23/01/2025

Vô tư ‘xem chùa’ truyền hình, phim lậu

Vô tư ‘xem chùa’ truyền hình, phim lậu

Chỉ cần có đường truyền Internet tốc độ cao, nhiều gia đình Việt hiện nay dễ dàng thưởng thức các dịch vụ truyền hình, giải trí tại gia mà không cần phải tốn tiền thêm cho các dịch vụ truyền hình bản quyền.

 

Vô tư xem chùa truyền hình, phim lậu - Ảnh 1.

Người dùng dễ dàng tìm mua các thiết bị cho phép xem truyền hình qua mạng Internet – Ảnh: Q.ĐỊNH

Tình trạng truyền phát lại trái phép, vi phạm bản quyền các chương trình truyền hình, phim ảnh, nội dung video, ca nhạc qua Internet tại VN đang diễn ra tràn lan và ngày càng nghiêm trọng.

Xem nội dung lậu quá dễ!

Anh Hữu Huỳnh (Q.7, TP.HCM) cho biết gia đình anh từng phải tốn hơn 200.000 đồng/tháng cho dịch vụ truyền hình cáp cho ba chiếc tivi nhưng “chỉ bắt cho có chứ rất ít người xem bởi ai cũng bận rộn với việc riêng”.

Hơn nữa, nội dung các kênh truyền hình lại không phong phú lắm, chất lượng lại khá phập phù, nhiều lúc “trái gió trở trời” là mất sóng hoặc chập chờn.

Thế nhưng, từ khi được bạn bè mách chuyển sang dùng Android box TV (một thiết bị giống như một chiếc máy tính thu nhỏ bao gồm các ứng dụng giải trí như truyền hình, phim ảnh, YouTube… sử dụng kết nối Internet), anh Huỳnh như nhẹ nhõm hẳn chuyện giải trí tại gia bởi “muốn nghe, muốn xem cái gì cũng có hết”.

Từ các kênh truyền hình truyền thống cho đến các nội dung phim ảnh, video, âm nhạc, chương trình giải trí, thể thao… “Ngay cả phim chiếu rạp chỉ vài ngày sau là có trên ứng dụng phim. Tất cả chỉ cần là đường truyền Internet càng mạnh càng tốt. Tuyệt nhất là mình không phải tốn phí hằng tháng cho truyền hình cáp nữa” – anh Huỳnh hào hứng.

Tương tự, chị Như Quỳnh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng cho biết những thiết bị Android box TV tiện lợi hơn hẳn so với dịch vụ truyền hình cáp hay truyền hình số vệ tinh hiện nay.

“Trừ chức năng nghe gọi, nhắn tin theo kiểu điện thoại truyền thống, thiết bị này không khác gì một chiếc smartphone với đầy đủ các ứng dụng thỏa mãn nhu cầu người dùng. Muốn nghe gì, xem gì, chơi gì đều có ứng dụng phục vụ mọi lúc, không bị bó buộc như dịch vụ truyền hình truyền thống” – chị Quỳnh nhận xét.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những thiết bị Android box TV này được bán rất nhiều tại các cửa hàng điện tử, điện máy, đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử. Có rất nhiều thương hiệu bán Android box TV với nhiều mức giá khác nhau tùy theo chất lượng và tính năng sản phẩm.

Mức giá có thể từ 500.000 đồng đến 4-5 triệu đồng một thiết bị. Các thiết bị này đều được cài đặt sẵn các ứng dụng xem kênh và chương trình truyền hình, xem phim tổng hợp từ các trang web, xem video từ YouTube, nghe radio, các ứng dụng âm nhạc… và nhiều ứng dụng khác mà người dùng có thể tìm kiếm và cài đặt giống như trên smartphone.

Nội dung chuyển phát có thể có bản quyền hoặc không tùy nhà cung cấp ứng dụng nội dung. Tuy nhiên, khá nhiều ứng dụng nội dung chỉ đơn giản được nhà cung cấp ứng dụng lấy lại từ Internet và thông báo trước “chúng tôi không chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền”.

Ngoại trừ các thiết bị Android box TV của một số nhà cung cấp dịch vụ truyền hình Internet như: FPT Telecom, Clip TV, VNPT, Viettel… có các gói cước, dịch vụ thu phí như truyền hình cáp để cung cấp cho người dùng những nội dung chất lượng cao, có bản quyền.

Vô tư xem chùa truyền hình, phim lậu - Ảnh 2.

Dịch vụ truyền hình Internet có bản quyền của một số thương hiệu cũng đang được nhiều người dân sử dụng – Ảnh: LÝ THÀNH

Thiệt hại lớn nhưng khó xử lý?

