29/12/2024

Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc đưa máy bay quân sự ra đá Chữ Thập

Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc đưa máy bay quân sự ra đá Chữ Thập

Trong thời gian gần đây, nhà cung cấp ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel đăng tải những bức ảnh mới cho thấy Trung Quốc đã triển khai máy bay quân sự tới đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

 

Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc đưa máy bay quân sự ra đá Chữ Thập - Ảnh 1.

Hình ảnh KJ-500 và KQ-200 được triển khai tại đá Chữ Thập theo ảnh vệ tinh của ISI, bên cạnh đó là một chiếc trực thăng Z-8 – Ảnh: ISI

Về thông tin Trung Quốc đưa máy bay KJ-500 và KQ-200 ra đá Chữ Thập, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14-5 khẳng định mọi hoạt động không được sự cho phép của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều vô giá trị.

Trong thời gian gần đây, nhà cung cấp ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel đăng tải những bức ảnh mới cho thấy Trung Quốc đã triển khai máy bay quân sự tới đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hình ảnh cho thấy đây là chiếc máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay tuần tra săn ngầm KQ-200. Đây là một trong những động thái mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin trên tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 14-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.

Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.”, bà Thu Hằng nhấn mạnh.

Cũng tại họp báo, trả lời về thông tin rất nhiều tàu dân binh và tàu cá Trung Quốc đang tập trung tại một số đá như Ba Đầu, Én Đất (quần đảo Trường Sa) với số lượng hàng trăm tàu, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Chúng tôi luôn theo dõi sát các hoạt động trên Biển Đông và cho rằng hoạt động của các nước cần tuân thủ quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của quốc gia ven biển, đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông”.

NHẬT ĐĂNG
TTO