25/12/2024

Cơ hội ‘trăm năm có một’ cho doanh nghiệp Việt

Cơ hội ‘trăm năm có một’ cho doanh nghiệp Việt

 “Làn sóng chuyển dịch chuỗi giá trị đang xem Việt Nam là ô cờ trung tâm cần chiếm lĩnh, và đây là cơ hội “trăm năm có một” mà các doanh nghiệp Việt Nam là quân cờ trắng, có cơ hội đi trước, nên cần tận dụng”.

 

Cơ hội trăm năm có một cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 1.

Trong thời gian dịch COVID-19, Công ty TNHH Lập Phúc, Q.7, TP.HCM vẫn giữ chân 170 nhân công khi duy trì công việc bình thường nhờ các đơn hàng từ Mỹ. Hiện nay, doanh nghiệp đã sẵn sàng tái sản xuất 100% công suất – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại hội nghị “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” sáng 9-5.

Doanh nghiệp: giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện nay. Cơ quan nhà nước: quan tâm xử lý tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp cả về chính sách, chia sẻ cùng doanh nghiệp, giữ ổn định vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng Việt Nam.

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Hội nghị tổ chức theo hình thức truyền hình trực tiếp để 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh và người dân có thể theo dõi. Đây cũng được xem như Hội nghị Diên Hồng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch COVID-19.

Doanh nghiệp không ỷ lại

Lắng nghe tất cả ý kiến góp ý của doanh nghiệp, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Việt Nam là điểm sáng đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, xác lập một trạng thái bình thường mới nên cần tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Cơ hội trăm năm có một cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 3.

Nguồn: Bộ Kế hoạch – đầu tư – Đồ họa: N.K.

Thủ tướng đồng ý tiếp tục đưa các chuyên gia, các nhà quản lý người nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác cùng phát triển, trước hết là Lào, Campuchia và nhiều nước khác trong thời gian tới.

Nhìn nhận đây là cơ hội cho Việt Nam, Thủ tướng nêu ra 3 yêu cầu đối với doanh nghiệp. Đó là không được trông chờ, ỷ lại mà phải tập trung tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị, áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất.

Nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng cho rằng giờ đây là tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy. “Đừng nhìn người khác, nơi khác, virus trì trệ nằm ngay trong chính bản thân chúng ta, tổ chức của chúng ta, địa phương của chúng ta và cả trong doanh nghiệp của chúng ta” – Thủ tướng nói.

Chính quyền không đổ qua đổ lại

Với các cơ quan bộ ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, xắn tay áo vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp, cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục.

Đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động yếu thế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan tâm xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được đổ qua đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh lại tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. “Các đồng chí kiểm tra, thanh tra nhiều quá cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Chúng ta thực hiện hậu kiểm trong bối cảnh khó khăn này”.

Đón sóng chuyển dịch đầu tư, vươn tầm quốc tế

Những yêu cầu trên được Thủ tướng nêu ra khi ông kỳ vọng hội nghị này phải thể hiện tinh thần yêu nước, với quyết tâm hành động mạnh mẽ để Việt Nam phát triển theo hình chữ V chứ không phải chữ U hay chữ W.

Mà trước hết, cần đạt được mục tiêu trong năm nay là tăng trưởng trên 5% và lạm phát dưới 4%, làm tiền đề hướng tới tầm nhìn Việt Nam 2045 là trở thành quốc gia thịnh vượng. Thủ tướng khẳng định dịch bệnh không làm thay đổi mục tiêu và tầm nhìn này.

