26/12/2024

Dịch COVID-19 ngày 11-5: Mỹ, Pháp, Anh, Ý… tiếp tục giảm ca nhiễm

Dịch COVID-19 ngày 11-5: Mỹ, Pháp, Anh, Ý… tiếp tục giảm ca nhiễm

Các nước Mỹ, Pháp, Anh, Ý tiếp tục giảm ca nhiễm bệnh, kế hoạch nới lỏng hoặc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế tiếp tục được đưa ra bên cạnh nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Việt Nam đã 25 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

 

Dịch COVID-19 ngày 11-5: Mỹ, Pháp, Anh, Ý... tiếp tục giảm ca nhiễm - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Việt Nam 25 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, 86% trường hợp đã khỏi bệnh

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính đến 18h ngày 11-5, nước ta không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày thứ tư liên tiếp Việt Nam không có ca nhiễm mới, và là ngày thứ 25 không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tổng số ca nhiễm cả nước hiện vẫn là 288, trong đó 148 ca từ nước ngoài được cách ly ngay khi nhập cảnh.

Trong ngày 11-5, thêm 8 trường hợp được công bố khỏi bệnh và ra viện, đưa tổng số ca khỏi bệnh cả nước lên 249 ca (chiếm 86%).

Hiện còn 39 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở y tế, đa số bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định, trong đó 11 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 2 lần trở lên.

Nga thành vùng dịch lớn thứ 3 thế giới

Nhà chức trách Nga ngày 11-5 cho biết trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 11.656 ca nhiễm COVID-19 mới, đưa tổng số ca bệnh tại nước này lên 221.334 trường hợp. Theo trang worldometers.info, Nga hiện đang tạm thời là vùng dịch lớn thứ 3 thế giới do chỉ hơn Anh, quốc gia có số ca nhiễm nhiều kế tiếp, chưa đầy 2.000 trường hợp. Anh vẫn chưa công bố số ca nhiễm mới của ngày 11-5.

Theo Hãng thông tấn AFP, dự kiến trong ngày 11-5 Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có bài phát biểu trực tiếp với người dân Nga về tốc độ tăng chóng mặt của COVID-19 cùng các biện pháp cứu nền kinh tế.

Tính đến thời điểm hiện tại Nga đã xét nghiệm được 5,6 triệu người, trong đó gần một nửa số ca dương tính virus không có biểu hiện triệu chứng nào.

Doanh nghiệp Anh vẫn đóng cửa ít nhất tới tháng 6 

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab ngày 11-5 thông báo các nhà bán lẻ sản phẩm không thiết yếu vẫn chưa được hoạt động trở lại, ít nhất cho đến tháng 6. Trong khi đó, các ngành nghề khác chỉ có thể hoạt động trở lại sớm nhất là vào tháng 7.

Heathrow, sân bay bận rộn nhất châu Âu, ngày 11-5 yêu cầu chính phủ Anh đưa ra kế hoạch mở cửa biên giới sau khi sân bay này tuyên bố số lượng hành khách đã giảm 97% trong tháng 4. Sân bay Heathrow cho rằng kế hoạch cách ly 14 ngày đối với hành khách hạ cánh xuống của chính phủ Anh sẽ giới hạn số người muốn đi lại.

Heathrow kêu gọi London đưa ra kế hoạch tháo dỡ lệnh cách ly, cũng như cho phép người dân và hàng hóa lưu thông trở lại.

Hàn Quốc lo bùng phát dịch ở thủ đô Seoul

Giới chức Hàn Quốc hôm nay 11-5 khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh trong bối cảnh có nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh mới tại khu vực đông dân cư ở thủ đô Seoul.

Tới nửa đêm 10-5, Hàn Quốc ghi nhận thêm 35 ca nhiễm mới corona trên toàn quốc. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca bệnh COVID-19 tăng thêm ở mức cao như thế, cũng là mức cao nhất trong hơn một tháng.

