Trung Quốc, Việt Nam, New Zealand được dân tín nhiệm nhất về chống dịch COVID-19
Trung Quốc, Việt Nam, New Zealand được dân tín nhiệm nhất về chống dịch COVID-19
Khảo sát mới từ một tổ chức tại Singapore cho thấy Trung Quốc, Việt Nam và New Zealand là ba nước dẫn đầu nhận tín nhiệm cao từ người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19. Pháp và Nhật xếp chót bảng.
Tổ chức bầu chọn độc lập Blackbox Research đã phối hợp cùng nền tảng Toluna để thực hiện khảo sát 12.592 người dân đến từ 23 nền kinh tế từ ngày 3-4 đến 19-4.
Kết quả khảo sát cho thấy chính quyền tại các nước như Trung Quốc, Việt Nam và New Zealand đều đạt được tín nhiệm cao từ người dân. Trong khi Trung Quốc đứng đầu với 86 điểm, Việt Nam và New Zealand ghi điểm lần lượt là 82 và 67.
Ngược lại, Pháp (14 điểm) và Nhật Bản (5 điểm) là những quốc gia xếp chót bảng.
Về điểm tổng quát, khảo sát xét các tiêu chí về lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo doanh nghiệp, cộng đồng và truyền thông. Theo đó, các xã hội tại châu Á tiếp tục dẫn đầu với 7 nền kinh tế ghi hơn 50 trong thang điểm 100.
Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục dẫn đầu với mức điểm 85 và 77, theo sau là Ấn Độ với 59 điểm. Trong khi đó, Mỹ ghi 41 điểm, Anh 37 điểm và Ý 36 điểm. Pháp và Nhật Bản một lần nữa xếp cuối bảng với mức điểm 26 và 16.
Ông David Black, nhà sáng lập và giám đốc điều hành Blackbox Research, cho biết người dân Trung Quốc đại lục “đặc biệt thỏa mãn” với cách tiếp cận của chính quyền trung ương. Theo ông, phản ứng hiệu quả đã giúp Trung Quốc tiến đến giai đoạn hồi phục, trong khi dịch bệnh vẫn đang hoành hành tại một số nơi khác.
“Điều này đem tới cảm nhận Trung Quốc đã xử lý tốt khủng hoảng”, ông Black nhận xét.
Tính tới nay, thế giới đã ghi nhận hơn 3,6 triệu ca COVID-19, 1,2 triệu ca trong đó thuộc về Mỹ. Quốc gia này cũng chiếm 70.000 trong số hơn 260.000 trường hợp tử vong trên toàn cầu.
“Chúng ta có thể nhìn thấy sự sứt mẻ đáng kể trong niềm tin ở phương Tây. Nằm ngoài xu hướng này chỉ có New Zealand, nơi Thủ tướng Jacinda Ardern đã kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và nhận được đánh giá tốt”, ông Black nói thêm.
Phó giáo sư Jeremy Lim tại Trường Y tế Công Saw Swee Hock, ĐH Quốc gia Singapore, cho rằng nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến quan điểm của người dân như độ minh bạch của giới lãnh đạo, cũng như những sai phạm trong quá trình phòng chống dịch.
Một số yếu tố khác bao gồm tính quyết đoán và sự đồng cảm dành cho nhóm dân số dễ tổn thương, theo ông Lim.
“Với những tiêu chí này, chính quyền trung ương của Trung Quốc, Việt Nam cũng như New Zealand trở nên nổi bật”, ông Lim nhận định.