23/01/2025

Cơ hội để ASEAN gắn kết trước Trung Quốc

Cơ hội để ASEAN gắn kết trước Trung Quốc

Đó là nhận định của tiến sĩ C.J.Jenner, chuyên gia nghiên cứu về địa chính trị – đặc biệt về quan hệ quyền lực biển Mỹ – Trung tại Đại học Oxford (Anh), khi trả lời Thanh Niên.
Tàu hộ tống Ngọc Lâm là một trong số nhiều tàu chiến của Trung Quốc gây ra quan ngại gần đây trên Biển Đông /// CHINAMIL
Tàu hộ tống Ngọc Lâm là một trong số nhiều tàu chiến của Trung Quốc gây ra quan ngại gần đây trên Biển Đông  CHINAMIL

Khối Đông Nam Á phải cùng hành động

Nhận định về diễn biến gần đây trên Biển Đông, TS Jenner phân tích: Sau Chiến tranh Lạnh, sức mạnh hàng hải của Mỹ có phần suy yếu trong tương quan với Trung Quốc, và cuộc chạy đua mới trong việc lập lại trật tự địa chính trị toàn cầu. Trong sự thay đổi này, Biển Đông trở thành điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ xung đột trực tiếp hoặc chiến tranh ủy nhiệm.
Ông dẫn trích: Năm 1975, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia khi đó là ông Adam Malik đã dự báo về tình hình địa chính trị ở Biển Đông thông qua tình hình chung cho khu vực Đông Nam Á. Đó là Đông Nam Á trở thành khu vực mà trong đó hội tụ sự hiện diện và lợi ích của hầu hết các cường quốc cả về chính trị lẫn vật chất. Tần suất, cường độ tương tác chính sách giữa các cường quốc cũng như ảnh hưởng chi phối đối với các quốc gia trong khu vực đều tạo ra ảnh hưởng trực tiếp.
Từ đó, ông cho rằng: “Đối mặt với thực tế trên, các nước nhỏ hơn khó có thể tự tạo ra bất kỳ tác động nào đến chính sách, chiến lược thống trị của các cường quốc. Ảnh hưởng chỉ có thể tạo ra khi các quốc gia trong khu vực ASEAN cùng hành động tập thể, các thành viên cùng nhau tạo nên sự gắn kết nội bộ, ổn định vì mục đích chung”.

Cơ hội chín muồi

Bên cạnh đó, TS Jenner chỉ ra một thực tế khác: “Các nước gần Trung Quốc trong khu vực Biển Đông đang phải báo động mạnh mẽ vì những hành động thúc ép hàng hải được đẩy mạnh. Một khảo sát vào năm 2019 của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) chỉ ra rằng 79% người được hỏi đều trả lời rằng sự trỗi dậy của sức mạnh hải quân Trung Quốc gây ảnh hưởng không tốt cho các quốc gia khác (*). Ngược lại, trong phần khảo sát trên tại Nhật Bản và Philippines, tỷ lệ ủng hộ dành cho Mỹ cao hơn 2/3”.
“Dù bỏ ra 1.300 tỉ USD cho các nước để thực hiện Sáng kiến Vành đai – Con đường, nhưng khảo sát ở chính các quốc gia tham gia sáng kiến này của Bắc Kinh cũng cho kết quả trung bình về sự tín nhiệm quan hệ kinh tế với Mỹ vẫn cao hơn khi đạt 64%, còn Trung Quốc chỉ 24%”, ông nói thêm và đánh giá: “Bắc Kinh đang tạo ra cơ hội chín muồi để ASEAN củng cố sự gắn kết trong khu vực, phối hợp an ninh vì mục đích chiến lược chung”.

Duy trì khả năng và chiến lược quân sự phù hợp

Về giải pháp ứng phó, TS Jenner chỉ ra thực tế: “Đến giờ có một quá trình được nhận thấy rõ trên Biển Đông cũng như nhiều khu vực tranh chấp trên toàn cầu. Chính trị không ảnh hưởng lớn đến chiến thuật xung đột, nhưng là yếu tố chi phối ảnh hưởng ở cấp chiến lược cho việc hoạch định và định vị chiến tranh. Cụ thể, trong thời bình thì các quốc gia có xu hướng cho rằng thực hiện răn đe hiệu quả là bằng cách lập kế hoạch cho những hoạt động quân sự và định vị trước địa chiến lược nhằm đảm bảo tối đa hóa cơ hội chiến thắng nếu xảy ra xung đột”.
Từ thực tế trên, ông khuyến nghị: “Răn đe hiệu quả sẽ khiến một quốc gia có ý định xâm lược phải đánh giá lại liệu rằng cái giá phải trả lớn hơn rất nhiều so với lợi ích đạt được nếu dùng quân sự để xâm lược. Hiệu quả răn đe như thế đòi hỏi phải duy trì khả năng và chiến lược quân sự phù hợp, kết hợp cùng ý chí chính trị rõ ràng để hành động. Cho dù kẻ thù là dịch bệnh Covid-19 hay một lực lượng hải quân hiếu chiến thì để giữ gìn hòa bình và đảm bảo an ninh đều đòi hỏi phải có sự chuẩn bị thích hợp cho chiến tranh”.
Chiến hạm Trung Quốc diễn tập ở Trường Sa
Một đội tàu hải quân Trung Quốc vừa tiến hành cuộc diễn tập chống hải tặc ở vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, sau khi thực hiện chiến dịch chống hải tặc ở vịnh Aden hồi cuối tháng 4. Cuộc diễn tập này diễn ra ngày 2.5, nhưng tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), hôm qua (5.5) mới đưa tin, theo tờ South China Morning Post.
Cũng vào hôm qua, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin một phi công lái J-15, máy bay hoạt động trên tàu sân bay, gần đây lái một loại chiến đấu cơ tham gia cuộc tập trận được tổ chức từ cảng hải quân ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), với sự có mặt của tàu chiến và một máy bay chống tàu ngầm thực hiện giám sát ở Biển Đông. Bản tin không nói rõ thời gian và địa điểm.
Văn Khoa
(*) Nghiên cứu được thực hiện với 38.000 người ở 34 quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
 NGÔ MINH TRÍ
TNO