23/01/2025

Tư nhân sẽ được tham gia truyền tải điện?

Tư nhân sẽ được tham gia truyền tải điện?

Bộ Công thương vừa kiến nghị ban hành luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP), trong đó cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải.
Khu vực kinh tế tư nhân sẽ được “rộng cửa” tham gia mọi lĩnh vực của ngành điện /// Ảnh: Ngọc Thắng
Khu vực kinh tế tư nhân sẽ được “rộng cửa” tham gia mọi lĩnh vực của ngành điện  ẢNH: NGỌC THẮNG
Cụ thể, trong báo cáo vừa gửi, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng xem xét trình Quốc hội ban hành luật Đầu tư theo phương thức PPP, trong đó cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải. Khi đó, việc đề xuất đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải sẽ được áp dụng theo quy định của luật này.

Nhà nước chỉ độc quyền quản lý, vận hành

Trong thời gian luật đang xây dựng, chưa được ban hành và có hiệu lực, để có thể thực hiện đầu tư các dự án truyền tải điện theo phương thức xã hội hóa, Bộ Công thương cho rằng Thủ tướng cần xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết giải thích nội dung về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải điện tại luật Điện lực theo hướng nhà nước chỉ độc quyền trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải.
Đồng thời, bộ này cũng lưu ý để bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh quốc gia, cần cân nhắc việc cho phép doanh nghiệp (DN) tư nhân đầu tư hệ thống truyền tải có tính chất xương sống, huyết mạch. Còn với các trường hợp đầu tư lưới truyền tải nhằm phục vụ đấu nối nhà máy, cụm nhà máy điện của một hay nhiều chủ đầu tư, có thể áp dụng quy định về thỏa thuận đấu nối.
TS Hoàng Tiến Dũng, Viện trưởng Viện Năng lượng, ủng hộ việc để tư nhân tham gia đầu tư các công trình tải điện, chủ động đưa chính nguồn điện họ sản xuất lên hệ thống điện quốc gia. Theo ông, thực tế tại một số dự án, lãnh đạo địa phương cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư năng lượng tham gia đầu tư đường truyền tải điện nhưng chỉ mang ý nghĩa giải quyết tình thế, chưa có quy định thành luật nên còn nhiều bất cập về thủ tục, cơ chế. Bên cạnh đó, nếu ví đường tải điện như bộ xương cá thì đường tải điện chính được coi như xương sống, phần này vẫn do nhà nước đầu tư, quản lý nên không đáng lo ngại về vấn đề an ninh năng lượng quốc gia.
“Các dự án truyền tải cho tư nhân tham gia là các xương cá hai bên để tạo nên bộ khung. Nếu cho tư nhân tham gia đầu tư đường truyền tải điện, sẽ giải quyết được việc thiếu điện vì do thiếu đường tải điện mà có nơi sản xuất điện rồi nhưng không tải lên được, bổ sung cho những nơi thiếu nguồn do hạn hán đối với thủy điện giảm. Đồng thời, xóa thế độc quyền ngành điện bao năm qua”, ông Dũng nhận định.

Gỡ nút thắt cho điện “sạch”

Thực tế mấy năm trở lại đây, cuộc bùng nổ năng lượng sạch tại Việt Nam ghi nhận đóng góp rất lớn của các DN tư nhân nhưng chủ yếu chỉ đầu tư sản xuất điện, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vẫn nắm khâu tiếp nhận và truyền tải. Sự phát triển không đồng bộ, không thống nhất gây khó khăn cho cả hai bên. Năng lượng tái tạo phát triển mạnh, thậm chí nhiều thời điểm phát triển nóng. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp trong tổng công suất của điện gió, điện mặt trời… vẫn rất nhỏ. Chưa kể việc phát triển không đồng bộ giữa sản lượng và hệ thống truyền tải dẫn đến tình trạng nhiều dự án phải giảm công suất vì thiếu đường truyền.
Đại diện Tập đoàn Trung Nam, một trong những DN quan tâm đến dự án nhà máy điện mặt trời quy mô công suất 450 MW tại xã Phước Minh (H.Thuận Nam, Ninh Thuận), cho biết ngoài dự án này, tập đoàn cũng đề xuất tỉnh Ninh Thuận cho đầu tư đường dây truyền tải 500 kV mạch kép dài 15,5 km và dự kiến chi khoảng 600 – 700 tỉ đồng để giải quyết tình trạng quá tải lưới cho điện tái tạo.
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, thông tin đường dây truyền tải do EVN đầu tư đang hoạt động đúng công suất, không thể truyền tải thêm nếu nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động. Trong khi đó, để có thể xây dựng thêm 1 đường dây truyền tải khoảng 20 km, ước tính EVN sẽ phải mất khoảng 5 – 6 năm nếu mọi thủ tục đều thuận lợi. “Đường truyền tải điện xưa nay vẫn được coi là vùng cấm, độc quyền nhà nước, DN có điều kiện cũng không thể làm được. Khi ban hành Nghị quyết 55, Bộ Chính trị đã nói rất rõ là bỏ độc quyền, bỏ các rào cản bất hợp lý để xã hội hóa cho tư nhân đầu tư vào truyền tải, các DN rất hào hứng. Những cơ chế cụ thể, đi vào thực tế sớm ban hành sẽ giải tỏa nút thắt cho điện năng lượng tái tạo”, ông Tiến nói.
Chuyên gia năng lượng Trần Văn Bình, thành viên Hội đồng năng lượng tái tạo thế giới, đánh giá chính việc chậm trễ xã hội hóa, cho tư nhân tham gia hạ tầng truyền tải điện đã dẫn đến tình trạng lưới điện quá tải, nhất là quá tải cục bộ tại một số vùng phát triển “nóng” điện mặt trời, điện gió suốt thời gian qua. “Xây dựng đường tải điện nằm trong câu chuyện an ninh năng lượng quốc gia nhưng không thể nói chung chung như vậy vì tư nhân không ai đủ sức làm đường tải quốc gia lớn. Cái chúng ta cần là đường truyền tải nhỏ 50 – 100 MW, thậm chí 200 MW. Những dự án như thế cần huy động vốn trong dân. Điều này sẽ gỡ được nút thắt lớn nhất trong câu chuyện phát triển năng lượng “sạch”, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển điện gió, điện mặt trời tương xứng với tiềm năng”, vị này nêu ý kiến.
Theo một chuyên gia điện lực, giá đầu tư đường tải điện trung bình mỗi MW gần 1 tỉ đồng. Với nhà máy điện nhỏ từ 50 – 100 MW điện, nhà đầu tư cần bỏ ra vốn đầu tư từ 50 – 100 tỉ đồng.
HÀ MAI – NGUYÊN NGA
TNO