Lo chống COVID-19, mỗi ngày con người thải thêm hàng ngàn tấn rác nhựa

Lo chống COVID-19, mỗi ngày con người thải thêm hàng ngàn tấn rác nhựa

Theo số liệu của nhà chức trách Bangkok, có tới 3.432 tấn nhựa đã bị vứt đi ở thủ đô Thái Lan mỗi ngày vào tháng 4. Các loại chai và ly nhựa, túi nilông, hộp xốp chiếm tới 80%.

 

 

Lo chống COVID-19, mỗi ngày con người thải thêm hàng ngàn tấn rác nhựa - Ảnh 1.

Thức ăn mang đi được đựng trong rất nhiều bịch nilông ở Thái Lan – Ảnh: Reuters

Trong suốt 8 năm liền, nhà hoạt động bảo vệ môi trường Lauren Singer luôn tự hào chưa bao giờ quăng thứ gì trong nhà ra bãi rác. Nhưng tháng trước, trong một bài viết trên trang Instagram có hơn 380.000 người theo dõi, Singer thừa nhận COVID-19 đã làm cô thay đổi.

“Tôi đã mua đồ đựng trong bọc nilông và rất nhiều loại khác mà không biết chúng có thể được tái chế hay không. Tại sao tôi lại đi ngược lại điều tôi đã luôn khuyến khích mọi người làm theo?” – Singer thú nhận COVID-19 đã khiến cô phải mua nhiều đồ tích trữ và phần lớn đều được đóng gói trong bao bì nhựa.

Đừng chiến đấu trên nhiều mặt trận cùng một lúc. Bây giờ, ưu tiên số 1 vẫn là COVID-19.

Bộ trưởng Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-archa thừa nhận thất bại trong cuộc chiến về rác thải nhựa, nhưng cho biết ông vẫn hi vọng Thái Lan có thể lấy lại được những gì đã mất.

Lượng rác dồn về đô thị

Dịch COVID-19 đã cứu nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng của Thái Lan. Theo báo Bangkok Post, lượng rác thải mỗi ngày ở Phuket đã giảm từ 970 tấn còn 840 tấn trong tháng 4, con số tại Pattaya – thành phố biển nổi tiếng – còn ấn tượng hơn, từ 850 tấn chỉ còn 380 tấn. Nhưng điều đó hoàn toàn ngược lại tại các đô thị lớn, điển hình như Bangkok.

Lượng rác thải nhựa của Bangkok đã tăng 62% trong tháng 4, khi nhiều người lựa chọn mua thực phẩm và hàng hóa qua mạng. Theo số liệu của nhà chức trách Bangkok, có tới 3.432 tấn nhựa đã bị vứt đi ở thủ đô Thái Lan mỗi ngày vào tháng 4, tăng so với mức trung bình 2.115 tấn của năm ngoái. Các loại chai và ly nhựa, túi nilông, hộp xốp chiếm tới 80%.

Trung bình, một đơn hàng giao đồ ăn qua mạng có thể tạo ra ít nhất 5 chất thải nhựa rắn, như túi nilông xách bên ngoài, hộp xốp/nhựa dẻo đựng đồ ăn, bịch gia vị, ly nhựa đựng nước giải khát và các dụng cụ ăn uống như ống hút, dao nĩa bằng nhựa.

Dịch vụ giao đồ ăn, cùng với các nền tảng mua sắm trực tuyến, đã phát triển nhanh chóng những năm gần đây – đặc biệt là ở các khu vực đô thị như Bangkok – một phần bởi các tiến bộ về công nghệ và tình trạng ùn tắc giao thông.

Trong giai đoạn bình thường các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể tăng trưởng 10-20% năm, nhưng đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cả ngành, với tăng trưởng được dự báo có thể lên hơn 100% trong năm nay. Đó là một tín hiệu tốt, nhưng sẽ là tin buồn cho môi trường nếu không có các biện pháp giảm thiểu nhựa dùng một lần.

Thói quen cũ quay lại?

Khi con người bị “giam lỏng” trong nhà, họ đã chọn cách đặt đồ ăn qua mạng. Có rất ít người đếm được mỗi ngày đã sử dụng bao nhiêu túi nilông, hộp xốp trong thời buổi dịch bệnh.

Theo Hãng thông tấn Bloomberg, hai công ty lớn chuyên sản xuất các sản phẩm polystyrene là Ineos Styrolution và Trinseo đã chứng kiến doanh số bán hàng tăng trưởng tới hai chữ số trong các ngành công nghiệp bao bì thực phẩm và chăm sóc sức khỏe trong suốt tháng 2, 3 và 4.

Tại Mỹ, dịch COVID-19 đã khiến cuộc chiến chống nhựa sử dụng một lần bị lãng quên. Trong lúc Bộ An ninh nội địa Mỹ yêu cầu tăng việc sản xuất nhựa sử dụng một lần, New York cùng nhiều bang khác đã tạm hoãn luật cấm sử dụng túi nilông trong mùa dịch.

Đại dịch COVID-19 đã khiến mọi người ưu tiên vấn đề vệ sinh hơn bảo vệ môi trường. Các nhóm vận động hành lang cho ngành nhựa cũng tranh thủ những lo ngại sức khỏe trong mùa dịch để tuyên truyền rằng nhựa sử dụng một lần là giải pháp hợp vệ sinh nhất so với các loại tái sử dụng.

Lãnh đạo một số công ty nhựa ở Mỹ trấn an rằng xu hướng dùng nhựa sử dụng một lần sẽ kết thúc khi giá dầu lên cao và dịch bệnh qua đi.

Tuy nhiên, nhiều nhà bảo vệ môi trường tin rằng điều này sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu COVID-19 làm suy thoái kinh tế.

“Khi thu nhập của người ta bị ảnh hưởng, họ sẽ chẳng còn nghĩ gì nhiều tới chuyện bảo vệ môi trường. Lúc đó mọi người sẽ quay lại thói quen xấu cũ, bao gồm cả chuyện sử dụng đồ nhựa dùng một lần” – một nhà bảo vệ môi trường than thở.

Hạn chế ra sao?

Việc giảm đồ nhựa dùng một lần đòi hỏi sự phối hợp của khách hàng, các quán ăn và công ty giao đồ ăn qua mạng.

Chẳng hạn các hàng quán chủ động không đưa nĩa, muỗng hay ống hút nhựa nếu khách không yêu cầu; chọn hộp đựng đồ ăn có thể phân hủy sinh học được làm bằng giấy hoặc bã mía; sử dụng loại hộp có nhiều ngăn để đựng chung cùng lúc nhiều thực phẩm thay vì đựng riêng.

Các công ty giao hàng có thể giảm giá đồ ăn hoặc thức uống nếu khách hàng chọn không lấy dao nĩa hay ống hút nhựa.

DUY LINH
TTO