28/12/2024

Lãi suất tiếp tục giảm

Lãi suất tiếp tục giảm

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, từ hôm nay (13.5), Ngân hàng Nhà nước đồng loạt giảm các lãi suất điều hành, tiền gửi, tiền vay.
Lãi suất huy động tiết kiệm tiếp tục giảm	 /// Ảnh: Ngọc Thắng
Lãi suất huy động tiết kiệm tiếp tục giảm  ẢNH: NGỌC THẮNG

Giảm trần lãi suất tiết kiệm, cho vay

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các NH từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.
Lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.
NHNN vừa công bố lãi suất bình quân thị trường liên ngân hàng ngày 11.5 giảm thêm khoảng 0,2 – 0,4% so với tuần trước. Lãi suất kỳ hạn qua đêm còn 1,6%/năm, 1 tuần còn 1,7%/năm, 1 tháng còn 2,5%/năm, 3 tháng còn 3,69%/năm… Doanh số giao dịch trên thị trường giảm 4.000 tỉ đồng ở kỳ hạn qua đêm, còn 40.403 tỉ đồng; 1 tuần giảm 6.600 tỉ đồng, còn 10.023 tỉ đồng… Thanh khoản trên thị trường hiện nay khá ổn định. Với việc điều chỉnh lãi suất điều hành từ NHNN, cũng như nhu cầu tín dụng không cao, một số NH dự báo lãi suất huy động thời gian tới sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm.

Về lãi vay, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30.12.2016 giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

Đối với các kỳ hạn trên 6 tháng, hiện NHNN không áp dụng mức trần, để các NH cạnh tranh, áp mức lãi suất tự do. Tại Vietcombank, kỳ hạn 9 tháng là 4,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng 6,5%/năm và 24 tháng cao nhất 6,6%/năm. Một NH thương mại nhà nước khác là VietinBank đang niêm yết mức lãi suất tiết kiệm trên 6 tháng đến 12 tháng là 5,1%/năm và 12 tháng là 6,8%/năm.
Tại các NH thương mại cổ phần, mức lãi suất tiết kiệm cao hơn một chút. NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) áp mức 9 tháng (giá trị dưới 2 tỉ đồng) 6,6%/năm, 12 tháng 6,7%/năm và 24 tháng là 7,1%/năm. NH TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) áp mức trên 1 tháng đến 6 tháng khoảng 4,45%/năm; lãi trên 6 tháng đến 12 tháng 6,6%/năm; lãi trên 12 tháng khoảng 6,8%/năm.

Gửi online hưởng lãi cao

Một số NH thời gian qua áp dụng lãi suất huy động tiết kiệm online cao hơn so với tại quầy từ 0,1 – 1%/năm tùy theo kỳ hạn, đặc biệt lãi suất vượt mức 8%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng trở lên. Đơn cử, lãi suất huy động tiết kiệm online tại NH TMCP Sài Gòn (SCB) cao hơn tại quầy khoảng 1%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 8,03 – 8,21%/năm tùy theo số tiền gửi; 7 tháng từ 8,08 – 8,26%/năm; 12 tháng từ 8,48 – 8,66%/năm; 13 tháng từ 8,58 – 8,76%/năm… Khách hàng gửi tiết kiệm online tại NH TMCP Bản Việt có lãi suất cao hơn tại quầy từ 0,2 – 0,3%/năm tùy theo kỳ hạn; trước đó NH Bản Việt có lúc tăng lãi suất online cao hơn tại quầy lên đến 0,7%/năm.
Lý giải lãi suất gửi online cao hơn tại quầy giao dịch, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, cho biết chi phí huy động tiết kiệm qua kênh online thấp hơn tại quầy nên NH mới điều chỉnh lãi suất cao hơn “chứ không phải NH thiếu vốn nên tăng lãi suất huy động”. Thực tế, nguồn vốn huy động qua online hiện nay chỉ chiếm khoảng 10% tổng vốn huy động tiết kiệm tại NH. Với định hướng phát triển khách hàng qua kênh online, NH sẽ phải đưa ra những sản phẩm dịch vụ thu hút hơn.
“Nhìn mức lãi suất 8%/năm tưởng cao nhưng tổng thể chi phí của NH lại giảm so với chi phí vận hành tại quầy. Bởi để đưa 1 điểm giao dịch NH vào hoạt động, NH phải chi phí đầu tư, thuê, sửa chữa nhà, trả lương khoảng 10 – 15 nhân viên, điện nước… Một điểm giao dịch huy động được 100 tỉ đồng, chi phí khoảng 1%; do đó khi khách chuyển qua kênh tiết kiệm online, NH không mất số chi phí này nên cộng thẳng vào lãi suất cho khách. Đồng thời, việc điều chỉnh lãi suất online cao sẽ không tác động nhiều đến lãi suất vay, lãi suất vay phổ thông tại NH vào khoảng 11 – 11,5%/năm và 17%/năm đối với tài khoản thẻ tín dụng”, ông Văn giải thích.
Ông Phan Viết Cường, Giám đốc khối khách hàng cá nhân NH Bản Việt, cũng cho biết áp dụng lãi suất cao sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ online nhiều hơn, phù hợp với hoàn cảnh chống dịch Covid-19. Tuy nhiên khi mặt bằng lãi suất trên thị trường có xu hướng giảm thì chênh lệch lãi suất giữa online và quầy giao dịch sẽ được rút ngắn lại hơn.
THANH XUÂN – ANH VŨ
TNO