Hầu hết các ca bệnh mới đều có liên quan tới ổ dịch tại nhiều hộp đêm và quán bar tại Seoul. Chính quyền đã xét nghiệm 4.000 người đã lui tới những tụ điểm này song vẫn đang tiếp tục truy vết khoảng 3.000 người khác.

Hãng hàng không lớn thứ hai châu Mỹ Latin xin phá sản sau 100 năm

Avianca – hãng hàng không của Colombia, cũng là hãng bay lớn thứ hai tại châu Mỹ Latin, đã nộp đơn xin phá sản ngày 10-5 vì COVID-19. Hãng này đã không thể thanh toán trái phiếu đúng hạn trong khi chính phủ Colombia vẫn chưa có động thái cứu giúp họ.

Avianca không thể hoạt động bình thường từ cuối tháng 3 và hầu hết 20.000 nhân viên của hãng đã ra đi mà không nhận được lương trong suốt thời gian khủng hoảng này.

Giám đốc điều hành Avianca, ông Anko van der Werff, thừa nhận hãng bay đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thách thức nhất trong lịch sử 100 năm tồn tại của họ.

Dịch COVID-19 ngày 11-5: Mỹ, Pháp, Anh, Ý... tiếp tục giảm ca nhiễm - Ảnh 2.

Các máy bay của hãng hàng không Avianca của Colombia tại sân bay quốc tế El Dorado ở Bogota, Colombia – Ảnh: REUTERS

* Bộ Y tế Singapore ngày 11-5 ghi nhận thêm 486 ca COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 23.822. Cơ quan này cho biết đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 1 tuần qua của Singapore, có thể xuất phát từ việc xét nghiệm bị giới hạn do 1 phòng thí nghiệm tại đây phải hiệu chuẩn lại sau khi đưa ra 33 kết quả dương tính giả.

Nga ngày 11-5 ghi nhận thêm 11.656 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca COVID-19 lên 209.688. Số ca tử vong của nước này cũng tăng từ 1.827 lên 1.915.

Dịch COVID-19 ngày 11-5: Mỹ, Pháp, Anh, Ý... tiếp tục giảm ca nhiễm - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Số ca tử vong trong ngày tại Mỹ thấp nhất kể từ tháng 3

Thống kê theo thời gian thực của ĐH Johns Hopkins cho biết số người chết trong 24 giờ qua ở Mỹ vì COVID-19 là 776 người. Đây là số người chết theo ngày thấp nhất kể từ tháng 3.

Trong các tuần gần đây, số người chết tăng thêm theo ngày của Mỹ luôn duy trì trong khoảng 1.000-2.500 người.

Theo ĐH trên, tổng số người Mỹ mắc COVID-19 tới nay là 1.329.072 ca, còn số tử vong là 79.522, trong khi con số cập nhật của trang worldometers.info cao hơn: 1.367.638 ca nhiễm và  80.787 ca tử vong.

Học sinh Úc bắt đầu đi học lại

Ngày 11-5, trẻ em ở một số bang ở Úc bắt đầu trở lại trường học sau khi được nghỉ ở nhà vì dịch bệnh COVID-19 từ giữa tháng 3. Theo Reuters, tỉ lệ lây nhiễm mới ở Úc vẫn được kiểm soát ở mức thấp.

Các bang cho học sinh đi học lại là New South Wales, bang đông dân nhất ở Úc, và bang Queensland. Nhà chức trách đã chuyển đến các trường xà phòng, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt và cả thiết bị bảo hộ cá nhân. Quy mô lớp học giảm xuống và hạn chế tối đa tiếp xúc giữa các học sinh.

Hơn 90% giường bệnh ở Tokyo đã chật người bệnh COVID-19

Bộ Y tế Nhật Bản ngày 10-5 thông báo hơn 90% số giường bệnh dành cho điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Tokyo đã kín chỗ.

