính DN Việt cũng cần được chuẩn bị nội lực. Với cuộc chơi mới, đối tác là những DN sừng sỏ thì chúng ta cần chọn hoặc tạo người giỏi để chơi.
Ta có thể chọn những DN có quy mô phù hợp, đã thành công trong những lĩnh vực nhất định, có sự đầu tư chuẩn bị tốt, giúp họ vươn lên mạnh mẽ hơn, trở thành đối tác tốt của các DN nước ngoài và điểm tựa của nền kinh tế. Theo tôi, đó chủ yếu sẽ là các DN tư nhân hiểu và thích nghi được với bối cảnh mới, biết ứng dụng công nghệ, có hệ thống quản trị tốt, sử dụng lao động có kỹ năng, tạo được giá trị gia tăng cao hơn, có ý thức trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. Đó chính là những “quân hậu” của Việt Nam trên bàn cờ tái cấu trúc chuỗi cung ứng và hình thành chuỗi mới. Bởi, thật tình mà nói, không phải DN nào cũng chớp được thời cơ, đủ tầm cỡ và dám chấp nhận rủi ro để vươn lên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã nhắc tới kỳ vọng năm 2045, Việt Nam sẽ xuất hiện những “đế chế kinh doanh khổng lồ” mang tên “Made in Việt Nam”. Bà nghĩ gì về kỳ vọng ấy?
Tôi có niềm tin. Trước đây chúng ta chưa có sức, chưa biết làm, cũng chưa có các đối tác mạnh sẵn sàng hợp tác thực sự với ta. Nay đang và sẽ có nhiều thay đổi, có vận hội mới. Trong tương lai, tôi hy vọng sẽ có DN Việt làm chủ một vài chuỗi giá trị. Sau khi lớn lên từ công xưởng, DN Việt sẽ tiến tới làm chủ công nghệ, sáng tạo ra sản phẩm mới, tạo dựng được tên tuổi, xây nền móng cho đế chế kinh doanh bền vững của chính mình. Hàn Quốc làm được điều đó, chúng ta cũng có thể, nếu theo đúng tinh thần: Việt Nam đặt cái gì là ưu tiên số 1 thì sẽ tập trung hết sức để làm bằng được!
Theo bà Phạm Chi Lan, trước hết vẫn cần cải cách thể chế. Thể chế không chỉ là xây dựng luật, quy định, mà còn là tổ chức, kỷ cương thực hiện phù hợp với những đòi hỏi mới của cuộc sống. Cần làm thật rõ vai trò của nhà nước, các bộ ngành, địa phương để thực sự tạo thuận lợi cho DN phát triển.
Hai vấn đề lớn khác cần chuẩn bị là nhân lực và hệ thống quản trị. Nhân lực dứt khoát phải thay đổi để có lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, công nghệ mới. Còn quản trị là chọn đúng mục tiêu, xây dựng kế hoạch rõ ràng và tổ chức thực hiện tốt.
Lâu nay chúng ta thường có quá nhiều ưu tiên, lại thiếu kế hoạch và không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. Bây giờ khi chọn lựa mục tiêu cần quan tâm tới những lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cao hơn và hợp tác với các đối tác tiên tiến.
VÂN HÀ
TNO