23/01/2025

Ngân sách nhà nước năm 2020 có thể hụt thu tới 150.000 tỉ đồng

Ngân sách nhà nước năm 2020 có thể hụt thu tới 150.000 tỉ đồng

Uỷ ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội đánh giá tác động của dịch COVID-19 khiến việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách rất khó khăn.

 

Ngân sách nhà nước năm 2020 có thể hụt thu tới 150.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Nguyễn Đức Hải – Ảnh: Quochoi.vn

Ngày 15-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, cho ý kiến vào báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết năm 2019 tổng thu NSNN đạt hơn 1,55 triệu tỉ đồng (tăng 9,9% so với dự toán); tổng chi NSNN đạt gần 1,75 triệu tỉ đồng. Bội chi NSNN ở mức 202,97 nghìn tỉ đồng, bằng 3,36% GDP (giảm 19 nghìn tỉ đồng so với dự toán).

Đến hết ngày 31-12-2019, dư nợ công ước bằng 54,7% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 47,7% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 47% GDP (mục tiêu giai đoạn 2016-2020, tương ứng là 65%, 54% và 50% GDP). Như vậy, phần vượt thu ngân sách đã giúp các chỉ số “đẹp” hơn so với dự kiến.

Chính phủ thừa nhận “tồn tại lớn trong điều hành năm 2019 là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN vẫn chậm, cả năm đạt khoảng 70,8% dự toán, còn khoảng 128,96 nghìn tỉ đồng vốn chưa giải ngân phải chuyển nguồn sang năm 2020”.

Vẫn theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, 4 tháng đầu năm 2020 tổng thu NSNN đạt 491,38 nghìn tỉ đồng (bằng 32,5% dự toán, giảm 5,9% so cùng kỳ năm 2019).

“Trước tác động của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động sản xuất – kinh doanh do gặp khó khăn về thị trường, gián đoạn nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào, cầu hàng hóa, dịch vụ sụt giảm mạnh… tạo sức ép ngày càng lớn đến thu NSNN” – ông Dũng nói.

Do đó, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức rất lớn. Theo các đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra đầu tháng 4, mức độ thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam tùy thuộc vào thời điểm kết thúc dịch bệnh, trong đó Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam ở mức 4,9%, ADB dự báo là 4,8% và IMF dự báo là 2,7%.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội cho rằng trong khi thực hiện nhiệm vụ thu khó khăn, thì các khoản phải chi lại mở rộng ngoài dự kiến như gia hạn thuế và tiền thuê đất, nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tăng chi tiền phụ cấp cho lực lượng phòng chống dịch, chi tiền ăn và khám chữa bệnh cho người bị cách ly…

“Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2020 là không khả thi. Đồng thời, dự kiến hụt thu NSNN năm 2020 khá lớn (khoảng 130-150 nghìn tỉ đồng)” – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.

Ủy ban Tài chính – ngân sách đề nghị Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, kết hợp với chính sách tiền tệ để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.

Lo “nợ chính sách” với đồng bào dân tộc, miền núi

Tờ trình đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 – 2030.

Chương trình thực hiện ở địa bàn vùng DTTS&MN là các xã, thôn có tỉ lệ hộ DTTS từ 15% trở lên. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 tạo sinh kế cho hơn 16.000 hộ thuộc nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, tăng thu nhập bình quân gấp 2 lần so với năm 2020; 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã; nhựa hóa, bêtông hóa hơn 2.600km đường nông thôn; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở 1.400 xã đặc biệt khó khăn và 8.000 thôn đặc biệt khó khăn; xây dựng 800 công trình nước sinh hoạt tập trung, giải quyết nước sinh hoạt cho hơn 217.600 hộ…

Chương trình cũng đặt mục tiêu ổn định dân cư, đất sản xuất, nhà ở cho hàng trăm ngàn hộ đồng bào; giải quyết sinh kế cho hơn 227.600 hộ; hỗ trợ ăn trưa cho hơn 1,26 triệu em học sinh ở địa bàn đặc biệt khó khăn; dạy nghề cho hơn 3 triệu người; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho khoảng 30.000 cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở; hỗ trợ, tạo điều kiện cho hơn 60.000 người có uy tín trong cộng đồng hoạt động làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở…

Với một chương trình đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng như vậy, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo về việc bố trí đủ nguồn lực cũng như hiệu quả trong khâu tổ chức thực hiện. “Chúng ta đã có nhiều bài học, tôi lo nhất là chúng ta đặt ra nhưng lại “nợ chính sách” với đồng bào” – Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

LÊ KIÊN
TTO