“Cả thế giới giải trí nằm gọn trong một chiếc box (hộp)” của các thiết bị box TV đem đến nhiều tiện lợi cho người dùng nhưng đã gây thiệt hại nặng cho các doanh nghiệp kinh doanh nội dung số có bản quyền.

Ông Lương Công Hiếu, giám đốc Công ty truyền thông Galaxy, cho biết việc vi phạm bản quyền nội dung tràn lan khiến cho số lượng các công ty kinh doanh lĩnh vực xem phim theo yêu cầu tại VN chỉ đếm trên đầu ngón tay, các nhà đầu tư nước ngoài cũng e ngại khi đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Phan Thanh Giản, giám đốc điều hành dịch vụ truyền hình Internet ClipTV, cũng cho biết nhiều phim được đơn vị này mua bản quyền đã bị các trang web chuyên xem phim hay các trang Facebook, YouTube “ăn cắp”. Chuyện bị xâm phạm bản quyền ngay khi phim vừa trình chiếu tại rạp không còn là điều xa lạ với hệ thống CGV, dù đơn vị này đã dùng nhiều biện pháp nhưng đều thất bại.

Cũng theo ông Giản, với các vi phạm trên Facebook hay YouTube khá dễ xử lý. Nếu phát hiện bên vi phạm bản quyền, chỉ cần làm việc với Facebook và YouTube là họ sẽ gỡ bỏ rất nhanh.

Với các website, ClipTV cũng như nhiều dịch vụ truyền hình khác đang sử dụng công nghệ mã hóa nội dung phim (tải phim về sẽ không xem được nội dung).

Tuy nhiên, nhiều nơi “chơi lầy” bằng cách quay lại màn hình thì “bó tay”. Nếu để tình trạng này kéo dài, thiệt hại sẽ vô cùng lớn với không chỉ doanh nghiệp mà cả người dùng VN trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải – giám đốc nội dung Công ty CJ CGV Việt Nam, với phim “bom tấn”, khán giả vẫn thích xem ngoài rạp. Những phim còn lại, nhiều khán giả có thể chọn “phim lậu” để xem vì tính tiện lợi của nó.

“Với phim của các studio lớn, ngay khi phát hiện ra trường hợp phim vi phạm, chúng tôi báo ngay cho đơn vị chống mất cắp bản quyền của studio hoặc chính đơn vị này liên hệ với các trang web phim lậu tại VN để yêu cầu gỡ bỏ” – ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, một số trang phim có máy chủ đặt tại nước ngoài, rất khó để gỡ phim. Do đó, theo ông Hải, Chính phủ phải có biện pháp mạnh hơn đối với việc đánh cắp bản quyền, như cắt nguồn quảng cáo trên các trang web này, phạt thật nặng nhãn hiệu nào quảng cáo trên các trang “phim lậu”.

“Và nếu được, chặn luôn quyền truy cập các trang web này như đang áp dụng với một số trang web có nội dung đồi trụy hiện nay” – ông Hải đề xuất.

Vô tư xem chùa truyền hình, phim lậu - Ảnh 3.

Vi phạm bản quyền sẽ ảnh hưởng rất lớn, nhất là nhà cung cấp dịch vụ có bản quyền, vừa mất doanh thu, nhưng quan trọng nhất là bên bán bản quyền sẽ không bán nữa. Nếu chúng ta không có biện pháp xử lý cứng rắn, về lâu dài sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu với các nhà cung cấp nội dung quốc tế.

Ông Phan Thanh Giản (giám đốc điều hành dịch vụ truyền hình Internet ClipTV)

Cần nhiều bên tham gia

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một công ty truyền thông tại TP.HCM, chuyên sản xuất các chương trình dành cho truyền hình và các nội dung trên Facebook và YouTube, cho biết vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung thường xuyên xảy ra trên Facebook, YouTube.

Do đó, đơn vị này luôn tìm các giải pháp để bảo vệ sản phẩm, tích cực gia nhập các mạng liên kết trên YouTube để được cung cấp công cụ bảo vệ bản quyền cho các video trên các kênh của đơn vị.

“Chúng tôi liên hệ với YouTube để xác minh danh tính nhằm dễ dàng xác minh quyền sở hữu với YouTube khi xảy ra tranh chấp. Trên Facebook chúng tôi cũng xác minh danh tính của doanh nghiệp, đăng ký xác minh cho các trang fanpage….

Ngoài đời thật, chúng tôi cũng đăng ký thương hiệu, bản quyền logo, hình ảnh, tên chương trình… để thuận lợi hơn trong quá trình xác minh, đăng ký bản quyền các sản phẩm với YouTube, Facebook” – vị này nói.

