19/11/2024

Giải quyết những nút thắt nào để vực dậy kinh tế sau dịch COVID-19?

Giải quyết những nút thắt nào để vực dậy kinh tế sau dịch COVID-19?

Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital Don Lam cho rằng để hỗ trợ cho việc tăng trưởng GDP trong dài hạn, hậu chống dịch COVID-19, Chính phủ cần có những chính sách toàn diện giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.

 

Giải quyết những nút thắt nào để vực dậy kinh tế sau dịch COVID-19? - Ảnh 1.

Sản xuất khẩu trang vải tại một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Ảnh: MOIT

Giải quyết nút thắt vốn cho doanh nghiệp

Chính phủ đã có các biện pháp tài khóa bao gồm hỗ trợ tiền mặt cho các cá nhân và hộ gia đình trong 2-3 tháng tới, mức hỗ trợ khá tương giữa các quốc gia trong khu vực, giảm các loại thuế và giảm giá điện.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tranh thủ sự hợp tác của các ngân hàng thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách gia hạn các khoản vay với mức lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường. Mức hỗ trợ của các khoản vay ưu đãi này hoàn toàn do các ngân hàng thương mại “gồng gánh”.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã thực hiện tái cơ cấu nợ cho khoảng 44 tỉ USD dư nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, cho vay mới với lãi suất ưu đãi với dư nợ đạt hơn 22 tỉ USD theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh chưa thể tiếp cận được các khoản vay này.

Trên thực tế, tín dụng không đến tay các doanh nghiệp nhỏ không chỉ xảy ra tại Việt Nam. Tại Mỹ, chính phủ đã thành lập một quỹ đặc biệt từ ngân sách nhằm hỗ trợ vay vốn đối với các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Đã có báo cáo chỉ ra rằng trong 10 doanh nghiệp nhỏ đăng ký vay gói hỗ trợ đặc biệt này, chỉ có chưa đến 1 doanh nghiệp thực sự nhận được khoản vay.

Tại Việt Nam, khó khăn trong việc vay vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể xuất phát từ việc các ngân hàng ngần ngại cho một số doanh nghiệp vay vì lo ngại các doanh nghiệp này không có khả năng trả nợ.

Do đó, Chính phủ có thể nghiên cứu cách tiếp cận mà Chính phủ Đức đang thực hiện để nguồn vốn ưu đãi có thể thực sự đến tay các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là không dùng ngân sách để cho các doanh nghiệp nhỏ vay, mà đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay của doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 tại các ngân hàng thương mại, đảm bảo rằng khoản vay sẽ được hoàn trả.

Gói bảo lãnh tín dụng như vậy cũng có thể phát huy hiệu quả ở Việt Nam nhờ giảm thiểu chi phí cho Chính phủ (Chính phủ sẽ chỉ mất tiền nếu các doanh nghiệp không trả được nợ) và vì Chính phủ cũng có nhiều cách xử lý để giảm thiểu tổn thất từ các khoản vay này.

Phát triển hạ tầng, tạo việc làm cho lao động

Trong lúc này, biện pháp rõ ràng nhất để Chính phủ kích thích kinh tế ngay lập tức là tăng cường chi tiêu cho phát triển cơ sở hạ tầng, vì các dự án lớn có thể hấp thụ một số lượng lớn lao động có trình độ thấp.

Giải quyết những nút thắt nào để vực dậy kinh tế sau dịch COVID-19? - Ảnh 2.

Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành vẫn còn dang dở – Ảnh: VY CHIẾN

Các bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc, Mỹ đều cho thấy phát triển cơ sở hạ tầng sau các cuộc suy thoái sẽ đưa lượng lớn lao động mất việc được trở lại làm việc nhanh chóng.

Chính phủ Việt Nam có thể giúp các công ty dệt may và da giày chuyển đổi từ sản xuất đồ may mặc để xuất khẩu sang Mỹ và EU sang sản xuất đồ bảo hộ y tế cá nhân (PPE), vì nhu cầu cao đối với các sản phẩm đó trong nhiều năm tới.

Ngoài đồ bảo hộ y tế cá nhân, một loạt các sản phẩm và dịch vụ y tế cũng sẽ có nhu cầu cao trong nhiều năm tới, vì vậy nếu Việt Nam có thể thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực có giá trị cao như sản xuất các thiết bị y tế sẽ rất hiệu quả.

Chính phủ có thể lên kế hoạch để thúc đẩy sự phát triển của những lĩnh vực kinh doanh khác trong ngành y tế với mức độ phức tạp thấp hơn, chẳng hạn như ngành hỗ trợ nghiên cứu lâm sàng (CRO). Các công ty CRO tổ chức các thử nghiệm y tế về các loại thuốc mới cho các công ty dược phẩm.

Ngành công nghiệp CRO đã được chuyển sang các nước thị trường mới nổi trong nhiều năm để cắt giảm chi phí. Ngoài ra, nhu cầu về các dịch vụ CRO rõ ràng sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn đáng kể trong những năm tới sau đại dịch COVID-19.

Nâng cao chất lượng vốn FDI

Một làn sóng vốn ngoại FDI được dự đoán sẽ đổ vào Việt Nam sau khi dịch COVID-19 kết thúc hoàn toàn khoảng 1 năm sau. Nhưng để đón được làn sóng này, Bộ Kế hoạch – đầu tư có thể bắt đầu thực hiện các kế hoạch từ bây giờ để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao trong nhiều năm tới.

Các công ty đa quốc gia cân đang nhắc việc thành lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam chắc chắn sẽ ấn tượng bởi các biện pháp y tế cộng đồng được Chính phủ thực hiện rất sớm và tích cực, cũng như các biện pháp mới mẻ được triển khai trong nước, bao gồm cả cách tiếp cận hệ thống chấm điểm độc đáo thông qua Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 cho các lĩnh vực khác nhau.

N.BÌNH lược ghi
TTO