28/12/2024

Xe máy bật đèn cả ban ngày sẽ kéo giảm tai nạn giao thông ?

Xe máy bật đèn cả ban ngày sẽ kéo giảm tai nạn giao thông ?

Đề xuất các phương tiện mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện phải bật đèn cả ban ngày khi lưu thông nằm trong dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi nhận được rất nhiều sự chú ý của cả người dân và giới chuyên môn.
Xe máy là phương tiện giao thông phổ biến tại VN	 /// Ảnh: Độc Lập
Xe máy là phương tiện giao thông phổ biến tại VN  ẢNH: ĐỘC LẬP
Theo nghiên cứu “Đèn nhận diện ban ngày – giải pháp quan trọng nâng cao an toàn giao thông (ATGT) cho người sử dụng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy tại VN” do TS Vũ Anh Tuấn và Th.S Nguyễn Đinh Vinh Mẫn (Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức – Trường đại học Việt Đức) thực hiện thì đề xuất này hiệu quả trong việc giảm tai nạn giao thông (TNGT).

Đối tượng dễ bị tổn thương nhưng không được bảo hộ

Nghiên cứu phân tích, phương tiện cơ giới hai bánh (bao gồm xe mô tô, xe gắn máy, trong đó có xe máy điện và xe đạp điện – gọi tắt là xe máy) và ô tô trong vài năm gần đây đều tăng trưởng ở tốc độ trên 10%/năm. Ở VN, trong điều kiện cơ sở hạ tầng đường sá còn kém phát triển, các dịch vụ giao thông công cộng ở các tỉnh, thành hầu hết còn rất hạn chế, thu nhập cá nhân còn ở mức trung bình thấp. Tương lai tới năm 2030 và những năm tiếp theo, xe máy vẫn là sự lựa chọn tối ưu của người dân.

Việc trang bị đèn nhận diện ban ngày cho mô tô, xe máy, xe máy điện và xe đạp điện ở nước ta là rất cần thiết nhằm hỗ trợ giảm số vụ tai nạn giao thông và tỷ lệ thương vong

TS Vũ Anh Tuấn

Phương tiện cơ giới hai bánh có đặc thù là người ngồi trên phương tiện dễ bị tổn thương khi có va chạm với các phương tiện cơ giới khác, đặc biệt là với ô tô. Có khoảng 70% tổng số vụ TNGT có liên quan đến người điều khiển phương tiện xe máy, gần 90% nạn nhân bị thương vong là người đi xe máy. Đáng chú ý, trong nhiều vụ TNGT thì xe máy không phải là phương tiện gây ra tai nạn mà là phương tiện bị nạn, tức bị phương tiện khác đâm vào. Người đi xe máy dễ bị tổn thương do tần suất xảy ra va chạm và mức độ nghiêm trọng của tai nạn cao hơn người đi ô tô. Song, trong khi phương tiện ô tô được trang bị nhiều tính năng an toàn cao cho người sử dụng như dây bảo hiểm, túi khí, phanh khẩn cấp, cân bằng điện tử khi vào cua gấp… thì thiết bị bảo hộ duy nhất đối với người đi xe máy ở nước ta hiện nay chỉ là mũ bảo hiểm.

Các nghiên cứu về ATGT xe máy tại châu Á cho thấy khoảng 60% số vụ TNGT xe máy xảy ra vào ban ngày và khoảng 80% xảy ra trong điều kiện dòng giao thông hỗn hợp, trong đó xe máy đi chung làn đường với các phương tiện cơ giới 4 bánh, xe tải…
Trong Báo cáo ATGT đường bộ toàn cầu năm 2018, Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục khẳng định sự cấp bách trong thực hiện các giải pháp nâng cao ATGT cho người sử dụng phương tiện cơ giới 2 bánh ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có VN, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… là các quốc gia có tỷ lệ sử dụng xe máy cao. Trong bối cảnh giao thông hỗn hợp còn phổ biến, tốc độ lưu thông ngày càng cao thì VN cần tăng cường thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu rủi ro va chạm, giảm thiểu mức độ thương vong khi va chạm xảy ra cho người đi mô tô, xe máy.
Xe máy bật đèn cả ban ngày sẽ kéo giảm tai nạn giao thông ? - ảnh 1

