23/01/2025

Cảnh báo liên tiếp người lớn tuổi ăn uống bị hít sặc, nguy hiểm tính mạng

Cảnh báo liên tiếp người lớn tuổi ăn uống bị hít sặc, nguy hiểm tính mạng

Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết vừa cứu sống một bệnh nhân cao tuổi bị hít sặc trong khi ăn. Đây là trường hợp may mắn được cứu sống trên tổng số 4 ca được cấp cứu trong vòng 1 tháng qua.

 

Cảnh báo liên tiếp người lớn tuổi ăn uống bị hít sặc, nguy hiểm tính mạng - Ảnh 1.

Chăm sóc bệnh nhân cao tuổi vì hít sặc tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM – Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo đó bệnh nhân L.V.Q. (82 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, mặt tím tái do mắc chả lụa trong khi ăn. Sau khi được cấp cứu, gắp 2 miếng chả trong đường thở ra, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

BS CKII Hoàng Ngọc Ánh – phó khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), cho biết hít sặc là một tình huống khẩn cấp do dị vật rơi vào đường hô hấp gây tắc nghẽn, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt nguy hiểm hơn đối với người cao tuổi, có thể đe dọa đến tính mạng.

Trong tháng 4 vừa qua, bệnh viện tiếp nhận đến 4 bệnh nhân tuổi từ 82-88 bị hít sặc, chỉ có một trường hợp may mắn được cứu sống.

Tuy nhiên các triệu chứng do hít sặc thường bị bỏ qua và điều trị sơ sài vì ít ai nghĩ tới. Các triệu chứng thường thấy là ho, khò khè, khó thở, trường hợp nặng thì tím tái.

Để hạn chế và đề phòng nguy cơ hít sặc, cần nhận biết các rối loạn nuốt cho người cao tuổi như: uống nước rơi ra ngoài, nước bọt chảy, nhiều đàm, khó khăn khi nhai cắn, ho sặc khi nuốt, khi đang nhai, thay đổi giọng nói hay tốc độ nói sau ăn…

Bác sĩ Ánh khuyến cáo khi chăm sóc cho người bệnh, người thân phải cho thức ăn mềm, tránh thức ăn xơ dính, xay nhỏ. Cho ăn khi bệnh nhân tỉnh, ngồi, cho ăn chậm, giúp hỗ trợ mở miệng bệnh nhân, nhắc nhở khi ngậm thức ăn lâu, khi ăn phải ngồi hoặc nửa ngồi, sau đó đứng lên, vệ sinh răng miệng.

THU HIẾN
TTO