23/01/2025

Tuyển sinh 2020: Sẽ yêu cầu ngặt nghèo với trường tổ chức kỳ thi riêng

Tuyển sinh 2020: Sẽ yêu cầu ngặt nghèo với trường tổ chức kỳ thi riêng

Nếu dự thảo quy chế tuyển sinh đại học phiên bản mới nhất được thông qua, các trường chỉ được tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh khi tuân thủ nhiều quy định ngặt nghèo, theo Bộ GD-ĐT là nhằm bảo đảm chất lượng thi.
Cán bộ Trường đại học Bách khoa tư vấn tuyển sinh /// Ảnh Lê Anh Hoa
Cán bộ Trường đại học Bách khoa tư vấn tuyển sinh  ẢNH LÊ ANH HOA
Một số trường đại học đang được Bộ GD-ĐT đề nghị góp ý kiến cho dự thảo quy chế tuyển sinh đại học. So với phiên bản đầu tiên Bộ GD-ĐT công bố ngày 20.1, phiên bản dự thảo mới đây có một số điều chỉnh quan trọng, đặc biệt là xuất hiện một nội dung hoàn toàn mới quy định về bảo đảm chất lượng với các kỳ thi do các trường tổ chức riêng.
Nội dung này đưa ra nhiều quy định chi tiết, với các điều kiện ngặt nghèo, dành cho các trường tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, bao gồm thi các môn văn hóa hoặc thi đánh giá năng lực hoặc hình thức thi khác hoặc kết hợp một số hình thức thi, mà theo nhiều trường, rất khó có cơ sở đào tạo đạt được.

Đủ năng lực tự chấm điểm ít nhất 75% bài thi

Theo đó, các trường muốn tổ chức thi riêng trước hết phải có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh. Có đủ nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức kỳ thi riêng, từ lãnh đạo bộ phận chuyên trách, cán bộ xây dựng cấu trúc đề thi, cán bộ phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và tự luận hoặc ngân hàng câu hỏi tự luận, cán bộ chấm thi, cán bộ đánh giá, thẩm định các tham số của câu hỏi thi và đề thi, đến các cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên.
Lãnh đạo bộ phận chuyên trách phải có năng lực quản lý, có tinh thần trách nhiệm, trung thực, khách quan, trong đó có ít nhất một trong các lãnh đạo của bộ phận chuyên trách là người đã từng tham gia tổ chức các kỳ thi có tầm quan trọng với quy mô lớn hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên của một trong các chuyên ngành đo lường và đánh giá trong giáo dục, hoặc có bằng tốt nghiệp đại học ngành quản lý giáo dục và đã có kinh nghiệm trong công tác khảo thí hoặc quản lý đào tạo.
Trường phải có đủ cán bộ cơ hữu tham gia xây dựng cấu trúc đề thi, câu hỏi và ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và/hoặc tự luận, cán bộ thẩm định nội dung câu hỏi và cán bộ thử nghiệm câu hỏi và đề thi; hoặc có đủ cán bộ có hiểu biết về tâm trắc, tâm lý học (nếu trường tổ chức đánh giá chỉ số thông minh và các trí tuệ khác) để tham gia phát triển ngân hàng câu hỏi ở các bước theo quy định.
Có đủ cán bộ cơ hữu có năng lực về đo lường và đánh giá trong giáo dục để làm nhiệm vụ đánh giá, thẩm định các đặc tính của câu hỏi (độ khó, độ hiệu lực, độ phân hóa) và tạo lập các đề tương đương theo dạng thức đã công bố.
Có đủ cán bộ chấm thi cho mỗi nội dung thi đối với thi tự luận, trong đó số cán bộ cơ hữu của trường phải đủ để đảm bảo tối thiểu 75% khối lượng chấm thi và các cán bộ được mời tham gia chấm thi phải có đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, có hợp đồng ràng buộc và phân định trách trách nhiệm rõ ràng. Đối với các dạng thi trắc nghiệm, phải thực hiện chấm thi bằng máy.
Có đội ngũ kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu để sử dụng các thiết bị tin học và các thiết bị khác (nếu có) phục vụ cho việc tổ chức thi và chấm thi.

Ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn để làm được ít nhất 10 đề thi độc lập

Trường phải xây dựng được cấu trúc đề thi phù hợp cho tuyển sinh đại học; công bố trước khi thí sinh đăng ký dự thi ít nhất là 15 ngày. Nội dung các câu hỏi thi đánh giá được các năng lực cốt lõi để học tập ở bậc đại học của thí sinh, không vi phạm pháp luật và các thuần phong mỹ tục, văn hóa của Việt Nam, trong đó nội dung các câu hỏi để đánh giá trình độ văn hóa phải nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học phổ thông.
Có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và tự luận hoặc ngân hàng câu hỏi tự luận đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi, trong đó số câu hỏi chuẩn hoá phải đủ để xây dựng được ít nhất 10 đề thi độc lập cho mỗi môn thi hoặc bài thi; số câu hỏi tự luận đủ để xây dựng được ít nhất 10 đề thi độc lập.
Có giải pháp đảm bảo sự tương đương của các đề thi. Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được quản lý bằng phần mềm chuyên dụng để xây dựng các đề thi theo hình thức rút ngẫu nhiên, tự động đúng với cấu trúc đề thi đã được phê duyệt.
Các câu hỏi cần phải được thử nghiệm. Đối với bài thi dạng trắc nghiệm, các câu hỏi trắc nghiệm phải xác định rõ độ khó, độ giá trị và độ phân biệt; đối với bài thi dạng tự luận, phải xác định được sự phù hợp của thang điểm theo từng nội dung trong câu hỏi.
Đối với bài thi dạng đánh giá chỉ số thông minh hoặc các trí tuệ khác phải tuân thủ chặt chẽ các bước, thực hiện việc so chuẩn, xây dựng thang đo theo đúng quy trình khoa học. Các bài thi đánh giá chỉ số thông minh hoặc các trí tuệ khác phải được sử dụng cùng với ít nhất một nội dung đánh giá năng lực học tập khác.
Phải thực hiện quy trình để đảm bảo đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi được bảo mật trước, trong và sau khi thi; phải công bố đề thi mẫu hoặc đề thi minh họa trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi.

Theo Bộ GD-ĐT, chậm nhất ngày 10.5 Bộ sẽ chính thức ban hành quy chế tuyển sinh.

 QUÝ HIÊN
TNO