24/12/2024

Dịch COVID-19 chiều 7-5: Toàn cầu có hơn 1,3 triệu ca hồi phục

Dịch COVID-19 chiều 7-5: Toàn cầu có hơn 1,3 triệu ca hồi phục

Tính đến đầu giờ chiều 7-5 (giờ Việt Nam), cả thế giới đã có hơn 3,8 triệu ca nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19, hơn 265.000 ca tử vong và hơn 1,303 triệu ca hồi phục.

Dịch COVID-19 chiều 7-5: Toàn cầu có hơn 1,3 triệu ca hồi phục - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Nhật Bản cho phép dùng thuốc remdesivir trị COVID-19

Nhật Bản trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới cho phép sử dụng thuốc remdesivir của công ty dược Gilead Sciences trong điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Một quan chức Nhật cho biết loại thuốc này được chấp thuận “theo các điều kiện đặc biệt”.

Vị này cũng cho hay đây là loại thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên được cho phép ở Nhật. Dự kiến một loại thuốc khác là Avigan do hãng dược Nhật phát triển cũng sẽ được cấp phép tại nước này trong tháng này.

Mỹ là quốc gia đầu tiên cho phép sử dụng khẩn cấp thuốc remdesivir trong điều trị COVID-19 sau một cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn.

Việt Nam: 17 ca COVID-19 mới, tất cả được cách ly ngay khi nhập cảnh

18h ngày 7-5, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trong ngày đã ghi nhận 17 ca mắc mới COVID-19. Đây đều là những ca bệnh được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam có 288 ca.

Cùng ngày, bệnh nhân COVID-19 cuối cùng điều trị tại Hà Tĩnh khỏi bệnh, đưa tổng số ca khỏi bệnh cả nước lên 233.

Dịch COVID-19 chiều 7-5: Toàn cầu có hơn 1,3 triệu ca hồi phục - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Ba Lan dời bầu cử tổng thống vì COVID-19

Theo Hãng thông tấn quốc gia Ba Lan, cuộc bầu cử tổng thống vốn dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 10-5 tới đã bị hoãn lại vô thời hạn vì COVID-19. Đảng Luật pháp và công lý cầm quyền ở Ba Lan nhấn mạnh việc dời lại ngày bầu cử là “giải pháp tốt nhất để bảo đảm tất cả công dân Ba Lan có thể tham gia cuộc bầu cử dân chủ”.

Chủ tịch Hạ viện Ba Lan (Sejm) sẽ là người thông báo ngày bầu cử mới và hình thức bầu cử sẽ là bỏ phiếu qua đường bưu điện. Theo đài phát thanh quốc gia Ba Lan, hiện có 14.740 trường hợp nhiễm COVID-19 ở nước này, trong đó 733 người đã chết.

Thái Lan chỉ thêm 3 ca nhiễm mới

Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan ngày 7-5 cho biết nước này ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 toàn quốc lên 2.992 ca và vẫn là 55 ca tử vong.

Trong số các ca mới có 2 ca là 2 người đàn ông Thái Lan trở về từ Kazakhstan và đã được cách ly. Ca thứ 3 là một phụ nữ Thái (59 tuổi) sống tại tỉnh Yala.

Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 cho biết hiện Thái Lan đã có đến 39 tỉnh không ghi nhận ca nhiễm mới suốt 28 ngày. Chính phủ Thái Lan cũng đã cho phép một số doanh nghiệp mở cửa lại trong tuần này sau nhiều tuần phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng cảnh báo chính phủ có thể tái áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nếu các doanh nghiệp ở lĩnh vực công lẫn tư nhân không tuân thủ chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

Dịch COVID-19 chiều 7-5: Toàn cầu có hơn 1,3 triệu ca hồi phục - Ảnh 3.

Các sư thầy Thái Lan đeo khẩu trang trong khi đọc kinh trong Lễ Phật Đản tại một ngôi chùa ở Bangkok ngày 6-5 – Ảnh: REUTERS

Singapore vượt con số 20.000 người mắc

Bộ Y tế Singapore ngày 7-5 cho biết nước này ghi nhận thêm 741 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 cả nước lên 20.939 người.

Hầu hết các ca nhiễm mới đều là người lao động nhập cư sống tại các khu nhà ở tập thể, chỉ có 5 ca mới là các thường trú nhân của đảo quốc này, theo Reuters.