Nhấn mạnh đến làn sóng chuyển dịch chuỗi giá trị đang xem Việt Nam là ô cờ trung tâm cần chiếm lĩnh, và đây là cơ hội “trăm năm có một”, Thủ tướng đưa ra sáu lời đề nghị với doanh nghiệp: Trước hết là yêu Tổ quốc, làm gì cũng phải nghĩ tới Tổ quốc, thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ; Có tinh thần đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự làm yếu mình; Không nản chí, vì nản chí là tự bỏ cuộc; Năng động và quyết đoán, bởi thụ động lưỡng lự là mất cơ hội; Sáng tạo bởi nếu thiếu sáng tạo là tự thụt lùi; Có niềm tin bởi nếu tự chối bỏ mình là không thành công.

Cơ hội trăm năm có một cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 4.

“Khó khăn không phải thứ sinh ra để đánh bại chúng ta mà để chúng ta đánh bại nó” – Thủ tướng nhấn mạnh.

* PGS.TS Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Doanh nghiệp thấy được những “điểm sáng” từ chính sách

Qua hội nghị này, chúng ta thấy được nhiều thông điệp giúp doanh nghiệp TP.HCM nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp cả nước có nhiều cơ hội để phát triển, phục hồi sau đại dịch. Cụ thể như thời gian gia hạn các khoản nợ, giãn thuế, tiền thuê đất hay là việc các cơ quan sẽ trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT… Ngân hàng Nhà nước cũng gửi một thông điệp để các doanh nghiệp thấy được những “điểm sáng”, cụ thể sẽ tiến tới giảm lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, từ đó giúp các doanh nghiệp giảm các chi phí cần thiết. Còn nhiều giải pháp khác mà Chính phủ sẽ đồng hành với các doanh nghiệp, tương tự TP.HCM cũng sẽ đồng hành với các doanh nghiệp để khôi phục kinh tế.

* Ông Nicolas Audier (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN):

Việt Nam đang có vị thế tốt đón đầu các cơ hội mới

Hội nghị đặc biệt với doanh nghiệp này là bằng chứng cho thấy Việt Nam đang dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống COVID-19. Những hành động nhanh chóng, quyết đoán và các phản ứng của Việt Nam bao gồm các gói kinh tế hiệu quả đã được công nhận trên toàn thế giới.

Những biện pháp mạnh mẽ trên đã giúp duy trì thành tích kinh tế, tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), duy trì niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu rằng Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn. Việt Nam hiện đang có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội đầu tư kinh doanh mới và đẩy mạnh phát triển kinh tế ổn định.

N.HIỂN ghi

* Ông Đặng Hồng Anh (chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam):

Khống chế lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm dưới 5%

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần ban hành trần lãi suất tiền gửi dài hạn trên 1 năm khoảng 5%/năm, lũy tiến 0,5% cho các năm tiếp theo để các ngân hàng có nguồn vốn giá rẻ hỗ trợ doanh nghiệp. Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đang rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay, đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp. Ngoại trừ vốn từ ngân hàng, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán cần có chính sách khuyến khích thị trường vốn hỗ trợ các công ty chứng khoán, các doanh nghiệp niêm yết.

* Ông Lê Minh Hưng (thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam):

Xử lý trực tiếp vướng mắc về tín dụng

Thông tư 01 quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng mà không giới hạn ngành nghề, loại hình, không phân biệt nhóm nợ. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ xem xét chủ trương kéo dài hơn thời gian cơ cấu lại nợ nếu cần thiết.

Hiện các tổ chức tín dụng đã chủ động ban hành văn bản nội bộ, triển khai đến từng chi nhánh, phòng giao dịch, nhưng còn một số nơi chưa triển khai quyết liệt nên việc thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp còn chưa kịp thời.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo thiết lập ngay đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời, triệt để từng trường hợp doanh nghiệp gặp vướng mắc, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà. Ngay sau hội nghị này, Ngân hàng Nhà nước sẽ lập đoàn công tác làm việc tại các địa phương nhằm thực hiện các giải pháp của ngành ngân hàng để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, vừa đảm bảo an toàn lành mạnh tài chính cho tổ chức tín dụng.

NGỌC AN – BẢO NGỌC – NGỌC HIỂN
TTO