19/11/2024

‘Gỡ’ tận gốc các khó khăn để ‘cứu’ doanh nghiệp sau đại dịch

‘Gỡ’ tận gốc các khó khăn để ‘cứu’ doanh nghiệp sau đại dịch

Tập trung mọi nguồn lực, giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế TP không chỉ là “mệnh lệnh”, mà còn là yêu cầu cấp bách để vực dậy kinh tế TP, sớm đưa mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường.

 

Gỡ tận gốc các khó khăn để cứu doanh nghiệp sau đại dịch - Ảnh 1.

Nhiều cửa hàng dịch vụ ở quận 7, TP.HCM bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 phải đóng cửa, sang và cho thuê lại – Ảnh: TỰ TRUNG

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh nội dung trên tại tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM 2020” tổ chức ngày 5-5, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp (DN), nhằm khơi thông nguồn lực, tái cấu trúc mô hình sản xuất, phát triển cho TP.HCM sau cú sốc đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo tại buổi tọa đàm, kết thúc quý 1-2020, tăng trưởng kinh tế TP.HCM chỉ đạt 0,42% so với cùng kỳ năm 2019, thấp nhất kể từ năm 1986 đến nay.

Việc chứng minh thiệt hại có thể kéo dài hàng năm. Chúng tôi rất mong TP đi đầu và cùng cả nước cải cách thủ tục hành chính. Trong xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách hỗ trợ DN cũng cần được thực hiện một cách triệt để, thông thoáng và tận tâm hơn từ các cơ quan chức năng và trách nhiệm…
Bà LÝ KIM CHI
(chủ tịch Hội Lương thực – thực phẩm TP.HCM)

“Gỡ” tận gốc các khó khăn

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận việc phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh bền vững hơn đang là thách thức rất lớn đối với kinh tế TP.HCM hiện nay.

Có nhiều việc phải làm, nhưng trước mắt cần ngăn chặn sự phá sản của DN. Các DN cần được hỗ trợ để không mất lao động, bảo đảm tính thanh khoản, phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa chính là các nhiệm vụ phải được ưu tiên hàng đầu.

Đưa ra 4 kịch bản cho sự phát triển của TP trong thời gian tới, với dự báo kinh tế TP sẽ tăng 2,5% “nếu tiêu cực nhất” và trên 5,4% “nếu lạc quan hơn”, ông Trần Hoàng Ngân – viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho hay kinh tế TP.HCM sẽ nghiêng về mức tăng trưởng 3,4 – 4,12% với giả định dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, còn các đối tác kinh tế lớn của TP triển khai nhiều gói hỗ trợ nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Do đó, các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ là rất quan trọng khi triển khai thực hiện các gói giải pháp tài khóa nhằm kích thích kinh tế và thực hiện an sinh xã hội.

“Trong cơ cấu kinh tế của TP, các ngành có tỉ trọng lớn và có mức độ chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường bên ngoài phải có các giải pháp cải thiện sản phẩm và tạo sản phẩm mới nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng của thị trường trong nước, từ đó thúc đẩy sự trở lại vai trò động lực tăng trưởng của các ngành”, ông Ngân đề xuất.

Gỡ tận gốc các khó khăn để cứu doanh nghiệp sau đại dịch - Ảnh 3.

Nguồn: Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM – Đồ họa: T.ĐẠT

“Các rào cản về thẩm định, chứng minh thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, tài sản thế chấp và chứng minh khả năng trả nợ vẫn là nút thắt lớn nhất để DN tiếp cận được nguồn vốn vay. Ngay cả khi tiếp cận được với ngân hàng, số lượng vốn ngân hàng cho DN vay cũng không thỏa mãn được kế hoạch phát triển và tăng trưởng của DN.
Ông CHU TIẾN DŨNG
(chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM)

Theo GS.TS Hồ Đức Hùng (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), các DN vừa và nhỏ bị tổn thương nhiều nhất với nguy cơ bị phá sản rất lớn nhưng đây cũng là thành phần dễ phục hồi nhất do những lợi thế riêng.

Do đó, cần tập trung “cứu” các DN vừa và nhỏ, giúp thành phần này “biến nguy thành cơ”. Trước mắt, cần nhanh chóng thống kê rõ, ghi nhận các tổn thương, thiệt hại trong từng lĩnh vực, ngành nghề của thành phần DN này.

“Khi tái cấu trúc hoạt động kinh tế của TP, trước hết cần tập trung vào DN vừa và nhỏ, theo chuỗi giá trị, định hướng thị trường, với thị trường trong nước với các sản phẩm tiềm năng, phục vụ dân sinh cần được ưu tiên hàng đầu hiện nay.

Ngành nào bị thiệt hại nặng nề, bị tác động trực diện nhất vào thu ngân sách TP thì “cứu” trước”, ông Hùng đề xuất.

Ông Nguyễn Xuân Thành (ĐH Fulbright Việt Nam) cho rằng một trong những giải pháp mà TP có thể làm ngay được là phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, có thể là trái phiếu ngắn hạn hoặc trung hạn nhằm bổ sung nguồn lực hỗ trợ, ngăn chặn tình trạng DN phá sản hàng loạt.

Gỡ tận gốc các khó khăn để cứu doanh nghiệp sau đại dịch - Ảnh 5.

Hàng quán vắng khách bên trong một trung tâm thương mại ở TP.HCM chiều 5-5 – Ảnh: T.T.D.

Phải xóa các điểm nghẽn

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch cho rằng DN phải sống,”rễ phải bám” thì kinh tế TP mới phát triển trở lại được.

