23/01/2025

Châu Âu nhận ra sai lầm khi để Trung Quốc nắm đến 80% kháng sinh

Châu Âu nhận ra sai lầm khi để Trung Quốc nắm đến 80% kháng sinh

Ông Josep Borrell – Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi khối này cần rút ra các bài học từ dịch COVID-19 để tăng tính “tự chủ chiến lược” trong bào chế thuốc men.

 

Châu Âu nhận ra sai lầm khi để Trung Quốc nắm đến 80% kháng sinh - Ảnh 1.

Ông Josep Borrell – Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) – Ảnh: AFP

Trả lời phỏng vấn của nhiều tờ nhật báo lớn của châu Âu trong ngày 6-5, ông Borrell cho biết: “Thật không bình thường khi châu Âu không thể tự sản xuất một gram paracetamol nào, và 80% việc sản xuất các loại thuốc kháng sinh trên thế giới đều tập trung ở Trung Quốc”.

Vị Đại diện Ngoại giao và An ninh Cấp cao EU kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), vừa nhậm chức ngày 1-12-2019, thừa nhận rằng việc tin cậy vào các thị trường toàn cầu trong việc cung ứng đã trở thành bình thường, nhưng “trong thời khủng hoảng, điều này không còn đúng”.

Ông đặt câu hỏi: “Khi chuỗi dây chuyền cung ứng cần rút ngắn thì tại sao không có những trung tâm sản xuất ở gần chúng ta hơn”, đồng thời gợi ý khả năng phát triển sản xuất tại châu Phi, “nơi hiện cũng đang dùng thuốc nhiều hơn”.

Theo ông Borrell, đại dịch COVID-19 lần này cho thấy tầm quan trọng của các kho dự trữ vật tư y tế chiến lược, cũng giống như các kho dự trữ dầu mỏ hiện nay. Ông cho rằng cũng không khó thay đổi, miễn là các nước có đủ ý chí chính trị để tác động với các doanh nghiệp lớn của mình.

Ông nói phải tính lại cả về chuyện tự sản xuất thuốc, yêu cầu điều chuyển các cơ sở sản xuất thuốc của châu Âu.

Trong những năm 1980, ngành công nghiệp dược phẩm của châu Âu vẫn rất mạnh. Khoảng 80% các hoạt chất chính được sản xuất tại châu Âu, chỉ 20% được nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo một báo cáo của Thượng viện Pháp về vấn đề này, công bố hồi năm 2018, đến 80% hoạt chất dùng cho các loại thuốc ở EU đến từ một nước thứ ba, rồi Ấn Độ và Trung Quốc nắm giữ đến 60% các cơ sở sản xuất thuốc.

Thậm chí giờ đây, Trung Quốc đã trở thành xưởng bào chế hơn 80% hoạt chất chính được dùng trong ngành sản xuất dược phẩm. Trung Quốc cũng nắm giữ 80-90% dược liệu để bào chế ra các hoạt chất chính và các loại thuốc thay thế các dược phẩm hiện không còn được bào chế nữa.

Ấn Độ cũng là một nhà sản xuất dược phẩm, song nền sản xuất phụ thuộc đến 80% vào hoạt chất chính do Trung Quốc bào chế.

Châu Âu nhận ra sai lầm khi để Trung Quốc nắm đến 80% kháng sinh - Ảnh 2.

Nghiên cứu về COVID-19 trong phòng thí nghiệm – Ảnh: REUTERS

Trong cùng ngày, Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu dược phẩm của Ấn Độ (Pharmexcil) cho biết sẽ cung cấp cho châu Âu gần 1.000 tấn thành phần hoạt tính (API) của thuốc giảm đau Paracetamol.

Tuyên bố này được Pharmexcil đưa ra sau khi Chính phủ Ấn Độ yêu cầu ngừng xuất khẩu một số loại dược phẩm, trong đó có Paracetamol, vào tháng 3 vừa qua, để đảm bảo nguồn thuốc cung cấp cho người dân sau khi dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng dược phẩm trên toàn cầu.

Theo Chủ tịch Pharmexcil, ông Dinesh Dua, mỗi tháng châu Âu cần tới 800 tấn API của Paracetamol và điều này đã gây sức ép không nhỏ cho Pharmexcil trong 10 ngày qua. Cũng theo ông, giới chức Ấn Độ cũng yêu cầu các hãng dược phẩm trong nước đảm bảo đủ nguồn API dự trữ cho 4 tháng để đáp nhu cầu trong nước.

Ấn Độ là nhà cung cấp dược phẩm hàng đầu thế giới. Số liệu thống kê công bố hồi tháng trước cho thấy nước này đã xuất khẩu 1,9 triệu vỉ Paracetamol và những dạng khác của loại thuốc này cho 31 nước trên thế giới cùng với nhiều loại thuốc khác cho 87 quốc gia.

Châu Âu là khách hàng nhập khẩu API của Paracetamol lớn nhất của Ấn Độ với số lượng lên tới khoảng 12.000 tấn mỗi năm.

 

TƯỜNG NGUYỄN

TTO