Hạ lãi vay, đừng quên “cục máu đông” nợ xấu
Hạ lãi vay, đừng quên “cục máu đông” nợ xấu
Nhìn lại những giai đoạn khủng hoảng hay suy thoái kinh tế, việc hạ lãi suất nhanh và cơ cấu lại nợ sẽ cứu được không ít doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu chính sách này kém minh bạch, hỗ trợ tràn lan, sai đối tượng… sẽ để lại hậu quả khó lường, nhất là “cục máu đông” nợ xấu.
Dịch Covid-19 có thể đẩy nợ xấu lên 3,67%
Theo báo cáo của Ngân hàng (NH) Nhà nước (NN), từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đến nay cơ quan này đã ban hành nhiều thông tư, văn bản để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp (DN). Trong đó, chủ đạo vẫn là hạ lãi suất và cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, giãn nợ). Kết quả, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã triển khai cho trên 170.000 khách hàng với tổng dư nợ xấp xỉ 130.000 tỉ đồng, đã miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 29.000 tỉ đồng. Ngoài ra, các NH cũng hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho khoảng 318.000 khách hàng với dư nợ trên 980.000 tỉ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5 – 2%, thậm chí có một số NH đã hạ lãi suất từ 2,5 – 4%)…
Phải đảm bảo phương án khả thi
Có rất nhiều DN không đủ điều kiện để tiếp cận tín dụng, kể cả không có dịch cũng rất khó khăn, không thể xử lý được các vấn đề phát sinh. Chính vì vậy, những kiến nghị cụ thể sẽ được xử lý. NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD trên địa bàn toàn quốc để trực tiếp xử lý và tháo gỡ những kiến nghị. Tuy nhiên, DN phải đảm bảo phương án khả thi, có khả năng sử dụng vốn đúng mục đích, có khả năng trả được nợ thì mới được các TCTD xem xét.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng
DN được cơ cấu nợ, tiếp cận được dòng tín dụng mới sẽ có cơ hội để hồi phục, tuy nhiên với đặc thù của một tổ chức trung gian tài chính, đi huy động vốn để cho vay, các NH đang đứng ở thế bất lợi với khá nhiều rủi ro, nếu chính sách này không được triển khai một cách cẩn trọng.
Tại phiên thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả kinh tế – xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 5.5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cảnh báo nợ xấu rõ ràng chỉ tăng, khó có thể giảm, bởi kinh tế khó khăn, DN tạm ngừng kinh doanh tăng đến 33,6% so với cùng kỳ, rất khó có tiền trả nợ. Ông Thanh cũng nhấn mạnh đến con số 2 triệu tỉ đồng dư nợ tín dụng dự kiến bị ảnh hưởng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động NH.
Còn nhớ, giai đoạn sau khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009, cả hệ thống NH phải gánh “cục máu đông” nợ xấu lên tới hơn 800.000 tỉ đồng, đẩy hệ thống NH và nền kinh tế vào nguy cơ đổ vỡ. Sau gần 10 năm ráo riết tái cơ cấu, xử lý, nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) được đưa về mức an toàn dưới 3%, thanh khoản được đảm bảo. Đây là tiền đề để các NH có điều kiện, khả năng để hỗ trợ người dân, DN.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng lo ngại hiện chưa biết dịch bệnh diễn biến thế nào, trong khi nền kinh tế VN có độ mở lớn, các nước chưa kiểm soát được dịch. Khi các DN gặp khó, không có khả năng trả nợ, nợ xấu sẽ tăng, có thể cao hơn 3,67% vào cuối năm nay. Chính vì vậy, việc hạ lãi suất, khoanh nợ và giãn nợ dù khẩn trương, cấp bách, song theo nhiều chuyên gia, không thể làm một cách tràn lan, không thể hạ thấp chuẩn cho vay và đặc biệt, tránh sai đối tượng.
Hỗ trợ phải đúng đối tượng
Đánh giá thêm về vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết trước khó khăn của đại dịch Covid-19, hệ thống NH thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, đảm bảo cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế. Nhưng nguồn vốn tín dụng, các chương trình hỗ trợ đều đến từ tiền gửi của người dân và chính DN, nên trách nhiệm đầu tiên của các TCTD là phải đảm bảo an toàn hệ thống, nguồn vốn để đảm bảo an toàn nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.
“Việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới đây, hệ thống NH có an toàn, lành mạnh thì mới đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế”, ông Hưng đề xuất.
Về các giải pháp hỗ trợ DN, Thống đốc NHNN mong muốn lãnh đạo các bộ, ngành trực tiếp trao đổi với NHNN để xử lý trực tiếp các vướng mắc, kiến nghị.
ANH VŨ
TNO