Cụ thể tính tới ngày 28-4 đã có 1.832 bệnh nhân COVID-19 nhập viện, tương đương 91,6% trong tổng số 2.000 giường bệnh dành điều trị người mắc bệnh này.

Theo hãng tin Reuters, chính quyền khu vực đô thị Tokyo dự kiến nâng tổng số giường điều trị bệnh nhân COVID-19 lên gấp đôi mức hiện nay, tức 4.000 giường bệnh.

New York xét nghiệm 2 lần/tuần cho nhân viên nhà dưỡng lão

Theo chỉ thị mới ngày 10-5 của Thống đốc New York Andrew Cuomo, các nhân viên làm việc ở các nhà dưỡng lão trong tiểu bang này sẽ phải làm xét nghiệm virus corona 2 lần mỗi tuần. Ngoài ra, các bệnh viện không được cho bệnh nhân xuất viện về lại nhà dưỡng lão trừ khi họ được xét nghiệm âm tính.

Các cơ sở dưỡng lão vi phạm sẽ bị tước giấy phép hoạt động. Theo BBC, ông Cuomo đang bị chỉ trích về tỉ lệ tử vong cao tại các nhà dưỡng lão.

Hiện New York có khoảng hơn 600 nhà dưỡng lão. Bang này đang cân nhắc phương án nới lỏng các biện pháp hạn chế và mở cửa nền kinh tế từ 15-5.

Một công nhân Ghana lây bệnh cho 533 người ở nhà máy chế biến cá

Cuối ngày 10-5, Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo xác nhận trên truyền hình một công nhân đã lây virus corona cho 533 công nhân khác trong một nhà máy chế biến cá ở thành phố Tema. 533 người mới nhiễm này chiếm 11,3% tổng số ca COVID-19 ở Ghana.

Ngành y tế Ghana được báo động về ổ dịch trên vào cuối ngày 8-5. Tuy nhiên, theo Reuters, không có thông tin về việc liệu các biện pháp an toàn có được áp dụng tại nhà máy hay không.

Tính đến tối 10-5, Ghana có 4.700 ca COVID-19, là quốc gia có nhiều người nhiễm nhất ở tây Phi. Tổng số người tử vong vì virus này là 22 người.

Các biện pháp giãn cách xã hội ở Ghana sẽ kéo dài đến cuối tháng 5-2020, trường học các cấp tiếp tục đóng cửa.

Thế giới gần 1,4 triệu ca hồi phục

Theo thống kê của trang worldometers.info, đến 6h sáng 11-5, toàn cầu có hơn 4,1 triệu ca nhiễm, 283.000 ca tử vong và gần 1,5 triệu ca hồi phục.

Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về hầu hết các chỉ số liên quan tới dịch COVID-19. Trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 19.444 ca dương tính với virus corona chủng mới và 720 người tử vong, theo worldometers.info.

Số người mắc bệnh và tử vong đều giảm mạnh so với mấy ngày trước, cho thấy đại dịch đang giảm ở Mỹ. Tại New York, tiểu bang này chỉ có 41 trường hợp được ghi nhận, dù vẫn đứng đầu toàn quốc về số ca nhiễm mới. New Jersey và Massachusetts là hai tiểu bang có số ca tử vong cao nhất tại Mỹ trong vòng 24 giờ ngày.

Thống đốc New York, ông Andrew Cuomo cho biết chính quyền có thể sẽ cho phép những khu vực có tình trạng dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn, chủ yếu là vùng ngoại ô, nông thôn mở lại hoạt động vào cuối tháng.

Dịch COVID-19 ngày 11-5: Mỹ, Pháp, Anh, Ý... tiếp tục giảm ca nhiễm - Ảnh 4.

