23/12/2024

Vì sao EU muốn điều tra nguồn gốc virus?

Vì sao EU muốn điều tra nguồn gốc virus?

Cuộc họp tới đây của WHA, cơ quan chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được giới quan sát nhìn nhận như một “bài kiểm tra” với vị thế ngoại giao của Trung Quốc sau đại dịch COVID-19.

 

Vì sao EU muốn điều tra nguồn gốc virus? - Ảnh 1.

Người dân đi qua các cửa hàng vẫn đang bị đóng cửa vì dịch COVID-19 ngày 5-5 tại London, Anh – Ảnh: AP

Chúng ta cần xem xét độc lập chuyện gì đã xảy ra bằng cách đứng ngoài cuộc chiến Mỹ – Trung, khi hai nước này đang đổ lỗi cho nhau trong hàng loạt vấn đề mà chỉ làm cho sự thù địch giữa họ thêm tồi tệ.

Ông Josep Borrell

Liên minh châu Âu (EU) cho biết 27 quốc gia thành viên khối này sẽ cùng đồng thuận soạn dự thảo nghị quyết kêu gọi tiến hành “đánh giá độc lập” về virus corona chủng mới vào thời điểm Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) tổ chức họp trực tuyến ngày 18-5.

Quan chức phụ trách chính sách ngoại giao của EU nhấn mạnh việc yêu cầu điều tra nguồn gốc virus là động thái độc lập của EU, “đứng ngoài cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ”.

Hiểu dịch để chống dịch

Gần đây, truyền thông thế giới đặc biệt chú ý đến những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên ở Pháp và Thụy Điển, hai thành viên thuộc khối EU.

Theo AFP, một bệnh viện Pháp sau khi xét nghiệm lại 24 mẫu bệnh phẩm từ những bệnh nhân bị viêm phổi trong giai đoạn từ tháng 12-2019 đến tháng 1-2020 đã phát hiện họ từng điều trị cho một người đàn ông bị COVID-19 từ ngày 27-12, tức là gần một tháng trước khi nước này chính thức công bố có ca bệnh đầu tiên.

Trong khi đó, theo Financial Times, virus corona có thể đã tới Thụy Điển từ tháng 11-2019. Nhà dịch tễ học hàng đầu của Thụy Điển, ông Anders Tegnell, nêu nhận định này với truyền thông địa phương, cho rằng dịch bệnh đã theo những người di chuyển từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) tới Thụy Điển trong tháng 11 và 12 năm ngoái. Ca bệnh COVID-19 đầu tiên được Thụy Điển chính thức xác nhận là trong tháng 1 năm nay.

Do đó, việc EU yêu cầu tiến hành đánh giá độc lập về nguồn gốc virus để hiểu hơn về dịch bệnh là điều dễ hiểu.

Thủ tướng Úc, ông Scott Morrison, ngày 5-5 là một trong những chính khách lên tiếng sớm nhất ca ngợi động thái này của EU. Theo ông Morrison, một cuộc điều tra như vậy sẽ giúp thế giới xử lý tốt hơn tình huống một mầm bệnh virus khác có thể nổi lên và “có nguy cơ thành đại dịch”. Thủ tướng Úc cũng nói các chuyên gia y tế nước ông tin là virus corona chủng mới phát sinh từ một chợ bán thịt và động vật hoang dã ở Vũ Hán.

Trước đó ngày 3-5, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU kiêm phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, chia sẻ với báo Le Journal du Dimanche (Pháp) về nội dung dự thảo nghị quyết này.

Theo đó, ông Borrell cho rằng nghị quyết sẽ kêu gọi sự đánh giá độc lập, từ đó định nghĩa rõ ràng một phản ứng quốc tế có sự phối hợp, điều phối trước dịch bệnh nên là thế nào.

Ông Borrell cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “hiểu rõ hơn về những tình huống đã khiến đại dịch phát triển”.

Phép thử với Trung Quốc

Cuộc họp tới đây của WHA, cơ quan chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được giới quan sát nhìn nhận như một “bài kiểm tra” với vị thế ngoại giao của Trung Quốc sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh dư luận kêu gọi điều tra về nguồn gốc dịch bệnh, Mỹ và một số nước khác còn muốn thúc đẩy việc giúp Đài Loan có được vị thế thành viên quan sát tại WHA, một điều Trung Quốc cực lực phản đối.

Cho tới nay, Trung Quốc không tán đồng việc tổ chức một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch bệnh. Bắc Kinh cáo buộc đây là “trò đổ lỗi” nhắm vào họ, dù Trung Quốc nhiều lần lặp lại cam kết ủng hộ WHO.

Thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường chiến dịch kêu gọi điều tra về việc có hay không chuyện virus mầm bệnh gây ra đại dịch COVID-19 đã bắt nguồn từ Viện virus học Vũ Hán của Trung Quốc.

Tới giờ các nhà khoa học vẫn nói chưa có bằng chứng nào cho thấy phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là nguyên nhân phát sinh dịch bệnh COVID-19.

Bà Virginie Battu-Henriksson, người phát ngôn của EU về các vấn đề đối ngoại, ngày 5-5 cho biết trong tuần này EU sẽ tiếp tục tham vấn các thành viên của WHO và các tổ chức khu vực về nội dung dự thảo nghị quyết nói trên ở Geneva, Thụy Sĩ.

“Bản dự thảo nghị quyết kêu gọi sự đánh giá độc lập về những bài học được rút ra từ cách phản ứng của y tế thế giới với đại dịch để củng cố công tác y tế dự phòng toàn cầu” – báo South China Morning Post dẫn lời bà Virginie Battu-Henriksson.

“Một sự hiểu biết kỹ lưỡng về dịch tễ học của đại dịch COVID-19 là điều thiết yếu để các chính quyền có thể đưa ra những quyết định có cơ sở – bà nói thêm – Điều thực sự quan trọng là chúng ta sẽ có sự đánh giá thỏa đáng, một đánh giá độc lập, và tìm hiểu về nguồn gốc những thứ này một cách minh bạch”.

EU nuối tiếc vì “ngây thơ” với Trung Quốc

Cũng trong cuộc phỏng vấn với báo Le Journal du Dimanche, ông Josep Borrell bày tỏ nuối tiếc vì EU đã “ngây thơ” trước Trung Quốc. “Với Trung Quốc, chúng ta đã hơi ngây thơ – ông nói – Trung Quốc theo chủ nghĩa đa phương có chọn lọc dựa trên nhận thức khác về trật tự quốc tế. Họ cũng chọn lọc trong các vấn đề luật pháp quốc tế”.

Một ngày sau khi cuộc phỏng vấn này công bố, Trung Quốc

cử đại diện cấp thấp tham dự một sự kiện về vắcxin ngừa COVID-19 do EU chủ trì và cũng không đóng góp bất cứ khoản ngân sách nào.

D.KIM THOA
TTO