Các kịch bản tăng trưởng của Việt Nam
Các kịch bản tăng trưởng của Việt Nam
Có thể thấy rằng nền kinh tế Việt Nam dù thuộc kịch bản nào thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% và một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội đã đề ra trong năm 2020 là thách thức rất lớn.
Tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tác động của đại dịch Covid-19, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh, dù Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong cộng đồng, nhưng các kịch bản kinh tế được đưa ra đều phải gắn với khả năng ngăn chặn dịch bệnh của các nước trên thế giới.
Một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19: IMF giảm dự báo tăng trưởng từ 7% xuống còn 2,7%; WB hạ dự báo từ 6,5% xuống còn 4,9%; ADB hạ dự báo xuống còn 4,8%. Dù vẫn là mức cao so với các quốc gia khác trên thế giới (đơn cử Ngân hàng T.Ư của Anh dự báo kinh tế nước này sẽ giảm 14% trong năm nay, mức suy giảm cao nhất trong lịch sử được ghi nhận), nhưng vẫn thiếu hụt hàng trăm nghìn tỉ đồng ngân sách, hàng triệu việc làm…
Trong nước, Chính phủ chưa đưa ra kịch bản cụ thể đối với tăng trưởng kinh tế năm 2020 cũng như việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – xã hội khác do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số cơ quan, tổ chức cũng có những dự báo về GDP của Việt Nam năm 2020.
Bộ KH-ĐT đã đưa ra 2 kịch bản cho nền kinh tế được xây dựng dựa trên những dự báo về dịch Covid-19 sẽ kéo dài tới hết quý 2 và hết quý 3/2020 với dự báo tăng trưởng GDP giảm tương ứng còn 5,3% và khoảng 5%. Ban Kinh tế T.Ư cũng đưa ra dự báo theo 3 kịch bản (lạc quan, trung tính, bi quan), với dự báo GDP Việt Nam tương ứng khoảng 5,25% – 3,9% và 2,9%.
Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, có thể thấy rằng nền kinh tế Việt Nam dù thuộc kịch bản nào thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% và một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội đã đề ra trong năm 2020 là thách thức rất lớn. Tuy nhiên, niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế sau khi đại dịch được kiểm soát cũng rất rõ ràng. Việt Nam có thể chặn được suy thoái kinh tế nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh lây lan trên diện rộng; chính sách kích thích kinh tế kịp thời, điều chỉnh chính sách tiền tệ, thuế quan linh hoạt; năng lực kháng chịu của nền kinh tế trước cú sốc tương đối tốt với mức nợ thấp, dự trữ ngoại hối được tăng cường.
Mặc dù nhiều nước đã triển khai các biện pháp kinh tế – tài chính với quy mô chưa từng có, song chỉ có tác dụng giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, chứ không có tác dụng giải quyết khủng hoảng do dịch bệnh gây ra. Khủng hoảng này chỉ được giải quyết triệt để bằng biện pháp y tế, đẩy lùi được dịch bệnh, tìm ra vắc xin điều trị. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 với tính chất phức tạp, khó lường luôn tiềm ẩn rủi ro bùng phát trở lại.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Việt Nam hiện nay vẫn là kiểm soát được dịch bệnh, song song với việc thích nghi để giữ tăng trưởng trong ngắn hạn và tiếp tục chuyển đổi mô hình, tái cơ cấu để đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn.
Tại thời điểm này, không phải không có những dấu hiệu tích cực cho Việt Nam, nhờ vào uy tín lên cao trong việc đối phó với dịch bệnh và tương trợ các đối tác như Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc… Một số ý tưởng về việc chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam thay vì Trung Quốc, thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” với sự có mặt của Việt Nam… đã được các nhà lãnh đạo thế giới nêu ra, dù mới chỉ là ý tưởng, nhưng vẫn có thể mở ra các cơ hội mới.
VŨ HÂN – LIÊN CHÂU – CHÍ HIẾU
TNO