Tại hội thảo “Các giải pháp tăng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền” do Bộ TT&TT tổ chức hồi tháng 9-2019, Cục Phát thanh – truyền hình và thông tin điện tử đã khuyến nghị các chủ sở hữu phải chủ động tự bảo vệ bản quyền bằng các biện pháp kỹ thuật và pháp lý, đồng thời tích cực đồng hành cùng cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát hiện và chặn vi phạm bản quyền. Khi cần kiến nghị về vi phạm bản quyền phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ tài liệu chứng minh sở hữu bản quyền đối với bản quyền nội dung, bằng chứng vi phạm kèm theo các cảnh báo vi phạm bản quyền…

Khi đã có đầy đủ chứng cứ, cơ quan chức năng sẽ có cơ sở để đẩy nhanh công tác xử lý vi phạm bản quyền nội dung phát thanh, truyền hình trên mạng Internet một cách hiệu quả.

Dù vậy, theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nội dung số, tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay rất khó xóa bỏ trong một sớm một chiều bởi hình thức xử phạt còn quá nhẹ nhàng và thiếu quyết liệt.

Đặc biệt, khi nào vẫn còn người dùng Việt thích xem “chùa”, tình trạng vi phạm bản quyền sẽ còn phổ biến. Do đó, bên cạnh các biện pháp về hành chính và kỹ thuật, việc giáo dục người dùng nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền mới có ý nghĩa về lâu dài.

“Phải làm sao để người dùng hiểu được rằng việc tạo “đường sống” cho vi phạm bản quyền cũng sẽ có lúc bị đánh cắp sức sáng tạo, lao động của chính mình, chưa kể thói quen “xem chùa, nghe lậu” sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như chất lượng hình ảnh và nội dung kém, bị xem những quảng cáo có ảnh hưởng tiêu cực, mã độc đánh cắp các tài khoản dịch vụ mạng đính kèm…” – đại diện một doanh nghiệp nội dung số cho biết.

Xử phạt như “bắt cóc bỏ đĩa”

Tháng 1-2020, Cục Phát thanh – truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã xử phạt Công ty VNG 90 triệu đồng vì 5 hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có vi phạm bản quyền phim trên trang mạng xã hội Zing TV.

Riêng hành vi “thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của Công ty CP Truyền thông TK-L mà không được sự đồng ý” trên trang Zing TV thực chất là hành vi vi phạm bản quyền đối với một số bộ phim của Công ty CP Truyền thông TK-L trên mạng xã hội tại tên miền tv.zing.vn.

Trước đó, tháng 10-2019, cơ quan này cũng phát hiện 18 website vi phạm bản quyền phim của một công ty ở VN. Các website vi phạm đều dùng giao diện tiếng Việt, có tên miền quốc tế, sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây có địa chỉ IP máy chủ tại Mỹ.

Phần lớn đều có quảng cáo đánh bạc trực tuyến trái phép, liên kết tới các website như: fabet.com, cmd368.live, five88.com, 8live.com, twin188.com… Cục đã đăng tải cảnh báo đối với các website vi phạm nhưng các phim bị khiếu nại vi phạm vẫn tồn tại trên các website này dù đang trong thời hạn bị cảnh cáo.

Vào tháng 12-2019, trong số 4 doanh nghiệp bị cơ quan chức năng xử phạt số tiền lên đến 220.000 USD do sử dụng phần mềm không hợp pháp, có đến 3 doanh nghiệp FDI.

Vô tư xem chùa truyền hình, phim lậu - Ảnh 6.

Khi xem phim ở những trang web chiếu phim lậu, người xem thường phải xem quảng cáo về cờ bạc online – Ảnh: Q.ĐỊNH

Phổ biến vi phạm bản quyền

Báo cáo tháng 2-2020 của tổ chức Liên minh phần mềm – BSA cho kết quả trong 6 tháng qua, hơn 300 tập đoàn tại VN đã hợp pháp hóa tất cả phần mềm trên hơn 20.000 máy tính (PC). Phần lớn các công ty này có trụ sở tại TP.HCM.

Ông Tarun Sawney, giám đốc cấp cao của BSA, cho rằng việc 300 tập đoàn, doanh nghiệp đã hợp pháp hóa phần mềm thể hiện một hướng đi đúng đắn và là tin vui với người tiêu dùng VN, những người hưởng lợi từ việc bảo vệ dữ liệu được cung cấp bởi phần mềm hợp pháp.

Tuy nhiên, theo ông Tarun Sawney, vẫn còn hàng chục ngàn công ty ở VN sử dụng phần mềm bất hợp pháp và thực tế là có rất ít CEO (giám đốc điều hành) đứng ra giải quyết vấn đề này.

ĐỨC THIỆN
TTO