Philippines và Indonesia ghi nhận hơn 300 ca mới ở mỗi nước

Bộ Y tế Philippines ngày 7-5 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 339 ca nhiễm mới và 27 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca COVID-19 toàn quốc lên 10.343 ca cùng 685 ca tử vong.

Trong khi đó, Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này có thêm 338 ca nhiễm virus corona mới trong ngày 7-5, nâng tổng số ca COVID-19 của cả nước lên 12.776 ca. Ngoài ra, số ca tử vong cũng tăng thêm 35 ca, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh này lên 930 người.

Ngoài Trung Quốc, Indonesia hiện là quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 nhiều nhất tại Đông Á, theo Reuters. Tính đến chiều 7-5, Indonesia đã xét nghiệm cho 96.717 người và có 2.381 người khỏi bệnh.

Malaysia ghi nhận thêm 39 ca nhiễm mới trong ngày 7-5. Tổng số ca COVID-19 ở nước này hiện nay là 6.467 ca và số ca tử vong vẫn giữ nguyên là 107 ca.

Quan chức y tế cấp cao Đức cảnh báo làn sóng COVID-19 thứ 2 trước mùa thu

Lars Schaade, phó chủ tịch Viện Robert Kock về các bệnh truyền nhiễm, ngày 7-5 cảnh báo Đức có thể đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai trước mùa thu và điều này phụ thuộc vào các ứng xử của mọi người trong bối cảnh nước này đang mở cửa lại nền kinh tế.

Tây Ban Nha tiếp tục giảm số ca tử vong theo ngày

Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết số ca tử vong ngày 7-5 của nước này là 213 ca, giảm so với 244 ca của ngày trước đó, nâng tổng số người qua đời vì COVID-19 lên 26.070 ca. Tổng số ca nhiễm virus corona của Tây Ban Nha hiện nay là 221.447 ca, tăng 1.122 ca so với ngày trước đó, theo Reuters.

Nga ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục trong ngày

Nga ngày 7-5 ghi nhận thêm 11.231 ca nhiễm mới, kỷ lục về số ca nhiễm tăng trong ngày, nâng tổng số ca COVID-19 toàn quốc lên 177.160 ca, theo Reuters.

Lực lượng đặc nhiệm chống virus corona của Nga cho biết có 88 người qua đời trong đêm vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này lên 1.625 ca. Mátxcơva, khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất bởi dịch COVID-19, cũng báo cáo số ca nhiễm tăng kỷ lục trong đêm là 6.703 ca.

Trước đó, thị trưởng Mátxcơva Sergei Sobyanin ngày 6-5 cho biết tổng số ca nhiễm tại thủ đô sẽ tăng vì chính quyền đẩy mạnh số lượng các ca xét nghiệm COVID-19.

Ông Sobyanin cho biết số ca nhiễm virus corona thực tế tại Mátxcơva phải vào khoảng 300.000 ca, tức cao hơn gấp 3 lần so với tổng số ca chính thức hiện nay, theo hãng thông tấn TASS. Số ca chính thức được ghi nhận tại thủ đô nước Nga tính đến ngày 7-5 là 92.676 ca.

Dịch COVID-19 chiều 7-5: Toàn cầu có hơn 1,3 triệu ca hồi phục - Ảnh 4.

Một người đứng ở Quảng trường Đỏ ở trung tâm thủ đô Mátxcơva hôm 6-5 – Ảnh: AFP

Trung Quốc ủng hộ WHO, phản đối Mỹ và các nước chính trị hóa COVID-19

Trung Quốc ngày 7-5 cho biết nước này ủng hộ các nỗ lực điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và phản đối các nỗ lực của Mỹ và một số quốc gia khác đang muốn chính trị hóa vấn đề này chống lại Bắc Kinh.

Khi được hỏi về những bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cho rằng dịch COVID-19 còn tệ hơn Trân Châu cảng và vụ khủng bố ngày 11-9, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng kẻ thù mà Mỹ đang đối mặt là virus corona và không phải là Trung Quốc, theo Reuters.

Mặt khác, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này sẽ đảm bảo cho các công ty nước ngoài quyền bình đẳng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của chính phủ, bao gồm các biện pháp giảm thuế.

