‘Điểm danh’ các dự án bỏ hoang đất
‘Điểm danh’ các dự án bỏ hoang đất
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa có chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường kiên quyết thu hồi những dự án để đất hoang, chậm triển khai.
Thực tế dù tại TP.HCM “tấc đất, tấc vàng” nhưng hàng loạt dự án bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực khổng lồ.
Đất vàng bỏ hoang
Có mặt tại khu đất rộng khoảng 60 ha ngay góc đường Lê Văn Lương với hẻm 1079 (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè) do Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) làm chủ đầu tư, một trong những dự án có vị trí đắc địa trên địa bàn H.Nhà Bè, chỉ thấy cỏ mọc um tùm.
Người dân sống gần đây cho biết dự án này đã bắt đầu giải phóng mặt bằng từ những năm 2000, thế nhưng nhiều năm nay, cứ mùa nắng đến thường xuyên xảy ra tình trạng cháy lan mà không thấy làm gì. Giá đất nền liền kề dự án này hiện khoảng 60 triệu đồng/m2, đất nông nghiệp thấp nhất cũng khoảng 10 triệu đồng/m2. Với khoảng 60 ha, tính sơ sơ số tiền “chôn” vào đây cũng lên tới khoảng 6.000 tỉ đồng.
Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1), nơi giá mỗi mét vuông đất lên đến cả tỉ đồng, đắt đỏ nhất TP.HCM; cũng có cả ngàn mét vuông đất “kim cương” bỏ hoang. Đó là khu đất tại số 117 – 119 Nguyễn Huệ, diện tích lên đến 2.724 m2 được phê duyệt xây dựng dự án BIDV Tower cao 40 tầng do Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) làm chủ đầu tư nhưng rồi bỏ đó.
Tương tự, nằm ngay góc đường Trần Hưng Đạo – Hồ Hảo Hớn (P.Cô Giang, Q.1), khu chung cư cũ xuống cấp rộng hơn 4.000 m2 ban đầu được UBND TP.HCM giao cho Tổng công ty địa ốc Sài Gòn để tiến hành cải tạo, di dời các hộ dân. Đến năm 2007, khu đất được phê duyệt dự án khu trung tâm thương mại – dịch vụ – văn phòng cho thuê và căn hộ, chủ đầu tư là Công ty CP Đức Khải.
Năm 2010, dự án khởi công nhưng không lâu sau đã tạm ngưng. Đến năm 2017, UBND TP.HCM điều chỉnh chức năng tại dự án này thành thương mại – dịch vụ – văn phòng, không còn chức năng căn hộ và khi đó khu đất về tay Công ty CP Tập đoàn phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam. Đến nay, khu đất về tay Alpha King để làm văn phòng cho thuê với quy mô 35 tầng. Chạy lòng vòng 13 – 14 năm đến nay nhưng sau tấm biển quảng cáo hoành tráng, khu đất vẫn chỉ là bãi đất hoang tàn.
Có thâm niên tới hơn 2 thập niên, từ năm 1996, khu đất rộng 1,8 ha ở địa chỉ 1 bis – 1 kép Nguyễn Đình Chiểu (Q.1) được TP giao cho Công ty phát triển và dịch vụ nhà Q.1 (sau này là Công ty TNHH MTV phát triển nhà Bến Thành) đầu tư xây dựng kinh doanh khu nhà ở, văn phòng cho thuê.
Để triển khai, 213 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp phải di dời, giải tỏa. Đến năm 2015, dự án không triển khai và UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi để giao cho Công ty TNHH Bến Thành – Sao Thủy xây dựng khu nhà ở cao tầng, khách sạn, thương mại và dịch vụ. Nhưng sau khi xây dựng một số hạng mục thì chủ đầu tư cũng bỏ ngang đến nay.
Đất vàng, đất kim cương bỏ hoang ở TP.HCM như thế này, có mặt ở khắp mọi nơi.
Không cào bằng để thu hồi
Theo luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM), thông thường trong các văn bản, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, thường có thời hạn 12 tháng để doanh nghiệp (DN) triển khai các công việc tiếp theo.
Hết thời hạn này mà chủ đầu tư chưa/chậm triển khai có thể gia hạn thêm 3 lần nữa là 48 tháng. Nếu hết thời gian này DN vẫn không triển khai dự án, xem như văn bản không còn hiệu lực. Việc này tạo ra sự “chủ động” cho các DN phải nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định nhưng trên thực tế, thời gian này không đủ vì quy trình nhiêu khê, thủ tục chồng lấn, bất cập.
|
Vì thế, nhiều dự án đã xây dựng một số hạng mục trên đất, thậm chí đã bán căn hộ nhưng vẫn không thể tiếp tục triển khai. Loại này muốn thu hồi không hề dễ.
“Cơ quan chức năng cần phải yêu cầu chủ đầu tư rà soát cụ thể từng dự án để tìm hiểu lý do dự án chậm, không triển khai để có phương án giải quyết hợp tình hợp lý, không thể cào bằng mà thu hồi”, luật sư Cường nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết theo luật Đất đai, khi nhà nước giao đất cho DN thực hiện dự án đã có quy định trong thời gian khoảng 4 năm mà không thực hiện, nhà nước có quyền thu hồi mà không bồi thường về đất và tài sản trên đất.
Tuy nhiên, quy định này không công bằng và khó thực hiện, bởi với đất của nhà nước giao cho DN, họ không thực hiện thì có thể thu hồi. Nhưng với những dự án DN tự đi mua đất mà thu hồi, liệu có ổn? Do đó ông Châu cho rằng, nhà nước cần phân làm hai nhóm để thu hồi. Đối với nhóm đất của nhà nước giao cho DN, nếu chậm có thể thu hồi nhưng phải bồi thường công lao tôn tạo, tài sản trên đất cho DN. Đối với đất của DN tự đi thương lượng đền bù để lập dự án, nếu thu hồi phải bồi thường cho DN.
“Việc TP.HCM thu hồi các dự án chậm triển khai, dự án để hoang gây lãng phí đất là cần thiết bởi hiện nay nguồn lực về đất đai của TP ngày càng eo hẹp, việc đưa quỹ đất vào khai thác sẽ có lợi cho chính DN, nhà nước và cả bộ mặt đô thị. Tuy nhiên, không nên thu hồi những dự án mà DN bồi thường, chỉ thu hồi những dự án đất nhà nước giao cho DN mà họ không làm”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
ĐÌNH SƠN
TNO