24/12/2024

Ngành gỗ vẫn chờ dỡ bỏ rào cản

Ngành gỗ vẫn chờ dỡ bỏ rào cản

Ngày 15.5, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị “Bàn giải pháp khôi phục chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản sau dịch Covid-19” tại Hà Nội.
Ngành gỗ đang có nhiều cơ hội tăng tốc /// Ảnh: Ngọc Thắng
Ngành gỗ đang có nhiều cơ hội tăng tốc  ẢNH: NGỌC THẮNG
Chia sẻ tại hội nghị, ông Huỳnh Tấn Siêu, Trưởng ban Công nghiệp, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, khẳng định Chính phủ và các bộ, ngành ban hành đầy đủ và kịp thời chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19.
Nhưng thực tế, DN không dễ tiếp cận để hưởng ưu đãi. DN rất mừng là được chậm nộp lãi, giãn, giảm thuế, nhưng để phục hồi sản xuất kinh doanh phải có thêm vốn. Thực tế, ở 20 DN kinh doanh ngành gỗ của tập đoàn, thì để vay được vốn với lãi suất thấp là rất khó khăn, khi ngân hàng cũng đưa ra nhiều điều kiện để tránh rủi ro.
Bà Trần Nguyễn Minh Duyên, đại diện Hiệp hội Gỗ Bình Dương, cho rằng chính sách hạ lãi suất đang được các ngân hàng áp dụng chủ yếu cho nguồn vay bằng VND, trong khi DN xuất khẩu có nhiều khoản vay USD. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, đối tác nước ngoài khó khăn, chậm trả nợ nên nhiều DN hiện nay “cõng” thêm gánh nặng lãi suất cho những khoản vay này.
Ông Vũ Hải Bằng, Tổng giám đốc Công ty Woodsland (Tuyên Quang), lại phản ánh bất cập chính sách hỗ trợ người lao động ảnh hưởng dịch Covid-19. Để lao động được hưởng chính sách hỗ trợ thì DN phải có 50% lao động bị mất việc làm.
Để lao động được hưởng thì DN buộc phải cho 50% lao động nghỉ việc. Bên cạnh đó, còn có quy định DN được hưởng ưu đãi khi tổng tài sản giảm 50% là không thể thực hiện được, vì nếu DN rơi vào tình trạng này, coi như ở bên bờ vực phá sản.
Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, DN cố gắng cân đối để người lao động đi làm luân phiên. Nhưng một lao động đi làm 15 ngày/tháng mà DN phải đóng BHXH thì là gánh nặng lớn cho DN.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), cho biết qua khảo sát tại 124 DN, tổng số tiền các DN chi đóng BHXH cho người lao động là 175 tỉ đồng; tương ứng với 2,15 tỉ đồng/DN. Đây là một gánh nặng đối với DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết giá trị xuất khẩu gỗ trong tháng 4 đạt 734,2 triệu USD giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng lũy kế trong 4 tháng đầu năm vẫn 3,5 tỉ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 5, các DN đã có nhiều đơn hàng trở lại.
Và nhóm sản phẩm xuất khẩu cốt lõi (hàng nội thất dùng trong gia đình) xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ tăng mạnh, đang phải chuyển hàng theo tuần bằng máy bay. Hằng năm, Mỹ nhập khẩu gần 10 tỉ USD đồ gia dụng, nội thất từ Trung Quốc, nhưng do ảnh hưởng từ chính sách thuế, phía Mỹ chuyển dịch tìm nguồn hàng từ Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Trị cho biết qua khảo sát, Tổng cục Lâm nghiệp và các hiệp hội dự báo giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản năm nay đạt khoảng 11,75 tỉ USD, tăng 3,9% so với 2019, giảm 6,6% so với mục tiêu tăng trưởng đầu năm đề ra.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Bộ sẽ tập trung 4 nhóm giải pháp hỗ trợ DN ngành gỗ nắm bắt cơ hội sau dịch Covid-19, gia tăng xuất khẩu gỗ và lâm sản. Sau hội nghị này, Bộ sẽ phối hợp các bộ, ngành rà soát những quy định bất cập để kiến nghị lên Chính phủ, gỡ bỏ những rào cản đang cản trở các DN phục hồi sản xuất kinh doanh.
PHAN HẬU
TNO