Đại sứ EU ở Trung Quốc: căng thẳng Mỹ – Trung không giúp ích cho cuộc chiến chống COVID-19

Ông Nicolas Chapuis – đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Bắc Kinh, Trung Quốc – cho biết leo thang căng thẳng Mỹ – Trung Quốc là một vấn đề và làm suy yếu sự hợp tác đa quốc gia cần thiết để ứng phó với đại dịch COVID-19 hiện nay, theo Hãng tin Reuters.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngắn ngày 7-5, ông Chapuis nói Trung Quốc đang đứng ở một vị trí độc nhất có thể giúp giảm bớt căng thẳng và đẩy mạnh các cải cách kinh tế của nước này hơn nữa nhằm tránh phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Chapuis cũng cho rằng tiếng nói của EU hiện nay là “cần thiết hơn bao giờ hết”. “Chúng tôi là cốt lõi của các giải pháp đa phương cần thiết để làm dịu đi cuộc khủng hoảng COVID-19 và chuẩn bị cho sự hồi phục kinh tế” – đại sứ Chapuis nhấn mạnh.

Dịch COVID-19 chiều 7-5: Toàn cầu có hơn 1,3 triệu ca hồi phục - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Nhiều thành phố muốn “xanh hơn” hậu COVID-19

Nhiều lãnh đạo của các thành phố từ Seoul (Hàn Quốc) cho đến Seattle (Mỹ) đang đẩy mạnh kế hoạch khiến các thành phố trở nên lành mạnh và xanh sạch hơn, trong một phần của chiến lược toàn cầu để cùng một lúc hồi phục từ đại dịch COVID-19 lẫn chống lại biến đổi khí hậu.

Nhiều thành phố trải qua lệnh phong tỏa để ngăn dịch COVID-19 lan rộng đã chứng kiến chỉ số ô nhiễm giảm mạnh, cung cấp cho chính quyền địa phương và người dân cái nhìn về phương pháp có thể làm giảm khí thải nhà kính trong tương lai.

Tuần trước, nhiều thị trưởng và lãnh đạo cấp cao của 11 thành phố lớn trên khắp thế giới, bao gồm Hong Kong, Lisbon, Medellin, Milan, Melbourne, Seattle và Hàn Quốc, đã họp bàn về cách thức để thúc đẩy hồi phục kinh tế nhằm cải thiện y tế công cộng và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Các biện pháp được thảo luận bao gồm xây dựng các tòa nhà sử dụng năng lượng xanh, trồng cây hàng loạt và đầu tư vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời, theo báo Guardian.

Milan và một số thành phố cho biết họ có kế hoạch mở rộng các làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ trong vài tháng tới.

Nhiều nước khan hiếm thành phần bào chế dược phẩm

Cùng với tình trạng gián đoạn nguồn cung lớn, các lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm chống dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 trên thế giới đang dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung một số thành phần để bào chế thuốc tại một số nước trên thế giới.

Báo cáo công bố ngày 6-5 của Liên Hiệp Quốc lấy dẫn chứng về sự thiếu hụt chất heroin, thành phần để bào chế một số loại thuốc, có thể dẫn đến việc sử dụng các chất có hại được sản xuất trong nước để thay thế. Hậu quả nghiêm trọng hơn của tình trạng thiếu thành phần này có thể dẫn đến việc tiêm ma túy, sử dụng thiết bị tiêm chích chung và các dụng cụ dùng thuốc khác, làm tăng nguy cơ truyền bệnh qua đường máu.

Theo báo cáo của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc, những số liệu thống kê từ nhiều nước chỉ ra rằng tình trạng thiếu hụt thành phần heroin để sản xuất thuốc chủ yếu do khó khăn trong nhập khẩu hoặc bị cản trở do các lệnh phong tỏa giữa các nước, đặc biệt tại châu Âu, Đông Nam Á và Bắc Mỹ.

Cơ quan trên cũng cảnh báo dịch bệnh COVID-19 có thể “mở ra những cơ hội mới” cho các tổ chức buôn lậu và tội phạm có tổ chức trong việc vận chuyển và buôn bán thành phần bào chế thuốc gây nghiện này.

Dịch COVID-19 chiều 7-5: Toàn cầu có hơn 1,3 triệu ca hồi phục - Ảnh 6.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

ANH THƯ – DUY LINH
TTO