23/01/2025

WHO: Phun thuốc khử trùng phòng Covid-19 có thể ‘gây hại’

WHO: Phun thuốc khử trùng phòng Covid-19 có thể ‘gây hại’

Việc phun thuốc khử trùng trên đường phố không loại trừ được virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 và thậm chí còn gây hại cho sức khoẻ người dân, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo.
Các nhân viên phun thuốc khử trùng phòng Covid-19 ở thủ đô Colombo, Sri Lanka /// AFP
Các nhân viên phun thuốc khử trùng phòng Covid-19 ở thủ đô Colombo, Sri Lanka  AFP
Trong một tài liệu về làm sạch và khử trùng bề mặt để phòng chống Covid-19, WHO cho biết việc phun thuốc khử trùng trên đường phố có thể không hiệu quả, theo AFP ngày 17.5.
“Việc phun hóa chất khử trùng trong không gian ngoài trời, như đường phố hoặc chợ… không được khuyến cáo để tiêu diệt SARS-CoV-2 hoặc các mầm bệnh khác vì bụi bẩn và chất khác trong không khí có thể làm vô hiệu hóa chất khử trùng”, WHO giải thích, theo AFP.
“Bên cạnh đó, phun hóa chất khử trùng khó có thể bao phủ đầy đủ tất cả bề mặt để vô hiệu hóa mầm bệnh”, theo WHO.
WHO lưu ý đường phố và vỉa hè không được xem là “ổ dịch Covid-19” và thuốc khử trùng có thể “gây nguy hiểm cho sức khỏe con người”.
Tài liệu của WHO cũng nhấn mạnh việc phun thuốc khử trùng lên người “không được khuyến khích trong mọi trường hợp”.
“Phun thuốc khử trùng lên người có thể gây hại về mặt thể chất lẫn tinh thần nhưng sẽ không làm giảm nguy cơ Covid-19 lây nhiễm qua các giọt li ti trong không khí hoặc tiếp xúc với người bệnh”, cũng theo tài liệu.
Xịt chlorine (hay clo) hoặc hóa chất độc hại khác lên người có thể gây dị ứng mắt và da, co thắt phế quản và ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.
WHO cũng khuyến cáo không phun thuốc khử trùng trên các bề mặt trong nhà vì có một nghiên cứu chứng điều này cũng không hiệu quả. “Thay vào đó, chúng ta chỉ nên dùng vải thấm chất khử trùng để lau các bề mặt”, theo WHO.
Kể từ khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm ngoái, đại dịch Covid-19 đến nay làm chết hơn 311.000 người với hơn 4,6 triệu ca nhiễm.
Hiện vẫn chưa có thông tin chính xác về khoảng thời gian SARS-CoV-2 có thể bám vào bề mặt và vật thể.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng virus này có thể tồn tại trên một số loại bề mặt trong vài ngày.
Tuy nhiên, đây chỉ là những ước tính dựa trên thí nghiệm trong điều kiện phòng thí nghiệm, hoàn hoàn khác với môi trường thực tế bên ngoài.
PHÚC DUY
TNO