26/12/2024

Kéo tư nhân vào phát triển ngành điện

Kéo tư nhân vào phát triển ngành điện

Nhà nước và tư nhân kết hợp để giải bài toán năng lượng là vấn đề được Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình nêu ra tại hội nghị báo cáo viên T.Ư cuối tuần qua.
Một nhà máy điện gió của tư nhân tại khu vực Ninh Thuận	  /// Ảnh: Chí Hiếu
Một nhà máy điện gió của tư nhân tại khu vực Ninh Thuận  ẢNH: CHÍ HIẾU

Mỗi năm cần 15 tỉ USD vốn đầu tư

“Từ Kết luận 26 năm 2003, đến Nghị quyết 18 năm 2007 của Bộ Chính trị, và giờ là Nghị quyết 55, đều coi ngành năng lượng nói chung, điện nói riêng phải là tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế đất nước, phải đi trước một bước”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, để năng lượng đi trước một bước thì ngành năng lượng cần phải tăng trưởng trung bình trên dưới 10%/năm. Muốn vậy, từ đây đến năm 2030, đầu tư cho ngành này cần khoảng 150 tỉ USD, tức là trung bình mỗi năm cần 15 tỉ USD.
“Đối với ngân sách và đất nước ta, đây là con số rất lớn và cần một cơ chế chính sách mới, khuyến khích nhiều thành phần tham gia, không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, nhà nước chỉ giữ độc quyền truyền tải điện”, ông Bình nói. Theo đó, đã có những chính sách xây dựng giá điện phù hợp để khuyến khích đầu tư, tăng sức cạnh tranh, tách chính sách xã hội ra khỏi giá điện sản xuất.

Chính sách giá hợp lý để lôi kéo tư nhân vào cuộc

Tuy nhiên, muốn lôi kéo được tư nhân thì phải có thị trường cạnh tranh, minh bạch, có chính sách giá hợp lý, bởi nói đến tư nhân là nói đến lợi nhuận. “Trong phát triển ngành điện phải có tư nhân. Đồng thời phải có nhà nước để đảm bảo an ninh năng lượng, tiến bộ, công bằng xã hội. Chúng ta phải phối hợp hết sức nhuần nhuyễn cái này trong phát triển ngành điện”, ông Bình nói.
Theo Trưởng ban Kinh tế T.Ư, trong Nghị quyết 55 lần này cũng đã nêu rất rõ là giảm dần điện than với mức hợp lý, áp dụng các công nghệ phù hợp với môi trường, khai thác triệt để tối đa các ngành năng lượng tái tạo. Ông Bình cho rằng: Phải có những vấn đề phát triển mà kinh tế nhà nước vẫn phải giữ để dẫn dắt và điều tiết. Doanh nghiệp nhà nước là then chốt vì doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào các lĩnh vực, khâu then chốt, chứ không phải làm tất cả. Thế thì chỗ nào mà đảm bảo quốc phòng an ninh, đảm bảo những vấn đề về an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội thì chỗ đấy nhà nước phải làm. Còn những cái khác chúng ta có thể giao cho tư nhân làm, khuyến khích tư nhân tham gia.
Báo cáo tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp ngày 9.5 vừa qua, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn điện lực VN Dương Quang Thành cho biết, riêng trong năm 2019, ngành điện đã huy động được hơn một con số kỷ lục lên tới 100.000 tỉ đồng (trên 4 tỉ USD) của đầu tư tư nhân, trong đó chủ yếu là các nhà đầu tư trong nước tham gia các dự án điện mặt trời. Bên cạnh đó, sự tham gia đầu tư điện mặt trời áp mái của các hộ dân với công suất lên tới 5.000 MW cũng đã đóng góp một phần quan trọng trong cân đối cung cầu điện. Để tiếp tục kêu gọi đầu tư tư nhân, đầu tư từ các hộ dân, ông Thành cho biết EVN sẽ bỏ tiền sắm công tơ hai chiều để người dân nếu không dùng hết điện áp mái thì sẽ bán lên lưới cho nhà đèn.
CHÍ HIẾU
TNO