26/12/2024

Thận trọng mở cửa trước nỗi lo dịch tái bùng phát

Thận trọng mở cửa trước nỗi lo dịch tái bùng phát

Nhiều nước trong tuần này tiếp tục nới lỏng các chính sách phong toả, giãn cách xã hội, đồng thời cảnh giác trước làn sóng lây nhiễm thứ 2 của dịch Covid-19.
Người dân Tây Ban Nha tập thể dục tại Madrid	 /// Ảnh: AFP
Người dân Tây Ban Nha tập thể dục tại Madrid ẢNH: AFP

Làn sóng lây nhiễm thứ 2

Reuters hôm qua dẫn thông tin từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho hay nước này ghi nhận thêm 14 ca mắc Covid-19 trong ngày 9.5, mức cao nhất kể từ ngày 28.4. Trong số các bệnh nhân mới chỉ có 2 ca là người từ bên ngoài, còn lại đều là lây nhiễm trong nước với 11 ca tại tỉnh Cát Lâm và 1 ca tại TP.Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) – nơi từng là tâm dịch nhưng chưa ghi nhận thêm ca nào từ ngày 3.4. Trung Quốc cũng ghi nhận thêm 20 ca mắc Covid-19 chưa biểu hiện triệu chứng. Trước tình hình trên, tỉnh Cát Lâm quyết định nâng cảnh báo về Covid-19 tại thị xã Thư Lan từ mức trung bình lên mức cao, sau khi toàn bộ Trung Quốc đại lục được xem là có nguy cơ thấp từ ngày 7.5.

3 chuyên gia chống dịch hàng đầu của Mỹ tự cách ly

Reuters ngày 10.5 đưa tin 3 quan chức phòng chống Covid-19 hàng đầu của Mỹ đang tự cách ly sau khi tiếp xúc với người dương tính với vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19.
Viện trưởng Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) Anthony Fauci, thành viên nhóm chuyên trách phòng chống dịch tại Nhà Trắng, tự cách ly từ ngày 9.5 dù ông được xếp vào diện có nguy cơ khá thấp và đã xét nghiệm âm tính. Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (USCDC) Robert Redfield “sẽ làm việc từ xa trong 2 tuần sau khi phơi nhiễm nguy cơ thấp” với một người nhiễm bệnh tại Nhà Trắng hôm 6.5. Quan chức thứ 3 cách ly tại nhà là ủy viên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) Stephen Hahn. Cả 3 người dự kiến sẽ điều trần trước Thượng viện vào ngày 12.5 về các bước chính quyền liên bang và các tiểu bang đang tiến hành nhằm nới lỏng các quy định phòng chống Covid-19.

Tại Hàn Quốc, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KCDC) ghi nhận 34 ca nhiễm Covid-19 trong ngày 10.5, con số cao nhất trong vòng 1 tháng qua, với nhiều ca liên quan ổ dịch bùng phát tại các quán bar ở quận Itaewon từ ngày 1.5. Cơ quan chức năng đã xác định hàng chục ca mắc Covid-19 sau khi một người đàn ông 29 tuổi đến nhiều quán bar vào tuần trước và sau đó xét nghiệm dương tính. Khoảng 7.200 người từng đến các quán bar này đang được theo dõi, xét nghiệm và Seoul quyết định đóng cửa toàn bộ hơn 2.100 quán bar, sàn nhảy từ ngày 9.5.

Cũng trong ngày 10.5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố kế hoạch phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19 trong bài phát biểu đặc biệt nhân dịp bước sang năm thứ ba nhiệm kỳ. Theo Đài KBS, Tổng thống Moon khẳng định quyết tâm đưa Hàn Quốc trở thành hình mẫu đi đầu thế giới cả về phòng chống dịch và khắc phục kinh tế khỏi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bằng cách đối đầu trực diện, biến khủng hoảng thành cơ hội, đồng thời cảnh báo làn sóng bùng phát thứ 2 đang quay lại.

Nới lỏng kèm cảnh báo

Tại châu Âu, nhiều nước đang rục rịch nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch và mở cửa lại nền kinh tế. Theo Reuters, Pháp dự định nới lỏng phong tỏa từ hôm nay 11.5 nhưng cảnh báo rằng “dịch vẫn đang hoạt động và tiến triển” nên tình trạng khẩn cấp sẽ được gia hạn đến ngày 10.7. Tây Ban Nha cũng sẽ nới lỏng quy định từng bước và khoảng phân nửa dân số được ra đường từ ngày 11.5 thay vì chỉ được đi tập thể dục hay các mục đích thiết yếu như trước.

Tròn 2 tháng đại dịch Covid-19

Hôm nay 11.5, đánh dấu tròn 2 tháng kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Thời điểm công bố đại dịch cũng là chủ đề gây tranh cãi khi giới chức Mỹ cáo buộc WHO thiên vị Trung Quốc nên trì hoãn, trong khi tổ chức này khẳng định đã làm kịp thời.
Trong 2 tháng đại dịch vừa qua, số quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc bệnh tăng từ hơn 100 lên khoảng 200. Đáng chú ý, tổng số ca nhiễm đến nay đã vượt mốc 4 triệu so với khoảng 120.000 ca vào ngày công bố đại dịch.
Tại châu Á, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đều dự báo kịch bản xấu nhất là kinh tế ngừng tăng trưởng trong năm nay do ảnh hưởng đại dịch. IMF cũng dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sụt giảm ít nhất 3%. Covid-19 còn dẫn đến tình trạng thất nghiệp trầm trọng. Hơn nửa dân số thế giới được yêu cầu tuân thủ quy định phong tỏa và giãn cách xã hội.
Đến nay, khoảng 100 nhóm đang nghiên cứu vắc xin và thuốc trị Covid-19, nhưng giới khoa học dự báo sẽ khó có sản phẩm hoàn thiện trong vòng 1 năm tới. Tình trạng cấp bách khiến một số công ty nhận sản xuất vắc xin số lượng lớn do Đại học Oxford phát triển dù chưa chứng minh được hiệu quả.

Tại Anh, Bộ trưởng Nhà ở Robert Jenrick cho hay việc nới lỏng quy định phòng chống dịch sẽ được tiến hành có điều kiện và sẽ áp dụng nghiêm ngặt hơn nếu dịch tái phát. Cũng trong hôm qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố hệ thống cảnh báo về dịch Covid-19 với 5 mức độ để chính quyền các địa phương chủ động áp dụng các biện pháp hạn chế cần thiết. Dự kiến, Anh sẽ nới phong tỏa nhưng cách ly 2 tuần đối với người đến từ bên ngoài, còn Liên minh Châu Âu (EU) thì cảnh báo chưa nên cho người từ các nước ngoài khối nhập cảnh.

Trong tuần này, nhiều nước châu Âu khác như Ukraine, CH Czech, Đan Mạch, Đức cũng sẽ nới phong tỏa, trong khi các nước vùng Baltic sẽ mở cửa biên giới trong khu vực. Theo AFP, Hội đồng châu Âu sẽ thảo luận kế hoạch giải cứu lĩnh vực du lịch vào ngày 13.5.
KHÁNH AN
TNO