23/01/2025

Biển Đông trong sách lược quân sự mới của Mỹ

Biển Đông trong sách lược quân sự mới của Mỹ

Trả lời Thanh Niên, một số chuyên gia phân tích quân sự đã chỉ ra những thay đổi trong sách lược quân sự mới của Mỹ nhằm đối phó Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà trong đó hàm chứa tình hình Biển Đông.
Hai chiến hạm USS America (LHA-6) và USS Gabrielle Giffords hoạt động ở Biển Đông vào tháng 3.2020 /// DVIDS
Hai chiến hạm USS America (LHA-6) và USS Gabrielle Giffords hoạt động ở Biển Đông vào tháng 3.2020  DVIDS
Không quân Mỹ ngày 2.5 thông báo đã điều 4 máy bay ném bom B-1 cùng khoảng 200 quân nhân đến đảo Guam. Theo thông báo, việc điều động này nhằm củng cố “trật tự quốc tế dựa trên luật” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Tuy nhiên, quân đội Mỹ không thông tin số oanh tạc cơ và quân nhân trên sẽ đồn trú bao lâu.

Thay đổi sách lược

Trước đó, hồi giữa tháng 4, Washington công bố kết thúc chương trình đồn trú máy bay ném bom chiến lược tầm xa ở đảo Guam vốn bắt đầu từ năm 2004.
Về quyết định của không quân Mỹ, trả lời Thanh Niên, chuyên gia nghiên cứu cấp cao Timothy R.Heath (thuộc Tổ chức RAND, Mỹ) nhận định: Mỹ phải thay đổi chiến lược vì đảo Guam giờ đây đã nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc.
Trước tình hình trên, việc rút máy bay B-52 khỏi đảo Guam cũng gây ra thắc mắc phải chăng Mỹ giảm bớt mức độ hoạt động ở Indo-Pacific. Trả lời Thanh Niên ngày 3.5 về thắc mắc trên, chuyên gia Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và nay đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng: Các chỉ trích về việc kết thúc chương trình đồn trú luân phiên máy bay ném bom tầm xa ở đảo Guam đã không nhớ đến việc suốt từ thập niên 1980 – 2004, máy bay ném bom chiến lược của Mỹ cũng không hề hiện diện tại đây.

Khó đoán định “chiêu thức”

Ông Schuster nhấn mạnh chiến lược của Mỹ trong khu vực Indo-Pacific dựa trên 3 nguyên tắc. Một là xây dựng, duy trì quan hệ hợp tác dựa trên lợi ích chung về hòa bình, ổn định. Hai là kết hợp sự hiện diện thường trực các lực lượng hải quân và lực lượng chiến thuật, các hoạt động khó đoán trước bởi các đơn vị tác chiến nhanh, có khả năng hoạt động toàn cầu. Ba là linh hoạt và phản ứng nhanh.
Trong trường hợp trên, theo ông Schuster, khác với một chiến hạm, máy bay ném bom có thể dễ dàng tiếp cận khu vực mục tiêu trong thời gian ngắn. Ông nói thêm: “Một máy bay ném bom được tích hợp vũ khí tấn công siêu thanh thì rõ ràng không nhất thiết phải thường trú trong khu vực, và càng không cần thiết khi máy bay phải trú đóng trong tầm tấn công của đối phương”. Thực tế, trước các hành vi của Bắc Kinh gây bất ổn cho Biển Đông, Washington ngày 28.4 đã điều động 2 oanh tạc cơ B-1 Lancer xuất kích từ căn cứ ở bang South Dakota, và nhanh chóng đến khu vực Biển Đông.
Cựu đại tá Schuster đánh giá chính việc đưa máy bay ném bom trở về lục địa Mỹ và có thể xuất kích từ Mỹ để đến khu vực Indo-Pacific sẽ khiến đối phương bất ngờ, và khó đoán định mục tiêu cụ thể. Có nhiều đường để từ lục địa Mỹ tiếp cận khu vực Indo – Pacific. Vấn đề là khả năng ứng biến của lực lượng quân sự Mỹ đối với khu vực.
Biển Đông trong sách lược quân sự mới của Mỹ1

Oanh tạc cơ B-1 Lancer cất cánh ở South Dakota (Mỹ) ngày 28.4 để bay đến Biển Đông

