25/12/2024

Bất định số phận thoả thuận thương mại Mỹ – Trung

Bất định số phận thoả thuận thương mại Mỹ – Trung

Tương lai thoả thuận thương mại Mỹ – Trung nhiều khả năng sẽ được quyết định trong tuần tới khi Tổng thống Donald Trump ngày càng không hài lòng với Bắc Kinh.
Tương lai thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung trở nên khó lường	 /// Shutterstock
Tương lai thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung trở nên khó lường  SHUTTERSTOCK

Tổng thống Trump giằng xé

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung Quốc đang trong tình trạng căng thẳng xung quanh nhiều vấn đề, đại diện thương mại hai bên hôm 8.5 bất ngờ có cuộc điện đàm được cho là mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Reuters trích thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc công bố sau cuộc điện đàm nhấn mạnh hai bên nhất trí nên tăng cường hợp tác kinh tế vĩ mô và y tế công cộng, nỗ lực tạo ra điều kiện thuận lợi để thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, đồng thời cam kết duy trì đối thoại.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn trên Đài Fox News sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại nói đang trong giai đoạn trắc trở với Trung Quốc, đặc biệt là về vấn đề thương mại. Theo chủ nhân Nhà Trắng, ông đã rất cứng rắn với Trung Quốc và đạt được thỏa thuận tốt, theo đó nước này phải mua 250 tỉ USD sản phẩm của Mỹ, nhưng rồi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Tờ The New York Times dẫn nhiều số liệu cho thấy Trung Quốc còn cách rất xa sức mua như mong muốn của Mỹ theo thỏa thuận giai đoạn 1. Cộng với việc nước này chỉ vừa đứng dậy từ dịch Covid-19 thì khó có khả năng đáp ứng những mục tiêu mà thỏa thuận đề ra cho đến cuối năm 2021.
Những diễn biến này bị cho là đang ngày càng làm xói mòn lòng tin của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc, đặc biệt là khi nhà lãnh đạo cho rằng Bắc Kinh “che giấu sai lầm tồi tệ” về dịch Covid-19, khiến hàng vạn người Mỹ tử vong và hàng triệu người mất việc.
Hôm 6.5, Tổng thống Trump đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nếu Trung Quốc không mua đủ số lượng đã cam kết và sẽ đánh giá mức độ tuân thủ của Bắc Kinh trước cuối tuần sau. Trả lời trên Fox News hôm qua 9.5, Tổng thống Trump cho biết đang “rất giằng xé” về tương lai của thỏa thuận nhưng chưa đưa ra quyết định.

Hậu quả nghiêm trọng

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc bị cho là đang leo đến mức độ căng thẳng hơn cả giai đoạn chiến tranh thương mại hồi năm 2019. Ngoài bất đồng về thương mại, Mỹ còn xung đột với Trung Quốc về đại dịch Covid-19, chính sách với Hồng Kông và Đài Loan cũng như những hành vi gây bất ổn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Giới quan sát nhận định sự bất hòa sẽ còn được đẩy lên cao hơn nếu thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 không tiến triển đúng lộ trình vì chính quyền Tổng thống Trump coi đây là thành tựu quan trọng, giúp củng cố cho chiến dịch tái tranh cử.
Trước cuộc điện đàm ngày 8.5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo “hậu quả rất nghiêm trọng” trong mối quan hệ Mỹ – Trung cũng như nền kinh tế toàn cầu nếu Trung Quốc không tuân thủ thỏa thuận với Mỹ.
Hiện tại, vẫn còn nhiều ý kiến tại Mỹ mong đợi nước đi hòa hoãn của Nhà Trắng. Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Larry Kudlow ngày 8.5 cho biết Trung Quốc vẫn đang đảm bảo với Mỹ rằng nước này sẽ thực thi các cam kết, theo Bloomberg.
Trong khi đó, Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ – Trung (USCBC), tổ chức đại diện cho các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, cho rằng còn quá sớm để đánh giá cam kết của Trung Quốc vì thỏa thuận chỉ có hiệu lực từ giữa tháng 2 khi dịch bệnh đã diễn ra. Chủ tịch USCBC Craig Allen nhận định tình hình sẽ cực kỳ bất ổn nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận mà không cho Trung Quốc cơ hội để thực hiện cam kết.
Mỹ cáo buộc Nga – Trung “tung hứng” thông tin về Covid-19
Trung tâm gắn kết toàn cầu (GEC) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan chuyên theo dõi hoạt động tuyên truyền của nước ngoài, thông báo phát hiện có sự phối hợp giữa Nga và Trung Quốc trong việc tung ra những thông tin không chính xác về đại dịch Covid-19.
AFP ngày 9.5 dẫn lời Điều phối viên phụ trách GEC Lea Gabrielle cho biết cơ quan này đã phát hiện hàng ngàn tài khoản mạng xã hội liên quan đến Nga, tung thuyết âm mưu như vi rút Corona chủng mới gây bệnh Covid-19 là do Mỹ tạo ra. Bên cạnh đó, GEC cho biết Trung Quốc đã tạo ra nhiều tài khoản ảo trên Twitter để tăng cường tương tác, bảo vệ chính sách của nước này đối với dịch Covid-19.
Theo bà Gabrielle, tuy mức độ của sự phối hợp giữa Nga và Trung Quốc chưa thể được xác định nhưng rõ ràng là có bằng chứng về việc hai nước này “kẻ tung, người hứng” các thuyết âm mưu về dịch Covid-19 nhằm định hình hiểu biết của công chúng.
Tuy nhiên, trả lời CNN mới đây, Twitter thông báo đã kiểm tra những tài khoản mà GEC cung cấp và phần nhiều trong số đó thuộc về các tổ chức thuộc chính phủ hoặc phi chính phủ và nhà báo. Twitter cho biết đang tiếp tục kiểm tra và sẽ báo cáo với GEC về kết quả.
Nga và Trung Quốc chưa phản ứng về cáo buộc trên.
BẢO VINH
TNO