Đồ họa: Đông Xuân

Xe không bật đèn gặp tai nạn gấp 2,6 lần xe bật đèn

Vấn đề then chốt là người điều khiển phương tiện khác không phát hiện kịp thời xe máy trong các tình huống như đi hướng ngược chiều, đi cùng chiều phía sau, khi di chuyển vào nút giao khuất tầm nhìn, hay khi chạy trên đường cong gắt (bán kính nhỏ) có tầm nhìn hạn chế. Các tình huống va chạm này xảy ra nhiều hơn so với các tình huống va chạm do điều kiện thời tiết xấu và do phương tiện. Do đó, các giải pháp cải thiện khả năng nhận diện xe máy vào ban ngày là rất quan trọng.
Xe máy có kích thước nhỏ nên khả năng nhận diện chúng bằng thị giác của người tham gia giao thông sẽ kém hơn so với các loại xe ô tô. Để nâng cao khả năng nhận diện phương tiện xe máy bằng thị giác vào ban ngày, thế giới đã áp dụng một số giải pháp, bao gồm thiết kế phương tiện xe máy với các màu sắc sáng, người lái xe mặc đồ bảo hộ có màu sắc sáng và phản quang, trang bị đèn nhận diện ban ngày nhằm thu hút thị giác của các lái xe khác. Trong đó, giải pháp đèn nhận diện ban ngày có thể phát huy tác dụng tránh va chạm trong nhiều trường hợp.
Phân tích các vụ TNGT đối với xe máy cho thấy các xe máy không có đèn nhận diện ban ngày gặp tỷ lệ TNGT cao hơn 2,6 lần so với các xe có bật đèn.
Có khá nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của đèn nhận diện ban ngày cho xe máy trong việc giảm các vụ TNGT. Đơn cử, luật bắt buộc mô tô, xe máy trang bị đèn nhận diện ban ngày vào năm 1978 ở bang California, Mỹ, đã giảm được 20 – 25% số vụ TNGT xảy ra vào ban ngày liên quan đến mô tô, xe máy. Úc cũng áp dụng luật tương tự vào năm 1982, tỷ lệ tai nạn giảm 16%. Ở các nước châu Âu, thống kê cho thấy đèn nhận diện ban ngày có thể giảm được gần 7% số vụ tai nạn thương vong liên quan đến người đi mô tô, xe máy. Tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia, Thái Lan và Indonesia là các quốc gia có điều kiện giao thông, khí hậu nắng nóng khá tương đồng với VN, cũng cho kết quả tương tự. Như tại Malaysia, sau 2 tháng luật Bắt buộc sử dụng đèn chạy xe ban ngày (DRL) đối với xe máy được ban hành vào năm 1992, nước này đã giảm 29% số vụ TNGT liên quan đến xe máy vào ban ngày. Năm 2005, Chính phủ Thái Lan chính thức áp dụng quy định xe máy phải sử dụng đèn nhận diện ban ngày (loại đèn chiếu sáng phía trước tự động – AHO) khi lưu thông, góp phần giảm tới 20% số vụ TNGT liên quan tới xe máy.
“VN và các quốc gia có nhiều xe máy như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ có chung đặc điểm là xe máy liên đới tới 60 – 70% tổng số các vụ TNGT. Trong đó, có nhiều trường hợp liên quan đến vấn đề các lái xe khác không kịp thời nhận diện được sự hiện diện của xe máy do kích thước nhỏ. Do đó, việc trang bị đèn nhận diện ban ngày cho mô tô, xe máy, xe máy điện và xe đạp điện ở nước ta là rất cần thiết nhằm hỗ trợ giảm số vụ TNGT và tỷ lệ thương vong”, TS Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.
HÀ MAI
TNO