Mỹ điều chỉnh cuộc tập trận RIMPAC 2020
Hải quân Mỹ mới đây thông báo cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) chỉ diễn ra trên biển từ ngày 17 – 31.8 nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19. RIMPAC 2020 sẽ được tiến hành tại vùng biển gần quần đảo Hawaii, bao gồm nhiều nội dung như tác chiến chống ngầm đa quốc gia, tập trận bắn đạn thật… RIMPAC 2020 sẽ không bao gồm các hoạt động xã hội trên bờ. Căn cứ tại Trân Châu cảng được sử dụng để hỗ trợ về mặt hậu cần, nhưng sẽ hạn chế cho binh lính lên bờ hết mức. Đây là cuộc tập trận lớn nhất thế giới diễn ra 2 năm một lần.
Phúc Duy
“Cách thức này còn làm đối phương khó tính toán, đồng thời tăng cường hiệu quả răn đe”, nhà phân tích Schuster nói và nhận định: “Ngoài ra, sự thay đổi sách lược của Mỹ còn giúp nước này có thêm nhiều chọn lựa, phối hợp linh hoạt giữa không quân và hải quân, nhằm xây dựng khả năng tấn công mở rộng”.
Tương tự, chuyên gia Timothy Heath nhận xét: “Ưu điểm của chiến lược mới là khiến đối phương khó dự đoán hơn, đồng thời thích nghi hơn với tình hình hiện tại. Mỹ đang tính cách có thể triển khai tấn công từ nhiều hướng”. Cũng từ chiến lược này, theo ông Heath, Washington có thể tính toán thêm các địa điểm đồn trú luân phiên khác ở khu vực mà không cần phải lệ thuộc vào một vài đối tác.
Cũng đề cập về khả năng khó đoán định, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định bằng việc đưa oanh tạc cơ về lại lục địa Mỹ, Washington có thể bất ngờ điều động trở lại khu vực Indo-Pacific mà Bắc Kinh khó có thể dự báo là nhằm hiện diện ở eo biển Đài Loan, hay Biển Đông hay một khu vực nào đó ở Thái Bình Dương. Và nếu xảy ra xung đột thì chiến lược này khiến Trung Quốc phải dàn trải binh lực phòng thủ từ nhiều hướng, nên thiếu tính tập trung.

Mô thức mới của hải quân Mỹ

Không chỉ thay đổi về sách lược của không quân như đã nói, mà Mỹ còn đang định hình mô thức mới cho hoạt động của hải quân ở khu vực Indo-Pacific nói chung cũng như Biển Đông nói riêng.
Cụ thể, trong lúc tàu sân bay USS Theodore Roosevelt phải neo ở đảo Guam do dịch bệnh Covid-19 lây lan, thì Lầu Năm Góc gần đây điều động tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA-6) hoạt động ở khu vực. Giống như một số tàu khác thuộc các lớp Wasp hay America, tàu USS America có sàn tàu rộng và đã triển khai mang theo chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35. Nhờ đó, LHA-6 vẫn có thể tổ chức tác chiến như tàu sân bay. Dù nhận xét tàu USS America có thể chỉ là giải pháp tạm thời trong lúc tàu USS Theodore Roosevelt ngừng hoạt động, chuyên gia Heath cũng nhận định: “Diễn biến này tạo ra kỳ vọng Mỹ có thể chọn lựa đa dạng nhiều loại tàu chiến”.
Sự đa dạng đó cũng thể hiện trong việc Washington gần đây đã điều động tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords, thuộc lớp Independence, đến hoạt động ở Biển Đông. Nhận xét về việc tàu chiến cận bờ hoạt động nhiều hơn ở Thái Bình Dương và hải quân Mỹ không chỉ dựa vào các tàu khu trục hay tàu tuần dương, chuyên gia Timothy Heath cho rằng: “Mỹ đang cải thiện sức mạnh, tính hiệu quả cho tàu tác chiến cận bờ hoạt động ở Biển Đông. Việc tàu lớp Independence được trang bị tên lửa đột kích hải quân thế hệ mới (NSM) có ý nghĩa quan trọng để tăng cường sức mạnh”. NSM là loại tên lửa đối hạm hiện đại, thậm chí có nhiều ưu điểm so với tên lửa Harpoon vốn đã có hơn 40 năm đồng hành cùng nhiều lớp tàu chiến Mỹ.
Từ cuối năm 2019, USS Gabrielle Giffords được điều động đến Biển Đông để đồn trú luân phiên. Đến giữa tháng 3 vừa qua, chiến hạm này đã phối hợp cùng tàu USS America để tập trận trên Biển Đông, thể hiện một sự kết hợp mới linh hoạt và vẫn đáp ứng uy lực cao.
Như vậy, Washington đang có sự thay đổi sách lược quân sự cả về không quân lẫn hải quân trong khu vực.
Không nên hiểu sai cam kết của Mỹ
Sự thay đổi chiến lược của Mỹ có thể khiến một số bên hiểu sai rằng Mỹ đã không còn giữ vững cam kết tăng cường hiện diện ở khu vực Indo-Pacific. Nhưng thực tế thì Washington vẫn giữ vững cam kết. Bên cạnh đó, việc Mỹ gần đây tăng cường tần suất hoạt động ở khu vực biển phía tây Thái Bình Dương cũng không phải nhằm leo thang căng thẳng quân sự, mà chỉ là củng cố sự ổn định bằng cách chứng minh sự hiện diện lâu dài.
Chuyên gia Timothy Heath
NGÔ MINH TRÍ
TNO