Bữa tiệc mừng ngày của mẹ của gia đình cô Jane Hassebroek ở Brooklyn, New York, Mỹ trong ngày 10-5 – Ảnh: REUTERS

* Tính đến hết ngày 10-5, Trung Quốc có thêm 17 ca nhiễm COVID-19, tăng so với ngày hôm trước và tiếp tục là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ 28-4. Ngoài ra, không có ca tử vong mới.

Trong số các ca nhiễm mới, 7 ca là từ nước ngoài trở về, 5 ca ở thành phố Vũ Hán. Tổng số ca dương tính với virus ở Trung Quốc hiện là 82.918 trường hợp với 4.633 người tử vong.

* Thêm lãnh đạo Hải quân Mỹ có tiếp xúc với thành viên dương tính với virus corona chủng mới trong gia đình. Mặc dù được xét nghiệm và âm tính với virus, ông sẽ bị cách ly trong một tuần, một nguồn tin cho biết với Reuters.

Ngày 10-5, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo lệnh phong tỏa tại nước này do dịch COVID-19 sẽ được kéo dài đến ít nhất là ngày 1-6 dù ông công bố các kế hoạch dỡ bỏ một cách thận trọng các hạn chế đi lại. Theo đó, một số trường tiểu học có thể đón học sinh và một số cửa hàng có thể mở cửa trở lại từ ngày 1-6. Một số địa điểm công cộng có thể mở cửa lại từ 1-7.

Trong vòng 24 giờ qua, Anh có thêm 3.923 ca dương tính và 268 ca tử vong vì virus corona chủng mới. Tổng số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 tại Anh lần lượt 219.183 và 31.855 ca.

* Tính đến tối 10-5 (giờ Pháp), số ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Pháp là 26.380 người, tăng 70 ca trong 24 giờ. Đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất tại Pháp kể từ khi nước này bắt đầu các biện pháp phong tỏa từ ngày 17-3.

Pháp hiện có 22.569 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 45 ca so với một ngày trước), trong đó 2.776 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 36 ca).

Pháp bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa kể từ ngày hôm nay 11-5 nhưng vẫn thận trọng với 4 vùng xếp loại nguy cơ cao là Ile-de-France, Hauts-de-France, Bourgogne-Franche-Comté và Grand-Est.

Đối với 4 vùng trên, công viên và vườn hoa tiếp tục đóng cửa. Các cửa hàng không thiết yếu được phép mở cửa trở lại với điều kiện đảm bảo giãn cách và vệ sinh, trừ các trung tâm thương mại lớn hơn 40.000m2.

Hành khách đi xe công cộng buộc phải đeo khẩu trang.Các trường mẫu giáo và tiểu học, nếu đủ điều kiện, có thể đón tối đa 15 học sinh/lớp. Các trường trung học cơ sở trong các vùng ít nguy cơ được phép hoạt động từ ngày 18-5. Việc mở cửa trở lại các trường trung học phổ thông sẽ được quyết định vào cuối tháng 5.

* Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý ngày 10-5 cho biết nước này ghi nhận thêm 1.083 ca nhiễm virus corona chủng mới và 165 ca tử vong do nhiễm bệnh COVID-19 ở Ý. Tổng số ca mắc COVID-19 của Ý là 219.070 trường hợp. Tổng số ca tử vong là 30.560 trường hợp. Tổng số ca bình phục là 105.186 ca.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte khuyến cáo, nếu người dân không tuân thủ khoảng cách an toàn, nguy cơ mọi nỗ lực đã thực hiện sẽ bị phá hủy, đất nước sẽ bị phong tỏa trở lại và sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Ý.

Dịch COVID-19 ngày 11-5: Mỹ, Pháp, Anh, Ý... tiếp tục giảm ca nhiễm - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Dịch COVID-19 ngày 11-5: Mỹ, Pháp, Anh, Ý... tiếp tục giảm ca nhiễm - Ảnh 6.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

HỒNG VÂN – LAN ANH – KIM THOA – NGUYÊN HẠNH
TTO