20/11/2024

Trung Quốc lấp liếm quân sự hoá

Trung Quốc lấp liếm quân sự hoá

Hôm 14-5, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc lần đầu đưa tin về việc nước này triển khai máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay tuần tra săn ngầm KQ-200 đến đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

 

Trung Quốc lấp liếm quân sự hóa - Ảnh 1.

Hình ảnh KJ-500 và KQ-200 được triển khai tại đá Chữ Thập theo ảnh vệ tinh của ISI, bên cạnh đó là một chiếc trực thăng Z-8 – Ảnh: ISI

Thông tin này trước đó xuất hiện từ những bức ảnh chụp đá Chữ Thập do nhà cung cấp ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel công bố.

Mọi hoạt động của các bên tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời tại cuộc họp báo ngày 14-5 về thông tin Trung Quốc triển khai máy bay quân sự tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Xói mòn lòng tin

Trong bản tin trên, Thời báo Hoàn Cầu không ngần ngại đề cập tới các chi tiết kỹ thuật gợi lên kịch bản Trung Quốc sẵn sàng triển khai máy bay quân sự lâu dài, hoặc thậm chí cả tin đồn rò rỉ về khả năng hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Động cơ của tờ báo này rất có thể xuất phát từ lập luận ngụy biện lâu nay của Bắc Kinh về quân sự hóa Biển Đông. Cụ thể, Trung Quốc thường lấy chính các cuộc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải (FONOPs) của Mỹ để làm cớ tăng cường hiện diện quân sự như một cách đáp ứng “nhu cầu quốc phòng” chính đáng và hợp pháp theo lý lẽ của Bắc Kinh.

Chính vì vậy, điều quan trọng hiện nay đối với các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là nhìn nhận diễn biến và có phản ứng phù hợp.

Tại một tọa đàm trực tuyến do Đại sứ quán Mỹ ở Philippines tổ chức ngày 15-5, GS Jay Batongbacal (giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và luật biển thuộc Trường đại học Philippines) khẳng định Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang bị trì hoãn vì dịch bệnh.

Ông Batongbacal phân tích rằng các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, gồm đâm chìm tàu cá nhỏ hơn, phô trương sức mạnh quân sự, tiếp tục xây dựng căn cứ quân sự ở Trường Sa, đối đầu với các hoạt động thăm dò ở khu vực… cũng đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm xói mòn lòng tin, giảm sự nhiệt tình cho một thỏa thuận COC nhanh chóng.

Theo GS Batongbacal, điểm lạc quan là các bên có yêu sách khác ở Biển Đông trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang từng bước tiến tới lập trường nhất quán hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Mỹ liên tục thách thức

Tính tới ngày 15-5, được biết tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc đã rời khỏi khu vực ngoài khơi đảo Borneo của Malaysia, nơi Hải Dương địa chất 8 được biết đã tiến hành khảo sát địa chất. Trung Quốc cho rằng tàu này “tiến hành các hoạt động bình thường”, nhưng mặt khác bị tố đã quấy nhiễu tàu khoan West Capella, con tàu có hợp đồng với Công ty dầu khí Petronas của Malaysia.

Giữa thông tin về việc West Capella bị quấy nhiễu, Mỹ một mặt lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc trong lúc thế giới chống dịch bệnh COVID-19, một mặt triển khai các chuyến FONOPs.

Trong động thái gần đây nhất, hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ngày 12-5 thông báo về việc điều tàu tác chiến ven bờ lớp Independence USS Gabrielle Giffords (LCS-10) gần khu vực hoạt động của West Capella. Trước đó trong ngày 7-5, tàu chiến ven biển USS Montgomery (LCS-8) và tàu tiếp nhiên liệu USNS Cesar Chavez (T-AKE-14) cũng được thông báo hoạt động ở khu vực trên.

Trong một tuyên bố, phó đô đốc Bill Merz – chỉ huy hạm đội 7 của hải quân Mỹ – nói: “Các hoạt động duy trì sự hiện diện thường xuyên, như của tàu Gabrielle Giffords, nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục tự do di chuyển trên không và trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế và quy tắc hàng hải, bất kể các yêu sách quá đáng hay những sự kiện diễn ra gần đây”.

Dù Hải Dương địa chất 8 tạm rút, xâu chuỗi lại hàng loạt hành động của Trung Quốc đầu năm nay, có thể thấy tình hình ở Biển Đông đang theo chiều hướng không giảm nhiệt.

Máy bay săn ngầm Mỹ áp sát căn cứ Trung Quốc?

P-8A Poseidon, máy bay săn ngầm hiện đại nhất trong biên chế hải quân Mỹ, được cho là đã bay sát Du Lâm – căn cứ tàu ngầm lớn nhất Trung Quốc trên đảo Hải Nam – ngày 15-5. Thông tin này bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội Twitter từ trưa cùng ngày và vẫn chưa được Mỹ hay Trung Quốc xác nhận.

Tài khoản Twitter @KimagureGolf9 tung lên hình ảnh mô phỏng đường bay của chiếc P-8A số đăng ký 169010 của hải quân Mỹ cho thấy chiếc máy bay săn ngầm đã áp sát căn cứ Du Lâm ít nhất hai lần.

Tiếp đó, một tài khoản Twitter có tên @JapanRader đã công bố đường bay mô phỏng cho thấy trên đường trở ra Biển Đông, chiếc máy bay săn ngầm của Mỹ thậm chí đã bay vào bầu trời Hải Nam và đi dọc theo bờ biển phía đông bắc hòn đảo này.

Một nhà quan sát quân sự cho biết đây không phải lần đầu tiên máy bay Mỹ xuất hiện trong khu vực. Tuy nhiên, khác với các lần trước, việc chiếc P-8A chủ động bật tín hiệu nhận diện cho thấy quân đội Mỹ đang muốn gửi thông điệp tới Trung Quốc.

BẢO DUY

NHẬT ĐĂNG
TTO