“Thách thức với chính quyền TP hiện nay là mở các hoạt động kinh tế bình thường trở lại cỡ nào” – ông Lịch nói, đồng thời nhấn mạnh rằng kinh tế TP sẽ không thể hồi phục trở lại bình thường nếu các giải pháp của TP không song hành cùng các gói hỗ trợ mà Chính phủ đang triển khai.

Theo ông Lịch, việc hỗ trợ, kích thích tổng cầu khôi phục nhất thiết chỉ tập trung vào những DN nào “cần tiền xài ngay thì mới cần đưa tiền, chứ còn DN chỉ muốn cất vào tủ hay đi gửi ngân hàng thì chưa cần đưa lúc này”.

Lãnh đạo TP cũng cần làm việc với các ngân hàng để tìm tiếng nói đồng thuận trong việc hỗ trợ DN, đảm bảo các ngân hàng “nuôi nợ để đòi nợ” thông qua việc khoanh nợ cho DN. Khi đó, DN không phải lo “nợ chồng nợ”, có nợ xấu nên không vay được và không thể khôi phục sản xuất.

Gỡ tận gốc các khó khăn để cứu doanh nghiệp sau đại dịch - Ảnh 6.

Đồ họa: T.ĐẠT

Dẫn kết quả khảo sát về tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ do Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) thực hiện, với 28% DN cho biết các loại thủ tục còn phức tạp, 14% cho rằng cơ quan hướng dẫn chưa nhiệt tình…, ông Chu Tiến Dũng – chủ tịch HUBA – cho rằng đây là những việc mà TP cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan đầu mối giải quyết chính sách hỗ trợ chú ý cải thiện thêm.

“Các rào cản về thẩm định, chứng minh thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, tài sản thế chấp và chứng minh khả năng trả nợ vẫn là nút thắt lớn nhất để DN tiếp cận được nguồn vốn vay.

Ngay cả khi tiếp cận được với ngân hàng, số lượng vốn ngân hàng cho DN vay cũng không thỏa mãn được kế hoạch phát triển và tăng trưởng của DN”, ông Dũng thông tin.

Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực – thực phẩm TP.HCM, cũng đề xuất TP kiến nghị Chính phủ tăng cường xây dựng các chính sách giúp DN giữ được dòng vốn trong lúc khó khăn vì dịch để duy trì sản xuất, kinh doanh, thay vì vẫn “nộp” rồi lại làm đơn xin xét nhận hỗ trợ nhằm trụ được trong giai đoạn này, chứ không nên xây dựng các chính sách hỗ trợ khi DN đã gần kiệt quệ.

“Việc chứng minh thiệt hại có thể kéo dài hàng năm. Chúng tôi rất mong TP đi đầu và cùng cả nước cải cách thủ tục hành chính trong xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách hỗ trợ DN cũng cần được thực hiện một cách triệt để, thông thoáng và tận tâm hơn từ các cơ quan chức năng và trách nhiệm; quyết liệt phòng chống tiêu cực, tham nhũng…”, bà Chi khẩn thiết.

Gỡ tận gốc các khó khăn để cứu doanh nghiệp sau đại dịch - Ảnh 7.

Hàng loạt hàng quán trên đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM phải đóng cửa, treo bảng sang tiệm vì ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (ảnh chụp chiều 5-5) – Ảnh: T.T.D.

Ông Lê Duy Minh (cục trưởng Cục Thuế TP.HCM):

Không gây khó cho DN

leduyminh 2(read-only)

Ông Lê Duy Minh

Trên địa bàn hiện có khoảng 255.000 DN, chiếm 97,35% DN thuộc nhóm được hưởng ưu đãi theo nghị định 41. DN nào đã nộp, chắc chắn sẽ được gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, ngành thuế sẽ không gây bất kỳ áp lực nào cho DN.

Các DN còn lại nên tiếp tục nộp đơn xin gia hạn từ nay đến ngày 30-7 theo quy định. TP cũng có khoảng 43.000 hộ nằm trong diện được khoanh nợ thuế, không ghi nhận phát sinh tiền chậm nộp để có thêm các nguồn lực tài chính cho hoạt động kinh doanh của mình.

Ông Nguyễn Hoàng Minh (phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM):

Không thiếu vốn cho doanh nghiệp

nghoangminh

Ông Nguyễn Hoàng Minh

Sau một tháng thực hiện thông tư 01 (hướng dẫn việc miễn giảm lãi và cơ cấu lại nợ…), tính đến 20-4, trên địa bàn TP.HCM đã có 63.000 tỉ đồng được cơ cấu lại nhóm nợ; 12.300 tỉ đồng được miễn giảm lãi cho hơn 168.000 khách hàng, trong đó 38% là DN.

Từ cuối tháng 1-2020 đến nay, các ngân hàng cũng cho vay mới hơn 88.800 tỉ đồng đến 13.672 khách hàng.

Sau hội nghị này, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho rà soát, kiểm tra lại việc các ngân hàng thực hiện chỉ đạo của thống đốc Ngân hàng Nhà nước liên quan đến chính sách hỗ trợ. Các ngân hàng cũng sẽ được yêu cầu công bố rõ các tiêu chí để DN có thể tiếp cận được thông tin thụ hưởng từ các gói hỗ trợ đã triển khai.

Từ nay đến cuối năm 2020, phải bảo đảm không thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngân hàng nào xử lý cơ cấu lại nợ mà chuyển nhóm nợ là đã làm sai và sẽ bị xử lý nghiêm.

MAI HƯƠNG – TRẦN VŨ NGHI
TTO