Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: ‘Không dồn ép học sinh dẫn tới học quá tải’
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: ‘Không dồn ép học sinh dẫn tới học quá tải’
Chiều nay, 4.5, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã đến thăm thầy trò Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) trong ngày đầu tiên học sinh trường này trở lại trường sau hơn 3 tháng nghỉ học phòng dịch Covid-19.
Trước nghỉ dịch là 47 lớp, nay thành 94 lớp
Bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng, cho biết tuần đầu tiên đón học sinh trở lại, trường đã tách mỗi lớp thành 2 lớp nhỏ, đồng thời kết hợp học online nhằm đảm bảo quy định giãn cách. Như vậy, trước đây có 47 lớp thì nay thành 94 lớp nhỏ.
Cụ thể, khối 12 tách đôi lớp (30 lớp nhỏ) và được ưu tiên học tại trường vào tất cả các buổi sáng trong tuần, bắt đầu từ 4.5. Khối 11 tách đôi lớp (32 lớp nhỏ), học tại trường vào chiều thứ 2, 3, 4 và học online các buổi chiều 5, 6, 7. Khối 10 tách đôi lớp (32 lớp nhỏ) học tại trường vào chiều thứ 5, 6, 7 và học online vào chiều thứ 2, 3, 4.
Theo bà Huyền, học sinh bắt đầu đến trường học trực tiếp sau thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19 nhưng vẫn tiếp tục học trên truyền hình, học online. Lịch học của học sinh sẽ được thực hiện theo thời khóa biểu được thông báo tại website nhà trường.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết sau khi có quyết định của UBND thành phố Hà Nội cho học sinh trở lại trường từ ngày 4.5, Sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn các trường đón học sinh trở lại an toàn.
Trên cơ sở đó, các trường xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết phù hợp với điều kiện của trường để đón học sinh. Thời gian này, các trường vẫn kết hợp giữa dạy trực tiếp và dạy học từ xa để đảm bảo hoàn thành chương trình theo đúng thời gian mà Bộ đã quy định.
Theo ông Dũng, Sở đã tiến hành 3 đợt tập huấn với cán bộ, giáo viên từng cấp học về công tác phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh ngay trước ngày đón học sinh trở lại trường.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua theo dõi các phương tiện truyền thông và trực tiếp trò chuyện với học sinh, giáo viên các nhà trường, Bộ đánh giá rất cao công tác chuẩn bị chu đáo, bài bản của ngành GD-ĐT Hà Nội.
“Tôi có hỏi các cháu học sinh ở gần nhà tôi thì thấy các cháu rất hiểu biết về kiến thức, kỹ năng phòng dịch. Điều đó chứng tỏ các cháu được nhà trường và gia đình hướng dẫn chu đáo”, ông Nhạ nói.
|
Giáo viên dạy vất vả hơn có tâm tư gì không?
Làm việc với Trường THPT Phan Đình Phùng, ông Phùng xuân Nhạ đặt câu hỏi: “Lớp học chia đôi, giáo viên phải làm việc gấp đôi, vất vả hơn nhiều. Vậy các thầy cô có tâm trạng như thế nào?”. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhâm Huyền cho biết: “Sau bao nhiêu ngày nghỉ và dạy học trực tuyến ở nhà, hầu hết giáo viên đều có tâm trạng mong ngóng ngày học sinh được trở lại trường để dạy học trực tiếp. Do vậy, với lòng yêu nghề, các giáo viên sẵn sàng nhận phần vất vả về mình”.
Tuy nhiên, bà Huyền cũng bày tỏ hy vọng việc giãn cách, chia nhỏ lớp học chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, chỉ một vài tuần để giáo viên và các nhà trường không phải làm việc với cường độ căng thẳng và áp lực quá dài.
Sau khi đến thăm các lớp học và lắng nghe chia sẻ của học sinh, giáo viên, ông Phùng Xuân Nhạ lưu ý, mặc dù nước ta đang kiểm soát dịch bệnh tốt nhưng khi học sinh trở lại trường, ngành GD-ĐT và mỗi nhà trường cần đề cao cảnh giác, đảm bảo an toàn cho học sinh lên trên hết.
“Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, tiến hành các biện pháp phòng dịch một cách đối phó”, ông Nhạ nhắc nhở, đồng thời đề nghị các trường thực hiện nghiêm túc nhưng linh hoạt các quy định về phòng chống dịch bệnh, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường.
Ông Nhạ cũng yêu cầu, sau 1 tuần học sinh trở lại trường, ngành GD-ĐT mỗi địa phương và từng trường cần đánh giá lại công tác phòng ngừa dịch bệnh, phương án giãn cách học sinh, kết hợp giữa 2 hình thức dạy từ xa và dạy trực tiếp,… đã phù hợp chưa, để điều chỉnh dần theo diễn biến của tình hình thực tế.
|
Không dồn ép học sinh học và kiểm tra quá căng thẳng
Về nội dung học tập, kiểm tra đánh giá với học sinh sau khi trở lại trường, ông Phùng Xuân Nhạ đề nghị các trường không dồn ép học sinh dẫn tới học quá tải, có thể kết hợp nhiều hình thức kiểm tra đánh giá linh hoạt, không bắt học sinh phải làm dồn dập quá nhiều bài kiểm tra, dẫn tới căng thẳng không cần thiết.
Theo ông Nhạ, trừ lớp 12, với những khối lớp còn lại, nếu thời gian học quá eo hẹp, nếu cần thiết có thể để lại một số nội dung để dạy bổ sung cho học sinh vào đầu năm học sau. Các trường cần quan tâm tập trung chuẩn bị cho học sinh khối lớp 9 và lớp 12 ôn thi, quan tâm đến hỗ trợ về mặt tâm lý cho học sinh…
Ông Nhạ cũng hứa Bộ GD-ĐT sẽ sớm công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay để các trường an tâm và có căn cứ ôn tập phù hợp. Tinh thần là đề thi năm nay sẽ nhẹ nhàng hơn so với năm ngoái nhưng Bộ sẽ vẫn đảm bảo giám sát và quản lý chặt chẽ, nghiêm túc tất cả các khâu của kỳ thi, đảm bảo một kỳ thi công bằng.
TUỆ NGUYỄN
TNO